Cải thiện chính sách đãi ngộ nhà giáo
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã thống nhất với tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo. Thầy Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) đã bày tỏ niềm vui trước thông tin này.
Theo thầy Hoàng, trong một đơn vị thì tiền lương phải được xếp theo vị trí việc làm, trách nhiệm của người đứng đầu gắn với tiền lương cao nhất. Hiện tại, tiền lương của một số hiệu trưởng còn thua kém cả giáo viên, mức lương còn mang tính chất cào bằng, chưa thể hiện đúng năng lực, vị trí của viên chức.
Nếu có Luật Nhà giáo cụ thể hóa các chế độ, chính sách, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà giáo sẽ góp phần khắc phục tình trạng giáo viên chuyển công tác khác, giúp các thầy cô giáo yên tâm công tác, tận tâm, tận tụy với sự nghiệp “trồng người”.
Thầy Nguyễn Văn Hoàng (thứ 2 từ phải qua) tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh THCS huyện Kim Bôi năm 2022. |
"Luật Nhà giáo cần quy định cụ thể về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ và thu hút được nguồn lực chất lượng cao, sinh viên sư phạm giỏi, trách nhiệm cao, nhiệt huyết với nghề dạy học. Việc xây dựng Luật Nhà giáo có tầm quan trọng lớn đối với hệ thống giáo dục và xã hội", thầy Hoàng khẳng định.
Khi được thông qua và áp dụng, Luật Nhà giáo sẽ xác định các quyền và trách nhiệm của giáo viên. Điều khoản này giúp bảo vệ quyền lợi của họ trong quá trình làm việc, bao gồm các vấn đề như tiền lương, điều kiện làm việc, thăng tiến nghề nghiệp và quyền tham gia vào việc quyết định trong hệ thống giáo dục. Lúc đó, giáo viên được đối xử công bằng, không bị kỷ luật vô lý và có môi trường làm việc an toàn và phát triển chuyên môn.
Ngoài ra, Luật Nhà giáo có thể quy định các tiêu chuẩn và yêu cầu về chất lượng giáo dục. Đồng thời góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực cho giáo viên. Điều này giúp duy trì động lực và cam kết của họ với nghề nghiệp, từ đó có thể cải thiện hiệu quả giảng dạy và học tập tốt.
Khi có Luật Nhà giáo, các thầy cô sẽ càng vững tâm gắn bó với nghề. |
Luật Nhà giáo cũng có thể thiết lập các nguyên tắc về đạo đức và hành vi chuyên nghiệp của giáo viên. Điều này giúp duy trì danh dự và uy tín của ngành Giáo dục và đảm bảo rằng, giáo viên đang thực hiện công việc của họ một cách đúng đắn, có trách nhiệm.
"Luật Nhà giáo sẽ hỗ trợ việc đào tạo, học tập liên tục và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên. Điều này giúp cải thiện năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Luật Nhà giáo còn tạo cơ hội cho sự tham gia của cộng đồng và phụ huynh trong quá trình quản lý và quyết định các chính sách liên quan đến giáo dục. Từ đó hình thành sự liên kết mạnh mẽ giữa trường học, gia đình và xã hội" - thầy Nguyễn Văn Hoàng nhận định.
Cô trò Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) trong một giờ học trên lớp. |
Mong mỏi có bộ luật riêng cho ngành
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT tính đến cuối năm 2022, biên chế sự nghiệp của ngành Giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Như vậy, đội ngũ nhà giáo là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Bởi vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo là rất cần thiết nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp và có những đóng góp tốt hơn cho Ngành, cho đất nước.
Là một giáo viên đã trên 30 năm đứng lớp và chứng kiến bao đổi thay trong ngành Giáo dục, cô Phạm Thị Hường đến từ Trường THCS Phú Diễn (Hà Nội) cảm thấy rất vui mừng về việc Bộ GD&ĐT đang xây dựng Luật Nhà giáo để sớm trình Quốc hội thông qua.
Cô Phạm Thị Hường (bìa phải) - giáo viên Trường THCS Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. |
Để mỗi giáo viên yên tâm với nghề, toàn tâm toàn ý với công việc thì chế độ tiền lương cần được đảm bảo để nâng cao đời sống cho thầy cô. Có như vậy, người giáo viên mới không phải bươn chải, làm thêm nhiều nghề bên ngoài để có thêm thu nhập.
Cô Hường kiến nghị, cần có chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng kịp thời đối với những nhà giáo tài năng, tâm huyết trong việc giảng dạy và công tác, chủ nhiệm lớp giỏi, có sáng kiến kinh nghiệm hay, giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp Thành phố…
"Luật Nhà giáo cũng cần đưa ra các quy định rõ ràng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm cho giáo viên. Nếu học sinh, phụ huynh có những hành vi thái độ bôi nhọ, xúc phạm đến người thầy sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm minh để làm gương cho người khác", cô Hường đề xuất.
"Hiện nay, ngành Giáo dục đang phải chịu rất nhiều áp lực từ xã hội. Mỗi thầy cô phải có bản lĩnh và lòng yêu nghề mới vượt qua được những áp lực và thách thức của nghề giáo. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý để những người làm trong ngành Giáo dục phải nghiêm túc chấp hành để góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp trong sự 'trồng người' của ngành" - cô Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội nói.