Tập trung cải cách tiền lương sau “4 lần lỡ hẹn”

GD&TĐ - Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần xây dựng một sàn an sinh xã hội để làm căn cứ chính sách bảo vệ cho người dân không rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Trả lương theo vị trí việc làm là bài toán lớn với các nhà quản lý. Ảnh minh họa
Trả lương theo vị trí việc làm là bài toán lớn với các nhà quản lý. Ảnh minh họa

Đồng thời, tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương.

Cần có một thước đo cơ bản

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Chính phủ đã tập trung quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Điều này được thể hiện qua mức đầu tư cho an sinh xã hội chiếm đến 21% chi trong GDP là cao nhất trong các nước ASEAN.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giàu nghèo chưa được thu hẹp, mà lại có xu hướng giãn ra. Phân hóa giàu nghèo tăng lên thể hiện qua mức chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất của dân số và 20% nghèo nhất vào năm 2014 là 9,7 lần. Đến năm 2018 đã lên đến 10 lần.

Ông Bùi Sỹ Lợi nêu: “Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội, tôi xin kiến nghị Chính phủ, Quốc hội nên nghiên cứu xây dựng một sàn an sinh xã hội để làm căn cứ xây dựng chính sách bảo vệ cho người dân không rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Theo quan điểm của Đảng ta, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết thêm, đất nước chúng ta có 3 mức chuẩn tối thiểu. Ở khu vực Nhà nước thì tiền lương tối thiểu là 1.490.000 đồng. Trong khu vực quan hệ lao động, tức là sản xuất kinh doanh thì tiền lương tối thiểu quy định theo 4 vùng từ 3.070.000 đồng đến 4.420.000 đồng cho khu vực thấp nhất và khu vực cao nhất.

Đối với nông dân và khu vực nông thôn, có chuẩn nghèo đa chiều là 700 nghìn đồng, đô thị là 900 nghìn đồng. Như vậy, cũng không biết rằng ai sẽ đứng dưới sàn an sinh xã hội và ai sẽ bị bỏ lại phía sau.

Do đó, để có cơ sở xác định người đang bị ở lại phía sau rất cần có một thước đo cơ bản xác định một mặt bằng ngang để chúng ta thấy rằng ai đang cần Nhà nước bảo hộ. Do đó chỉ có thể là một sàn an sinh xã hội chung cho tất cả các khu vực trên đất nước.

Quốc hội đã ra một nghị quyết bất thường cho tạm dừng Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 ngay sau khi ban hành và luật chưa có hiệu lực thi hành. Đây là một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử pháp luật của đất nước.

Do Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, nhằm hạn chế người lao động rút quỹ bảo hiểm hưu trí khi đang có khả năng tham gia vào bảo hiểm xã hội. Nhưng người lao động không hiểu rõ, đã phản ứng, dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp đình công. Điều này buộc Quốc hội phải ngồi xem xét, ra Nghị quyết số 93 năm 2015 của Quốc hội khóa XIII, về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội 1 lần.

Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội là rất nhân văn, nhằm bảo vệ cho người lao động tham gia bảo hiểm đến khi về già được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế và được hưởng trợ cấp tử tuất, nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Nhưng do người lao động chưa hiểu rõ, đã yêu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Sau khi Nghị quyết số 93 của Quốc hội có hiệu lực, năm 2016 đã có hơn 600.000 người có quyết định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, sau đó tiếp tục cứ tăng lên.

Năm 2018, có 880.000 người ra khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Trong khi năm 2020 chỉ có khoảng hơn 1 triệu người tham gia vào hệ thống. Có nghĩa là số người vào hệ thống bảo hiểm xã hội và số người ra khỏi hệ thống là gần như bằng nhau.

Điều này rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước. Rõ ràng nó dẫn đến một hệ lụy là sẽ không thực hiện được bảo hiểm xã hội toàn dân, theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Trung ương khóa XII. 

Ông Bùi Sỹ Lợi – Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Ông Bùi Sỹ Lợi – Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. 

Cải cách chính sách tiền lương

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia. Cùng với đó, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được phân công làm Chủ tịch Hội đồng.

Hội đồng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động theo quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 53 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP. Trong đó, Hội đồng tiền lương quốc gia có nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin, phân tích và đánh giá tình hình tiền lương, mức sống tối thiểu của người lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quan hệ cung cầu lao động, việc làm, thất nghiệp trong nền kinh tế và các yếu tố liên quan khác làm cơ sở xác định mức lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của người lao động gắn với các yếu tố xác định mức lương tối thiểu. Rà soát mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động. Phân vùng địa bàn áp dụng lương tối thiểu làm cơ sở xác định phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu theo từng thời kỳ.

Hằng năm, Hội đồng cũng sẽ tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng, bao gồm mức lương tối thiểu theo tháng và mức lương tối thiểu theo giờ. Đồng thời, tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về một số chính sách tiền lương áp dụng chung đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã theo quy định của Bộ luật Lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Nghị quyết Trung ương số 27 đã khẳng định là chúng ta phải cải cách chính sách tiền lương, tuy nhiên vẫn chưa làm được. Vì chưa có ngân sách và cũng chưa cải tiến được bảo hiểm xã hội, những người về hưu trước năm 1993 có mức lương rất thấp.

Nếu cải cách được chính sách tiền lương thì xử lý được vấn đề cho những người đang làm việc và cả những người nghỉ hưu. Đây là một tinh thần rất đổi mới của Nghị quyết số 27 của Trung ương. Nhưng rất tiếc chúng ta đã “4 lần lỡ hẹn” với công nhân, viên chức và người lao động, chưa cải cách được chính sách tiền lương.

“Tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa XV tập trung nguồn lực để cải cách chính sách tiền lương. Đảm bảo tiền lương là điều kiện để thúc đẩy tăng năng suất lao động, thể hiện được giá trị của sức lao động bằng giá cả trên thị trường lao động” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.