Lùi lại để hiệu quả hơn

GD&TĐ - Trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường.

Một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua là việc cải cách tiền lương sẽ được lùi lại đến thời điểm thích hợp.

Lý do được nêu trong Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì dù cải cách tiền lương là chủ trương lớn, mang tính đột phá, đã được quy định trong Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị nhưng do dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế - xã hội; thu ngân sách Nhà nước khó khăn nhưng chi tăng cao, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Vì vậy, trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn lực, sớm trình Quốc hội quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp; nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội chỉ cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho chi phòng, chống dịch Covid-19 sau khi đã cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.

Cải cách tiền lương là vấn đề được cụ thể hóa tại Nghị quyết 27. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, nguồn lực đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội, chăm lo cho người dân đang cần kíp hơn - nên chắc chắn cán bộ, công chức sẵn sàng đồng thuận với quyết định lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương. Như phân tích của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thì lúc này nếu tăng lương cho công chức, viên chức sẽ không có ý nghĩa về chính trị.

Dù vậy, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thì việc này không thể kéo dài mãi. Nếu đợt này chưa nâng lương được cho toàn bộ cán bộ công chức thì phải có chính sách hỗ trợ, tăng lương cho người về hưu trước năm 1995. Đây là những người đang hưởng lương quá thấp, đời sống khó khăn.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực tốt hơn để tính toán năm sau sẽ báo cáo Trung ương, Quốc hội về việc cải cách tiền lương cho cán bộ công chức. Và để cải cách tiền lương thì phải có nguồn thu chứ không thể đi vay để tăng lương - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cải cách tiền lương có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức nhưng đây là bài toán không đơn giản, cần đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là trong bối cảnh hiện nay, có nhiều khoản chi cấp bách cần ưu tiên hơn. Cho nên việc cải cách tiền lương chậm lại là điều buộc phải làm, là bước đi linh hoạt, đồng bộ, chắc chắn để đạt hiệu quả, giá trị cải cách cao hơn.

Như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì đây là chia sẻ của những người hưởng lương với khó khăn chung để dành tiền cho phòng chống dịch, cho phát triển, cho an sinh xã hội. Đó là trách nhiệm nhân văn của đội ngũ hưởng lương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ