Giúp học sinh định hướng nghề hợp sở trường và xu thế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nắm bắt xu hướng ở hiện tại và tương lai là một trong những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể lựa chọn cho mình một ngành nghề phù hợp.

Hoạt động hướng nghiệp tại Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ).
Hoạt động hướng nghiệp tại Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ).

Hướng nghiệp thời đại 4.0

Công tác phân luồng, hướng nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Tại Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ), công tác hướng nghiệp của nhà trường được tiến hành thường xuyên theo năm học, gắn với việc xây dựng và triển khai kế hoạch giảng dạy môn hướng nghiệp, dạy nghề cho các khối lớp. Đồng thời, nhà trường tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp gắn với các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngày hội tư vấn việc làm... Nhà trường phối hợp với các trường Đại học, các công ty, doanh nghiệp tiến hành khảo sát nguyện vọng nghề nghiệp của học sinh và tư vấn, hỗ trợ về chọn nghề, đăng ký ngành nghề mà học sinh lựa chọn.

Công tác hướng nghiệp được Trường THPT Hạ Hòa tổ chức hàng năm với sự phối hợp tham gia của nhiều đơn vị.

Công tác hướng nghiệp được Trường THPT Hạ Hòa tổ chức hàng năm với sự phối hợp tham gia của nhiều đơn vị.

Theo nhận định của nhà giáo Nguyễn Thế Lượng – Phó Hiệu trưởng nhà trường: Xu hướng việc làm hiện nay và trong thời gian tới đang có sự thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển xã hội, xu thế hội nhập và đặc biệt là trong thời đại công nghệ 4.0. Vì thế, việc chuyển đổi từ lao động sử dụng sức lực của con người sang sử dụng công nghệ, số hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong các ngành nghề. Đồng thời, sau đại dịch Covid-19, các ngành cũng đã và đang phát triển ngay tại các địa phương như du lịch, tiếp thị, thẩm mỹ, kinh doanh bán hàng, kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe...

Từ những nhận định trên, thầy giáo Nguyễn Thế Lượng cho rằng, khi chọn nghề, trước hết học sinh cần căn cứ vào năng lực, sở trường của bản thân về ngành, nghề mình yêu thích, đam mê trong tương lai. Đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, nghe tư vấn về xu hướng nghề nghiệp thời điểm hiện tại và tương lai để việc lựa chọn nghề của bản thân phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội đang đặt ra.

Ngoài ra, học sinh cần tích cực học ngoại ngữ và công nghệ thông tin để có nền tảng tốt nhất tiếp cận xu hướng nghề nghiệp chuyển đổi số và hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

Làm tốt từ cấp THCS

Tại Trường THCS Văn Lung (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường triển khai bài bản và có lộ trình cụ thể.

Cô giáo Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu các năm học, nhà trường đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả, nhà trường đã thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp. Trong đó, qui định rõ trách nhiệm của các thành viên trong tổ tư vấn. Từ đó, các thành viên sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, nhà trường còn tích cực lồng ghép các nội dung hướng nghiệp trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, tích hợp nội dung hướng nghiệp vào các giờ dạy trên lớp. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa có nội dung hướng nghiệp và phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã Phú Thọ, Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ tuyên truyền, thu hút người học ngay sau khi học sinh tốt nghiệp THCS vào học văn hóa cấp THPT, kết hợp học nghề, đào tạo trình độ trung cấp cho học sinh.

Cùng với đó, một hoạt động rất quan trọng đó là phối hợp với cha mẹ học sinh trong công tác tư vấn, hướng nghiệp. Tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ ý nghĩa của việc phân luồng, động viên các con, em lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS phù hợp với năng lực, sở trường, kinh tế gia đình.

Công tác giáo dục hướng nghiệp được Trường THCS Văn Lung thực hiện bài bản và hiệu quả

Công tác giáo dục hướng nghiệp được Trường THCS Văn Lung thực hiện bài bản và hiệu quả

Theo nhà giáo Trần Thanh Hải, công tác hướng nghiệp của Trường THCS Văn Lung có một số thuận lợi như: Được sự chỉ đạo sát sao của các cấp, của ngành về công tác phân luồng, hướng nghiệp. Có tài liệu giáo dục hướng nghiệp chính thống cho học sinh THCS. Nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, học sinh không có tư tưởng bỏ học để đi làm trực tiếp sau khi tốt nghiệp THCS. Phụ huynh và học sinh nhận thức tích cực về việc vào các trường đào tạo nghề phù hợp với năng lực của học sinh, tiết kiệm thời gian đào tạo và phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.

Mặc dù có nhiều thuận lợi như trên nhưng công tác hướng nghiệp cho học sinh của nhà trường vẫn còn một số khó khăn. Nhà giáo Trần Thanh Hải thẳng thắn nhìn nhận: Hiện, còn một bộ phận phụ huynh và học sinh có tâm lý e ngại không biết sau khi học nghề học sinh có tìm được việc làm phù hợp không. Trường đào tạo nghề còn thiếu một số ngành, nghề phù hợp với xu hướng của xã hội và phù hợp với giới tính.

Xác định những thuận lợi và khó khăn trong công tác hướng nghiệp, Trường THCS Văn Lung đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục đó là: Tiếp tục xây dựng và triển khai các kế hoạch phân luồng, hướng nghiệp tới phụ huynh và học sinh. Tạo điều kiện để CBQL, giáo viên tham gia các đợt tập huấn của Sở, của Phòng GD về công tác phân luồng.

Cùng với đó là thường xuyên thông tin tới phụ huynh học sinh (PHHS) về kết quả học tập của các em để PHHS nắm bắt được năng lực của con, tư vấn cho phụ huynh và học sinh chọn hướng đi phù hợp. Làm tốt công tác phối hợp với các trung tâm, trường đào tạo nghề để có thông tin tuyên truyền, vận động PH và HS lựa chọn hướng đi phù hợp.

“Để tư vấn cho học sinh chọn đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực của bản thân học sinh và xu hướng thị trường lao động thì nhà trường cần kịp thời cập nhật thông tin về nhu cầu của thị trường lao động, tư vấn phù hợp với điều kiện sức khỏe, giới tính, nhu cầu của HS. Ngoài ra, giáo viên, tổ tư vấn phải có thông tin chi tiết về ngành nghề đào tạo, lợi ích của học sinh khi học ở các trường nghề để tư vấn chính xác. Đồng thời, các nhà trường nên tìm các tấm gương thực tế thành công từ việc xác định đúng hướng đi, thành công theo con đường học nghề”- Nhà giáo Trần Thanh Hải cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ