Liên quan giải pháp ngăn làn sóng rút bảo hiểm xã hội thời gian qua, Bộ không hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, song đề xuất hai phương án.
Phương án một là giữ nguyên quy định hiện hành. Theo đó, người lao động tham gia dưới 20 năm bảo hiểm xã hội và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng thì được rút một lần.
Phương án hai cho phép lao động rút một lần, song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này lao động đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, với phương án 1, người lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.
Cách này không thể hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, tác động đến lưới an sinh, tạo áp lực lên ngân sách chi trợ cấp hưu trí. Trong khi đó, phương án 2 giúp giảm được số tiền chi trả ban đầu cho Quỹ Bảo hiểm xã hội và có lợi cho người lao động khi về già, song họ chỉ nhận được một nửa tiền cho tổng thời gian đóng, vì vậy có thể sẽ phản ứng mạnh.
Lo ngại của Bộ LĐ-TB&XH về phương án 2 là có cơ sở. Còn nhớ, năm 2015, khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 60 quy định theo hướng người lao động không được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu.
Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu người đó tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Quy định này được coi là bước tiến khuyến khích lao động ở lại với lưới an sinh, nhưng khiến nhiều công nhân ngừng việc tập thể để phản đối. Chính phủ sau đó đã kiến nghị Quốc hội sửa Điều 60, cho phép người lao động chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện.
Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hay chờ nghỉ hưu là quyết định của mỗi người. Lựa chọn nào cũng có lý lẽ riêng. Nhất là với người trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, bệnh tật, con cái cần tiền học hành… mà không thể xoay xở ở bất cứ nguồn nào khác thì rút bảo hiểm xã hội một lần là lựa chọn tất yếu và dễ hiểu. Dù sao họ cũng phải sống qua ngày hôm nay đã, chuyện tương lai sau hãy hay!
Với cơ quan quản lý Nhà nước, mục đích đưa ra phương án 2 cũng là để người lao động có một cuộc sống tuổi già yên tâm và bảo đảm. Vậy nhưng muốn giữ người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội đòi hỏi phải có sự kết hợp hài hòa các chính sách chứ không phải chỉ là cho rút bảo hiểm 1 lần toàn bộ hay 50%.
Ví dụ, cùng với việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí (Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất giảm từ 20 năm xuống 15 năm) thì phải có chính sách tăng quyền lợi cho những lao động chọn không rút bảo hiểm một lần.
Cùng với đó, phải tạo cho người lao động có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Chính sách bảo hiểm xã hội có hấp dẫn hay không tùy thuộc vào lợi ích mang lại và cơ quan chuyên môn khi thiết kế chính sách cần cho lao động thấy rõ điều này.