Cần thay đổi căn bản cách tiếp cận xây dựng Luật Nhà giáo

GD&TĐ - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, phải thay đổi căn bản cách tiếp cận khi xây dựng các quy định trong Luật Nhà giáo.

Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) trong giờ học. Ảnh: NTCC

Theo nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, đó là chuyển từ lấy nhà giáo làm đối tượng quản lý trong Luật Viên chức sang làm trung tâm, là nguồn lực quan trọng cần được bồi dưỡng và phát triển.

Định danh nhà giáo thế nào?

- Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó có định danh nhà giáo. Theo ông, có thể định danh nhà giáo thế nào để từ đó làm cơ sở xác định phạm vi điều chỉnh và đề xuất các chính sách về nhà giáo?

Các quy định phải giúp nhà giáo, cả công lập và tư thục, thấy được chính mình, nghề nghiệp, sứ mệnh, con đường thăng tiến của mình. Đi vào cụ thể thì chúng phải làm rõ được tính chuyên nghiệp của nghề dạy học, quyền tự chủ trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, cùng các chính sách về chế độ làm việc và môi trường làm việc để nhà giáo toàn tâm, toàn ý với nghề, thăng tiến với nghề.

- Theo tôi, định danh nhà giáo cần phải trả lời câu hỏi cơ bản sau: Nhà giáo là ai? Vì khái niệm nhà giáo quá quen thuộc nên câu hỏi này không dễ trả lời về mặt pháp lý. Cụ thể như sau: Trong Luật Giáo dục 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2005, đều định nghĩa: “Nhà giáo là người làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác”. Từ đó nảy sinh hai thắc mắc: Thứ nhất, nhà giáo được điều động lên làm ở Bộ/Sở/Phòng GD&ĐT không còn là nhà giáo? Thứ hai, nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân không phải là nhà giáo?

Do đó, để tránh rơi vào tranh luận với hai thắc mắc này, Luật Giáo dục 2019 không đưa ra định nghĩa về nhà giáo mà chỉ đưa ra quy định: “Nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục”.

Tuy nhiên, Luật Nhà giáo nhất thiết phải đưa ra câu trả lời rõ ràng. Theo tôi, không nên đánh đồng khái niệm nhà giáo nói chung với nhà giáo được đưa vào trong văn bản luật. Ở góc độ xã hội, nhà giáo được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm mọi người đã và đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, dù đã về hưu hay không còn công tác trong nhà trường. Nhưng ở góc độ pháp lý thì ở bất kỳ nước nào khái niệm nhà giáo cũng phải được hiểu là những người đang trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

Vấn đề ở đây chỉ còn là hiểu thế nào về cơ sở giáo dục. Trước đây chúng ta hiểu đó chỉ là các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng nay, theo Luật Giáo dục 2019, thì các trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân cũng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

Vì vậy, trong Luật Nhà giáo, việc định danh nhà giáo sẽ quy về định nghĩa sau đây: Nhà giáo là người trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật (bao gồm cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang nhân dân). Hiểu như vậy thì Luật Nhà giáo có phạm vi điều chỉnh rộng hơn nhiều so với các quy định trước đây về nhà giáo.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.

Lấy nhà giáo làm trung tâm

- Theo ông, nên tiếp cận như thế nào từ quy định của Luật để đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý nhà giáo phù hợp với đặc thù hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo?

- Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo công lập thời gian qua có nhiều bất cập. Tôi không đi sâu vào vấn đề này mà chỉ muốn nhấn mạnh nguyên nhân chính là ở chỗ chúng ta chỉ nhìn nhà giáo công lập như một viên chức, một đối tượng quản lý theo Luật Viên chức. Dù rằng, trong các luật về giáo dục luôn có quy định khẳng định vị trí và vai trò nhà giáo, giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học, nhưng trên thực tế việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo đã bỏ qua lao động đặc thù và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Vì vậy, phải thay đổi căn bản cách tiếp cận khi xây dựng các quy định về Luật Nhà giáo. Đó là chuyển từ cách tiếp cận lấy nhà giáo làm đối tượng quản lý trong Luật Viên chức sang cách tiếp cận lấy nhà giáo là trung tâm, là một nguồn lực quan trọng cần được bồi dưỡng và phát triển trong Luật Nhà giáo.

Cô trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm gặp mặt đầu năm học. Ảnh: thanhniên.vn

Cô trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm gặp mặt đầu năm học. Ảnh: thanhniên.vn

- Luật Nhà giáo nên kiến tạo một số chính sách mới như thế nào để thu hút, phát triển đổi ngũ Nhà giáo, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của giáo viên, trong bối cảnh hiện nay?

- Cách nhìn của tôi về Luật Nhà giáo là văn bản luật bổ sung cho Luật Viên chức. Trước tiên là bổ sung về cách tiếp cận: Nếu Luật Viên chức được thực hiện chủ yếu theo tiếp cận từ trên xuống, lấy nhà quản lý làm trung tâm thì Luật Nhà giáo được thực hiện chủ yếu theo tiếp cận từ dưới lên, lấy nhà giáo làm trung tâm, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục cần được phát triển để bảo đảm thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục.

Vì thế, bổ sung thứ hai là bổ sung về chính sách. Các chính sách này phải có tác động thực sự tới vị thế cùng các đặc trưng lao động nghề nghiệp, năng lực, động lực của nhà giáo trong mối quan hệ với việc thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục.

Trước hết là chính sách về vị thế nhà giáo. Chính sách này không thể chỉ dừng ở một tuyên bố mang tính khẩu hiệu mà cần được cụ thể hóa thành hệ thống những quy định liên quan đến tiêu chuẩn nhà giáo; đào tạo và bồi dưỡng; tuyển dụng và phân công; chế độ làm việc và môi trường làm việc; phát triển nghề nghiệp; tiền lương; hưu; đánh giá; các hội nhà giáo; sự tham gia của nhà giáo vào quá trình hoạch định chính sách.

Theo dự kiến, hiện nay sẽ có 5 nhóm chính sách được thể chế hóa trong Luật Nhà giáo. Các chính sách này về cơ bản sẽ thực sự góp phần đưa quy định “giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học” vào cuộc sống. Điều tôi muốn lưu ý thêm là một số chính sách sau đây:

Thứ nhất, chính sách về tiền lương: Cần thế chế hóa chủ trương sau đây đã được quy định trong Nghị quyết 29: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Thứ hai, chính sách về môi trường làm việc: Cần bảo đảm để nhà giáo được làm việc trong một môi trường mang tính chuyên nghiệp, nghĩa là môi trường trong đó các nhu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo được đảm bảo, bao gồm: Đáp ứng các yêu cầu cần thiết về cơ sở vật chất và công nghệ cho những đổi mới trong dạy, học, đánh giá; kỷ cương trường, lớp; an toàn nghề nghiệp; năng động, đổi mới, sáng tao; phát huy quyền tự chủ của thày và trò.

Thứ ba, chính sách thăng tiến nghề nghiệp: Cần có quy định về một cơ chế thăng tiến đa dạng, công khai, minh bạch, xứng đáng và linh hoạt để thu hút người giỏi đến với nghề dạy học, tạo động lực để nhà giáo tận tụy với nghề và nâng cao chất lượng dạy học.

Cô Nguyễn Ngọc Thúy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và học trò trong giờ học. Ảnh: NTCC

Cô Nguyễn Ngọc Thúy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và học trò trong giờ học. Ảnh: NTCC

Làm rõ vai trò quản lý Nhà nước

- Đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, giáo viên là người nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam nên được quan tâm, đưa vào Luật như thế nào?

- Vấn đề chính ở đây là bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội phát triển nghề nghiệp và vị thế xã hội giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập. Về vấn đề này, trong Nghị quyết 29 đã có chủ trương như sau: “Bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường ngoài công lập về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ”. Chủ trương này về cơ bản đã được Nghị quyết 35 ngày 4/6/2019 của Chính phủ về “Tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025” quy định cụ thể như sau: “Xây dựng, ban hành chính sách về quyền lợi của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập”.

Như vậy, Luật Nhà giáo cần tạo khung pháp lý để nhà giáo trường công hay trường tư đều cùng được hưởng các chính sách Nhà nước như nhau trong đối xử, tập huấn, bồi dưỡng, danh hiệu và khen thưởng. Cũng có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế theo hướng có quy định về việc thành lập Hội nhà giáo với tư cách là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có chức năng bảo đảm các chuẩn nghề nghiệp, trách nhiệm và quyền lợi nhà giáo, không phân biệt công lập hay tư thục.

- Quy định quản lý Nhà nước về nhà giáo theo ông cần thay đổi thế nào để khắc phục các bất cập hiện nay; làm cơ sở thực hiện phân cấp, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong quản lý nhà giáo?

- Về nội dung quản lý Nhà nước, dĩ nhiên theo quy định về đổi mới quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đã được nêu trong Nghị quyết 29, Nhà nước tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về nhà giáo; đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Vì thế, vấn đề cốt yếu ở đây là làm rõ vai trò của các cơ quan trong quản lý Nhà nước về nhà giáo. Để đảm bảo thống nhất với các quy định tương ứng trong Luật Giáo dục 2019 thì các quy định về cơ quan làm rõ vai trò của các cơ quan trong quản lý Nhà nước về nhà giáo nên như sau:

1) Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nhà giáo. 2) Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về nhà giáo mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục thường xuyên. 3) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. 4) Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quản lý Nhà nước về nhà giáo. 5) Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về nhà giáo theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Đi đôi với những quy định về quản lý Nhà nước, cần có những quy định về phát huy quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình, quy chế dân chủ trong nhà trường để việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo được thực hiện nhất quán với tính chuyên nghiệp của nghề dạy học, lao động đặc thù của nhà giáo, chế độ làm việc phù hợp và môi trường làm việc năng động, hướng tới đổi mới, sáng tạo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2023. Nghị quyết số 95/NQ-CP nêu rõ, Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành luật và 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.