Cần cụ thể hơn một số nhóm chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Việc ban hành Luật nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề bất cập từ thực tiễn, nhất là chính sách về tiền lương, chế độ đãi ngộ, khen thưởng...

Ngành Giáo dục huyện An Lão với hoạt động STEM.
Ngành Giáo dục huyện An Lão với hoạt động STEM.

Nhất trí cao với năm nhóm chính sách

Cô Bùi Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Quốc Tuấn, huyện An Lão, TP Hải Phòng cho rằng, việc xây dựng Luật nhà giáo là thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và bảo đảm định hướng đúng đắn đối với công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Ban hành Luật nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra, nhất là các chính sách về tiền lương, các chế độ đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng… đối với nhà giáo. Các quy định riêng này sẽ tương xứng với vị trí việc làm, lao động đặc thù của nhà giáo, qua đó nhằm nâng cao vị thế, vai trò, tạo cơ hội để nhà giáo chúng tôi yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục và cho đất nước.

Qua thăm dò, khảo sát ý kiến của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường phần lớn các ý kiến tham gia đều nhất trí cao với năm nhóm chính sách chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo mà Bộ GD&ĐT đưa ra, đồng thời mong muốn dự thảo Luật nhanh chóng được Quốc hội thông qua nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Việc xây dựng Luật nhà giáo để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo

Việc xây dựng Luật nhà giáo để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo

Việc xây dựng Luật nhà giáo để xác định quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo; tăng cường quyền tự chủ trong giảng dạy và giáo dục của nhà giáo, quyền được áp dụng các biện pháp trừng phạt trong giáo dục và bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung sáng tạo, đổi mới trong giáo dục.

Về chính sách đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, cần xác định rõ các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo làm động lực để thu hút người giỏi đào tạo trở thành giáo viên; tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề; tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc; thực hiện các yêu cầu để giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.

Cần có cơ chế chính sách cụ thể đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhà giáo.

Cần có cơ chế chính sách cụ thể đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhà giáo.

Hiện nay, biên chế sự nghiệp ngành giáo dục đang chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp cả nước, điều đó cho thấy đây là một lực lượng đông đảo, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Các các quy định, chính sách được quy định trong Luật giáo dục, Luật viên chức … còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò của nhà giáo, chưa tạo động lực để nhà giáo yên tâm công tác gắn bó với nghề, trong khi nhà giáo được xác định là nghề nghiệp đặc biệt, là “nhân lực của nhân lực”, rất cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, cô Nguyệt chia sẻ.

Cần cụ thể hơn một số nhóm chính sách

Khi nghiên cứu dự thảo Luật Nhà giáo, cô Nguyễn Thị Lê Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiến Thắng, huyện An Lão, TP Hải Phòng nhận thấy một số nhóm chính sách nên có quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

Cụ thể, chính sách 1 " Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo", cần có các quy định rõ ràng về vị trí, vai trò của nhà giáo. Đồng thời, bổ sung quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của nhà giáo và quy định về chuẩn nghề nghiệp, chuẩn chức danh nhà giáo.

Chính sách 2 "Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo", cô Hà nhận định, nhà giáo được quy định là người làm công tác đặc thù nên không nằm trong chế độ giảm 10% biên chế viên chức. Cần có tiêu chuẩn tuyển dụng nhà giáo; xác định quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc đối với nhà giáo; xác định điều kiện, quy trình thuyên chuyển công tác; xác định điều kiện, quy trình đánh giá, xếp loại, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo.

Quá trình triển khai các hoạt động giáo dục từ thực tế, cô Hà đề nghị, cần kịp thời trong tuyển dụng giáo viên đáp ứng đổi mới trong chương trình GDPT 2018. Tuyển giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ, giáo viên văn hóa đảm bảo tỉ lệ giáo viên dạy học 2 buổi/ngày để đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.

Bộ cần bổ sung quy định về chuẩn trình độ, tiêu chuẩn để trở thành nhà giáo; việc áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với người chưa qua đào tạo sư phạm muốn trở thành nhà giáo; bổ sung quy định về quy trình tuyển dụng nhà giáo; bổ sung quy định về bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp, thực hiện chế độ làm việc đối với nhà giáo; bổ sung quy định về đánh giá, xếp loại nhà giáo.

Đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi.

Đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi.

Với chính sách 4 "Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo" là rất cần thiết. Cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề.

Ngành cần tăng cường chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo, thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ đối với những người có thành tích xuất sắc.

Các vấn đề cơ bản về chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ hưu trí, khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội của nhà giáo, chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhà công vụ đối với nhà giáo cũng cần được quan tâm điều chỉnh kịp thời.

Cô Hà mong muốn, cần cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, khen thưởng đối với nhà giáo. Đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ