Luật Nhà giáo là động lực để thầy cô cống hiến với nghề

GD&TĐ - Luật Nhà giáo được ban hành sẽ góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo, là động lực, sự hỗ trợ để thầy cô yên tâm gắn bó và cống hiến với nghề.

Luật Nhà giáo góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo. Ảnh: TG.
Luật Nhà giáo góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo. Ảnh: TG.

Để giáo viên yên tâm cống hiến với nghề

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, ý kiến trao đổi của các Bộ trưởng thành viên Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, về các chính sách dự kiến đưa vào nội dung của Luật.

Có thể nói, việc Chính phủ đồng ý thông qua đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo là niềm vui lớn không chỉ của riêng nhà giáo, mà là của toàn Ngành. Bởi nếu Luật Nhà giáo được thông qua, thì lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ngành Giáo dục, có một Luật riêng điều chỉnh về nhà giáo; góp phần khẳng định vị thế của nhà giáo, đồng thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo được quy định toàn diện, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp nhà giáo.

Việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tiếp tục luật hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục".

Là một giáo viên trẻ đang công tác tại Trường THCS Thượng Cát (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cô giáo Nguyễn Ngọc Linh không giấu nổi niềm vui mừng khi nhắc đến việc xây dựng Luật Nhà giáo.

Cô Linh chia sẻ: Khi còn học tại trường sư phạm, tôi đã chứng kiến nhiều bạn dù đam mê nghề giáo nhưng vì thấy đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn đã không thể dũng cảm theo đuổi nghề. Do đó, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp luôn mong muốn có Luật Nhà giáo để có hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi, đảm bảo chính sách cho giáo viên yên tâm công tác và cống hiến với nghề.

Tìm hiểu về Luật Nhà giáo, cô Linh ấn tượng với đề xuất về chính sách tiền lương cho giáo viên. Cụ thể, lương cho giáo viên trong hệ thống công lập được đề xuất ở hệ số cao nhất trong bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức.

Thời gian qua, nhiều giáo viên vì lương không đủ sống nên phải tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Có những giáo viên sáng lên bục giảng, tối về tranh thủ bán hàng online. Hay như ở các vùng nông thôn, sáng đi dạy, chiều giáo viên lại theo gia đình đi gặt, đi cấy để kiếm thêm thu nhập.

Nếu đề xuất chính sách tiền lương được thông qua, nó có thể phần nào sẻ chia gánh nặng tài chính đối với giáo viên. Từ đó, thầy cô có thể yên tâm, chuyên chú hơn cho công tác chuyên môn, dành thêm thời gian trau dồi nghiệp vụ và kỹ năng của bản thân.

Cô giáo Đỗ Thuỳ Quyên hướng dẫn học trò tìm hiểu văn hóa dân tộc. Ảnh: NVCC.

Cô giáo Đỗ Thuỳ Quyên hướng dẫn học trò tìm hiểu văn hóa dân tộc. Ảnh: NVCC.

Đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất cho nhà giáo

Công tác tại ngôi trường vùng cao Trường Mầm non xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái), cô giáo Đỗ Thuỳ Quyên thấu hiểu và trực tiếp trải nghiệm những vất vả, khó khăn của giáo viên đang công tác ở vùng miền núi. Vì vậy, Luật Nhà giáo tạo ra hành lang pháp lý với những chính sách đặc thù để bảo vệ, đảm bảo và hỗ trợ cho các thầy cô công tác trong ngành Giáo dục, nhất là ở những vùng khó khăn.

Luật Nhà giáo sẽ là tiền đề đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất cho các nhà giáo; đồng thời cũng là căn cứ để tuyển sinh và tuyển dụng giáo viên. Điều đó góp phần thu hút người trẻ đăng ký và gắn bó với nghề giáo, sâu xa hơn nữa là gắn bó với các vùng cao, vùng miền núi khó khăn để đưa giáo dục công bằng đến mọi miền Tổ quốc.

Như vậy, Luật Nhà giáo nên có những chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp cho đối tượng là sinh viên ngành Sư phạm cho đến giáo viên mới ra trường, giáo viên công tác lâu năm, giáo viên có thâm niên nghề nghiệp...

Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Học viện Quản lý Giáo dục, cho rằng Luật Nhà giáo sẽ là nền tảng để xây dựng môi trường văn hóa, giáo dục. Đây là yếu tố quan trọng đặc biệt cần có trong bối cảnh hội nhập, đa văn hóa. Luật Nhà giáo sẽ được xem như cơ sở, nền tảng để những người làm công tác giáo dục thực hiện nghiêm túc, góp phần phát triển văn hóa nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.