Xây dựng Luật Nhà giáo pháp điển hoá hệ thống văn bản liên quan đến giáo viên

GD&TĐ -  Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm khắc phục những bất cập và pháp điển hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ thầy, cô giáo.

Thầy Hoàng Châu Thiện – giáo viên Trường THPT Chuyên Tuyên Quang hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.
Thầy Hoàng Châu Thiện – giáo viên Trường THPT Chuyên Tuyên Quang hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Khắc phục tình trạng chồng chéo văn bản

Luật điều chỉnh về nhà giáo được ban hành sẽ giúp pháp điển hoá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đang điều chỉnh các chế độ chính sách đối với nhà giáo, khắc phục sự tản mạn, chồng chéo của các văn bản hiện hành, tạo ra sự minh bạch, rõ ràng và dễ dàng tiếp cận được các quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo.

Tán thành với việc cần có Luật Nhà giáo, thầy Hoàng Châu Thiện – giáo viên Trường THPT Chuyên Tuyên Quang nhìn nhận, số lượng giáo viên chiếm tỉ lệ lớn công chức, viên chức cả nước.

Thứ nữa, dạy học công việc nghề đặc thù nên rất cần luật hóa chi tiết các vấn đề có liên quan đến nhà giáo, để giáo viên yên tâm công tác, yên tâm cống hiến.

Ngoài ra, theo thầy Thiện, áp lực của nhà giáo hiện nay là không nhỏ, thu nhập chưa cao. Tuy nhiên, không vì thế mà nghề giáo mất đi vai trò, ý nghĩa cao quý, thiêng liêng trong giai đoạn hiện nay. Vị trí giáo viên phải được tôn trọng, đảm bảo sự đãi ngộ hợp lý và được bồi dưỡng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thảo (MC Thảo Vân) – Phó Chủ tịch Công đoàn Phụ trách Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nếu có Luật Nhà giáo sẽ giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, bất cập đối với nhà giáo.

Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề cần phải được giải quyết bằng luật, ví dụ như chế độ đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; hay như vấn đề thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo. Ngoài ra, còn khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa các văn bản liên quan đến nhà giáo.

“Đứng ở góc độ công đoàn, tôi tán thành với việc xây dựng Luật Nhà giáo. Tất cả vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho nhà giáo. Mà muốn hợp pháp thì càng cần phải luật hóa” – bà Thảo nêu quan điểm.

Kiến tạo môi trường thuận lợi cho nhà giáo

Theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, trong giai đoạn 2010-2021, cơ quan có thẩm quyền các cấp đã ban hành gần 200 văn bản quy định trực tiếp hoặc liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

Theo Đề cương chi tiết xây dựng Luật Nhà giáo, luật này được thiết kế 8 chương, 54 điều. Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, tới đây sẽ có nhiều việc phải làm nhằm đảm bảo tiến độ thông qua Chính phủ vào tháng 3/2024 và dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) để có thể thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) Quốc hội khóa XV.

Luật Nhà giáo là bộ luật khó, có tác động lớn trong xã hội. Vì vậy, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục mong muốn, trong quá trình xây dựng Luật Nhà giáo sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các cơ quan, đơn vị trong Bộ GD&ĐT.

Trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; Bộ GD&ĐT đã xác định những nội dung cơ bản cần được thể hiện trong Luật. Trong đó, nhấn mạnh đến thể chế hóa quan điểm của Đảng coi “phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và vai trò, vị trí quan trọng của nhà giáo “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”.

Từ đó có các cơ chế, chính sách phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề; thu hút được người giỏi trở thành nhà giáo; tạo vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội; đồng thời là cơ hội để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ngoài ra, xây dựng Luật Nhà giáo nhằm khắc phục những bất cập, tản mạn, chồng chéo của các quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo; thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo;

Đồng thời kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển sáng tạo của nhà giáo trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội.

Luật Nhà giáo sẽ quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán trong một khóa tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức.

Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán trong một khóa tập huấn do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tổ chức.

Theo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo, 5 chính sách được đề cập khi xây dựng dự án luật này gồm:

- Khái niệm nhà giáo, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ nhà giáo

- Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo

- Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo

- Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo

- Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ