Doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề ‘cười nhạt bắt tay lỏng’

GD&TĐ - Dù có chủ động trong đào tạo gắn với nhu cầu, nhưng thực tế việc liên kết giữa doanh nghiệp và trường nghề được ví như cười nhạt bắt tay lỏng.

Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành.
Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ thực hành.

Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa chủ động phối hợp, kết hợp để đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp góp phần bù đắp lao động bị thiếu hụt. Mô hình kết hợp này không mới, nhưng trong thời gian vừa qua vẫn còn được thực hiện rất hạn chế và phần nhiều mang tính hình thức - Báo cáo của Bộ LĐTB&XH.

* Chỉ số chất lượng đào tạo nghề Việt Nam nhóm bét ASEAN

Hợp tác chỉ mang tính... tình cảm

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, hiện lực lượng lao động đã tăng gấp đôi, từ 27 triệu người năm 1986 lên 51,4 triệu người năm 2022. Dân số Việt Nam đang ở thời kỳ vàng, nhưng chất lượng lao động lại chưa tương xứng khi tỉ lệ qua đào tạo còn quá thấp, chỉ trên 26%, trong khi nguồn nhân lực lao động có tay nghề và kỹ năng lại đang rất thiếu.

Hạn chế trên theo TS Nguyễn Quang Tiệp - Viện trưởng viện nghiên cứu và đào tạo Kinh tế quốc tế nó đến từ bất cập trong cơ cấu đào tạo. Nó dẫn đến thị trường lao động Việt Nam dư thừa người có kỹ năng thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao.

TS Tiệp cho biết, theo khảo sát của Trung tâm dự báo thị trường lao động và việc làm TP.HCM thì hiện chỉ có khoảng 9% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường loại hình này sau đại dịch. Lao động có kỹ năng tay nghề cao chỉ đạt gần 12% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Đáng chú ý, chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sẽ là nhiều hạn chế, chưa đủ cạnh tranh với lao động khu vực.

Viện trưởng viện nghiên cứu và đào tạo Kinh tế quốc tế cho biết: “Với sự phát triển như vũ bão của hầu hết các ngành, nghề trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, bài toán về nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp thực sự cấp thiết hơn bao giờ hết. Nguồn nhân lực có tay nghề cao trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là “chìa khóa” quyết định tốc độ, chất lượng phát triển nền kinh tế của các quốc gia."

"Thống kê về thu nhập bình quân của lao động Việt Nam khoảng hiện 300 USD (khoảng 7 triệu đồng), thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD) cho thấy rõ chất lượng lao động qua đào tạo chưa bám vào đòi hỏi của thị trường lao động” - TS Nguyễn Quang Tiệp

Thực tế, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao giỏi kỹ năng nghề, hệ thống trường nghề (Cao đẳng và TCCN) việc bắt tay hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp được xem là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Tuy vậy, theo Th.S Nguyễn Hữu Lành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông việc bắt tay giữa các trường với doanh nghiệp thời gian qua dù có gia tăng mạnh mẽ nhưng hiệu quả cốt lõi (gia tăng chất lượng nguồn lao động) vẫn chỉ ở mức trung bình. Nguyên nhân là do các trường với doanh nghiệp khi ký kết hợp tác với nhau chưa hướng đến giá trị cốt lõi của việc hợp tác.

Sinh viên ngành Xây dựng của Trường Cao đẳng quốc tế TP.HCM trong một giờ thực hành ngoài công trình

Sinh viên ngành Xây dựng của Trường Cao đẳng quốc tế TP.HCM trong một giờ thực hành ngoài công trình

“Muốn có một lực lượng lao động, công nhân kỹ thuật lành nghề, giỏi kỹ năng thì doanh nghiệp và nhà trường phải cùng phối hợp để xây dựng. Cập nhật các chương trình học mới, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, đưa sinh viên đến các doanh nghiệp thực tập… Sự liên kết chặt chẽ này giúp công tác đào tạo nhân lực phát triển theo hướng sát với thực tế sản xuất và nhu cầu của thị trường lao động.

Còn hiện nay không ít mối quan hệ hợp tác mới chỉ dừng lại ở việc ký kết để làm truyền thông, đối phó hoặc chỉ thụ hưởng quyền lợi từ một phía. Sự ràng buộc giữa hai bên (pháp lý) chủ yếu vẫn ở phương diện tình cảm. Vì vậy, muốn việc hợp tác này bền chặt thì cả hai phải tìm được tiếng nói chung hay cụ thể hơn là phải đảm bảo lợi ích thiết thực của cả hai bên. Trong đó, phải quan tâm, hiểu nhau và làm cho nhau thỏa mãn những yêu cầu chính đáng mà mỗi bên đã đặt ra, không nên chỉ biết đón nhận và đòi hỏi nhiều từ đối phương” - Th.S Lành nói.

Công tác quản lý, nắm bắt thông tin lao động chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác, chưa đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động phân tích, dự báo thị trường lao động, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách phát triển thị trường lao động nói chung và chính sách phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm nói riêng.

Doanh nghiệp thiếu niềm tin vào trường nghề

Nhìn được những bất cập và hạn chế trên, vài năm qua không ít trường Cao đẳng, TCCN cố gắng xây dựng và kết nối hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp bằng chính sách cam kết đầu ra việc làm với sinh viên. Chính sách này theo đánh giá của các cán bộ quản lý giáo dục là khá đúng đắn vì gắn trách nhiệm rõ ràng của hai bên với nhau.

Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn là trường đầu tiên trên cả nước cam kết đầu ra việc làm với sinh viên. Theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng thì để đạt được sự gắn kết và hợp tác chặt chẽ này, Nhà trường phải là phía chủ động. Đó là chủ động đặt hàng đào tạo với từng đơn vị hợp tác và để cho doanh nghiệp tham gia sâu, trực tiếp vào chương trình đào tạo của nhà trường.

Mô hình trên là khá ổn, nhưng trong hệ thống GDNN hiện nay (khoảng 1.904 cơ sở trên cả nước) số lượng đơn vị xây dựng được chính sách trên chưa nhiều. Nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp chưa mặn mà đặt hàng trường nghề Th.S Nguyễn Hữu Lành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông ngoài niềm tin thì cái khó chính là chuẩn đầu ra đào tạo của các chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Chính sách cam kết đầu ra sau tốt nghiệp sẽ giúp thắt chặt sự hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp
Chính sách cam kết đầu ra sau tốt nghiệp sẽ giúp thắt chặt sự hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp

Theo Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TPHCM, hiện có không ít doanh nghiệp chưa mặn mà hợp tác trong đào tạo nghề. Bản chất là bởi trường nghề chưa đủ năng lực thực tế để doanh nghiệp tin cậy. Vì thế, để tháo gỡ vấn đề trên trong quá trình hợp tác hai bên phải xây dựng niềm tin cho nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

“Trường nghề làm thế nào để doanh nghiệp tự tìm đến mình chứ không thể đến với nhau vì cả nể, quen biết”- ông Lâm nói.

Mổ xẻ vấn đề, Th.S Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường TC Quốc tế Khôi Việt cho rằng, nguyên nhân là do chưa có chính sách cụ thể nào cho doanh nghiệp. Lâu nay chỉ nói chung chung là khuyến khích doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên, cụ thể thế nào thì chưa rõ ràng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp không mặn mà hợp tác với trường nghề mà phải chấp nhận việc tuyển dụng bên ngoài rồi đào tạo lại theo điều kiện thực tế của đơn vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.