Hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp
Trường cao đẳng nghề Vĩnh phúc tiền thân là Trường đào tạo nghề Vĩnh phúc được thành lập năm 2000. Mỗi năm Nhà trường tuyển sinh từ 1.500-1.700 học sinh, sinh viên trình độ Trung cấp và Cao đẳng. Quy mô đào tạo hiện tại của Nhà trường là 4.000 học sinh, sinh viên.
Chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh hiện nay, nhà giáo Nguyễn Trung Thiện - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng nhiều ở khối ngành kỹ thuật như: Cắt gọt kim loại, Điện, Điện tử, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí… đây là những nghề mà các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng rất cao tuy nhiên cung không đủ cầu.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao của doanh nghiệp, các nhà trường đã chủ động thay đổi, hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp trong công tác tổ chức đào tạo. Về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Trung Thiện khẳng định: Có thể nói, hiện tại mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp đã thực chất hơn, doanh nghiệp đã thực sự cầu thị tìm đến nhà trường và nhà trường cũng chủ động bắt tay với Doanh nghiệp với chung một mục đích là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tiến tới đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Đó cũng là điều tất yếu của sự phát triển chung của cả nhà trường và doanh nghiệp.
Hiện tại, nhà trường chúng tôi có nhiều phương thức hợp tác với doanh nghiệp như: Mời doanh nghiệp tham gia hội đồng thẩm định chương trình và giáo trình đào tạo của Nhà trường, Hội đồng xét tốt nghiệp và đặc biệt Hội đồng trường có thành viên là cán bộ của doanh nghiệp. Do đó sinh viên của chúng tôi 100% được đi thực tập trải nghiệm, thực tập sản xuất tại các doanh nghiệp đáp ứng nhiệm vụ đào tạo gắn với thị trường lao động.
Sinh viên Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc thực tập tại Tập đoàn Compal |
“Nhà trường có mối quan hệ chặt chẽ với trên 50 doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh và khu vực như. Nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với Nhà trường trong công tác tuyển dụng như: Tập đoàn Sam Sung, Công ty Toyota Việt nam; Công ty Piagio Việt Nam, Công ty Cơ khí chính xác Việt nam 1(VPIC1), Tập đoàn Hồng Hải, Tập đoàn Viettel, Công ty Primer Vĩnh phúc; Công ty COSMOS…
Sự gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đang có sự mở rộng cả chiều rộng và chiều sâu, chặt chẽ và lâu dài. Cho tới nay hơn 95% sinh viên ra trường được nhà trường giới thiệu việc làm hoặc doanh nghiệp đến liên hệ tuyển dụng đều có công việc ổn định, thu nhập khá; số còn lại các em xin tự chủ động công việc.
Ngoài ra, nhà trường luôn luôn chú trọng chất lượng đào tạo nghề, dạy cho sinh viên những kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng báo cáo...”- Nhà giáo Nguyễn Trung Thiện cho biết thêm.
Đồng hành cùng sinh viên
Vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp không chỉ là mong muốn của các tân sinh viên mà còn là mối quan tâm hàng đầu của gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì vậy, việc tìm hiểu nghề nghiệp và việc làm phải được các bạn sinh viên quan tâm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nhiều năm đồng hành, hỗ trợ sinh viên, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và tư vấn việc làm, Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc chia sẻ: Hàng năm, nhà trường đều tiến hành khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm ra trường. Theo kết quả khảo sát năm 2020-2021 thì có trên 90% sinh viên có việc làm sau 12 tháng. Để có được tỉ lệ này, nhà trường luôn tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên. Trong chương trình đào tạo, nhà trường đưa giảng dạy các môn về “Kỹ năng mềm - Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp”, chú trọng đào tạo về ngoại ngữ và tin học theo chuẩn các ngành nghề…
Ngoài ra, các hoạt động hướng nghiệp, định hướng nghề được tổ chức thường xuyên như mô hình Ngày hội việc làm, ngày hội tuyển dụng, phỏng vấn thử… góp phần tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với các đơn vị sử dụng lao động ngay trong trường.
Sinh viên Trường CĐ nghề Vĩnh Phúc được học, thi với các thiết bị hiện đại |
Thông qua kết quả khảo sát, Trung tâm phần nào đã nắm được những mong muốn về nghề nghiệp của sinh viên từ đó tham mưu cho BGH và hội đồng xây dựng những chương trình cụ thể trang bị về kỹ năng hoặc tổ chức nhiều hơn những ngày hội nghề nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các đơn vị sử dụng lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên.
“Nhà trường thường xuyên tuyên truyền tới sinh viên “Nếu muốn không thất nghiệp, bạn cần phải thay đổi. Sinh viên cần chú tâm hơn nữa đến việc trang bị kỹ năng làm việc, hiện nay các đơn vị sử dụng lao động rất chú trọng đến kỹ năng làm việc của sinh viên. Khi tuyển dụng người ta đánh giá kỹ năng rất cao (chiếm từ 60%-75%). Vì vậy, sinh viên cần đánh giá lại giá trị của bản thân mình, đồng thời dành nhiều thời gian hơn nữa để tham gia các hoạt động hướng nghiệp, tìm hiểu về việc làm, tại các chương trình cần phải mạnh dạn trao đổi với các doanh nghiệp, chứ không chỉ tham gia cho có hình thức nghe xong rồi về. Có như vậy sinh viên mới biết nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động là gì rồi mới ứng tuyển theo nhu cầu của họ được” - ông Nguyễn Đức Thịnh cho biết thêm.
Theo nhận định của nhà giáo Nguyễn Trung Thiện - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc: Xu hướng thị trường lao động của Tỉnh Vĩnh phúc trong những năm tới sẽ thu hút nhiều lao động chất lượng cao (cả về kỹ năng nghề, kỹ năng mềm và ngoại ngữ), các lao động phổ thông sẽ dần bị thay thế bởi các Robot tự động (khi mà lợi thế về lao động giá rẻ sẽ không còn).
Trước xu hướng này, nhà trường đã tập trung vào đào tạo các ngành nghề chất lượng cao mà Nhà trường đã được Bộ lao động TB&XH phê duyệt và cũng là các ngành nghề thị trường đang cần. Đó là, Cấp độ Quốc tế (4 nghề): Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Cắt gọt kim loại; Công nghệ thông tin (ƯDPM). Cấp độ ASEAN (2 nghề): Công nghệ ô tô; Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí. Cấp độ Quốc gia (1 nghề): Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính.
Chương trình đào tạo các ngành nghề này được xây dựng trên cơ sở các bộ chương trình của CHLB Đức, Úc, Pháp… và tăng cường thêm ngoại ngữ, Kỹ năng mềm. Ngoài ra sinh viên đều được đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp với ít nhất 30% thời lượng đào tạo.