Khởi nghiệp cho sinh viên trường nghề: Hỗ trợ cần sát thực tế người học

GD&TĐ - Mặc dù đã có một số thành công bước đầu, nhưng đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên còn nhiều khó khăn, các chính sách hỗ trợ hạn chế.

Cần có môi trường thúc đẩy sáng tạo nghề nghiệp cho sinh viên. Ảnh minh họa
Cần có môi trường thúc đẩy sáng tạo nghề nghiệp cho sinh viên. Ảnh minh họa

Cần có phong trào khởi nghiệp

Theo báo cáo của Vụ Công tác HSSV (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay, cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với khoảng 2,2 triệu người tốt nghiệp hàng năm. Trong đó số học sinh trung cấp, sinh viên cao đẳng khoảng 545 nghìn người, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khoảng 1,6 triệu người.

Giảng viên Hà Quốc Trung, Trường Cao đẳng nghề Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng, đây là lực lượng tiềm năng để tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay thanh niên, học sinh, sinh viên học nghề chủ yếu tự học hỏi, tìm hiểu và xây dựng ý tưởng. Thực tế, chưa có chương trình đào tạo khởi nghiệp dành cho đối tượng này. Điều này dẫn đến một số em có các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi, chưa tạo thành một phong trào khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

“Chưa kể, dù học sinh, sinh viên có những ý tưởng tốt, nhưng để triển khai ý tưởng dự án khởi nghiệp thành công thì còn là vấn đề khó khăn. Hiện nay, cả nước có khoảng 86.350 nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng đội ngũ này có kinh nghiệm, kiến thức về đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên học nghề còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, vai trò của đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh học nghề là vô cùng quan trọng”, giảng viên Hà Quốc Trung nói.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp cho người học nghề có thể đạt được các mục tiêu là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời giúp HSSV thay đổi tư duy, nhận thức, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đưa các ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực. Bên cạnh đó là nâng cao hiểu biết về khởi nghiệp người học nghề, trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp. Ngoài ra còn khuyến khích phát triển các kỹ năng cá nhân trong tạo việc làm và tự tạo việc làm….

Nhiều chuyên gia nhận định, để giúp hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trưởng thành nhanh chóng, rút ngắn quá trình gia tăng cả về chất và lượng của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt cần kiên trì nuôi dưỡng, đào tạo, chia sẻ kiến thức khởi nghiệp từ thế hệ đi trước tới các thệ hệ trẻ đi sau. Việc có các chương trình đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sẽ giúp các em có cơ hội được nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp từ sớm. Từ đó sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết làm hành trang cho các em tự tin dấn thân với khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn có thể giảm được những vấp ngã và rủi ro thất bại. Để từ đó, Việt Nam chúng ta sẽ có thêm những thế hệ doanh nhân trẻ bản lĩnh và tài giỏi, đưa hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế, xã hội nói chung, phát triển vượt bậc.

Trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học

Việt Nam cũng đang ngày càng hoàn thiện chính sách pháp lý thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có một số văn bản quan trọng như Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Đặc biệt, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Từ đó góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp. Theo đó, 100% các đại học, học viện, trường đại học, 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư quy định về công tác tư vấn hướng nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Thông tư nhằm mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của người học.

Bên cạnh đó là trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho người học tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp, chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện người học và hỗ trợ người học khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ người học khởi nghiệp. Tìm kiếm và giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của người học để giới thiệu cho các nhà đầu tư, tăng cường xã hội hóa công tác hỗ trợ người học khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

Trước đó năm 2018, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Thông tư sau khi được ban hành là cơ sở để các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các nội dung chi và mức chi theo quy định.

Do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, năm 2021 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê) có số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên đến gần 55 nghìn doanh nghiệp, 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Do vậy, việc quan tâm, thúc đẩy các chương trình đào tạo khởi nghiệp, xây dựng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đối tượng này là vô cùng cần thiết. Điều này góp phần tích cực vào việc phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đóng góp mạnh mẽ vào phong trào quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ