Ý tưởng lớn gặp nhau
Nhà thơ Lữ Mai được nhiều bạn đọc, bạn viết nhớ tới với những tập thơ, tập truyện ngắn, tản văn như “Giấc”, “Mở mắt rồi mơ”, “Thời cách ngăn trống rỗng”, “Linh hồ”… Hiện Lữ Mai công tác tại ban Văn hóa – Văn nghệ, báo Nhân Dân.
Trong khi đó, kỹ sư Trần Thành lại được nhiều người biết tới là chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương và những năm qua, Trần Thành đã thực hiện các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường…
Lữ Mai lần đầu tiên đặt chân tới Trường Sa vào tháng 5 vừa qua, còn tính đến nay, Trần Thành có 8 lần đi Trường Sa qua các mùa, tích lũy được nhiều trải nghiệm, luôn đau đáu những ý tưởng, giải pháp hữu ích để cải thiện cuộc sống tinh thần và vật chất cho quân dân nơi đảo xa, nhà giàn DK1.
Bức ảnh “Mai vàng tặng mẹ Tết này” của Trần Thành |
Là thành viên của CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, nên Lữ Mai có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện với Trần Thành.
Mai kể, cô quen biết kỹ sư Trần Thành đã hơn chục năm nay. Những chuyến đi Trường Sa, Nhà giàn DK1 trước đây của kỹ sư Thành, Mai đã gửi một số món quà nhỏ tới các chiến sĩ trẻ vừa nhập ngũ và ra đảo. Và trong lần đi Trường Sa đầu tiên, Mai cũng nhận được nhiều tư vấn hữu ích của kỹ sư Trần Thành.
Nhưng trước chuyến đi, Lữ Mai chưa có ý định viết sách. Chỉ đến khi đặt chân lên các hòn đảo nhỏ trên quần đảo Trường Sa, trò chuyện với những người lính trẻ, Mai mới thấy rằng, những người lính đảo mong có thêm những cuốn sách viết về họ, về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vậy là ý tưởng viết sách về Trường Sa được hình thành, và Mai nhớ tới những bức ảnh của kỹ sư Trần Thành. Những bức ảnh đong đầy cảm xúc, ghi lại những khoảnh khắc sinh động về những sinh hoạt đời thường của người lính đảo.
Những bức ảnh ấy, trước khi đi Trường sa, Trần Thành đã in ra thành những tấm postcart để Mai tặng những người lính trên đảo.
Bức ảnh “Sóng An Bang” của Trần Thành |
Trở về đất liền sau hơn chục ngày lênh đênh trên biển, Lữ Mai đã mang ý tưởng viết sách ra bàn với kỹ sư Trần Thành. Và rất nhanh, cả hai đã đưa ra những phác thảo đầu tiên về cuốn sách…
Kết tinh cùng "Nơi đầu sóng"
Và “Nơi đầu sóng” đã được NXB Văn học ấn hành. Ở đó có 21 tản văn, ghi chép của Lữ Mai cùng những bức ảnh “đồng kể chuyện” của Trần Thành. 21 câu chuyện tượng trưng cho 21 hòn đảo của quần đảo Trường Sa mà tác giả đặt chân đến.
Những nhân vật, những câu chuyện được Mai ghi chép lại tỉ mỉ, qua góc nhìn của một người trẻ và giàu tình cảm: Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, những cán bộ, chiến sĩ trên đảo, trên tàu, người thân, gia đình của họ, những người thợ máy, thủy thủ phục vụ thầm lặng và đầy hy sinh… cho đến những câu chuyện về cây trái trên đảo.
Chỉ một cây quất Văn Giang cũng đem lại sức mạnh tinh thần cho người lính rất nhiều. Nhiều câu chuyện trong sách do Mai chứng kiến, ghi nhận từ chuyến đi, nhưng cũng có những chi tiết Mai viết nhờ sự tư vấn, kể lại của kỹ sư Trần Thành. Điều đó giúp cho cuốn sách vừa có chất thơ, với nhịp rung của cảm xúc, vừa có được những chi tiết đắt giá mà phải là của người được đi Trường Sa nhiều lần, chứng kiến trong nhiều thời khắc không gian, thời gian khác nhau mới có thể “thu lượm” được.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét: “Cuốn sách đã trở thành một con tàu đưa tôi tới những vùng đảo xa của Tổ quốc mà tôi chưa từng được đến. Và tôi đã được sống, được chìm vào và được cảm nhận bằng mọi giác quan những cơn mưa biển, những hồi còi tàu, những đêm biển đầy sao, những ngọn hải đăng.
Những câu chuyện về những người lính đảo, người mẹ, người vợ ở đất liền, những lớp học và các thầy, cô… hay chỉ là một ô cửa cũ như đã quá xa xôi tưởng chỉ còn trong ký ức, một đàn cá chuồn như đang bay dọc chân trời biển…”.
Lữ Mai chia sẻ: Những câu chuyện trong “Nơi đầu sóng” mộc mạc, bình dị nhưng đầy cảm xúc của tôi và kỹ sư Trần Thành thông qua những trải nghiệm của mình trong những lần được đến với Trường Sa.
Kỹ sư Trần Thành cho biết, anh chụp ảnh theo kiểu ngẫu hứng, thích gì chụp nấy, thấy gì hay thì ghi lại. Nhưng những cú bấm máy đầy vẻ bất chợt ấy lại cho thấy sự sâu sắc trong tư duy, sự chắc tay của người chụp, cho thấy những câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh. Một chú cá chuồn, không chỉ là cá chuồn, mà còn là những vũ điệu đều tăm tắp trên mặt sóng xanh biếc, giữa kẻ săn mồi cả bên trên lẫn bên dưới mặt nước.
Tác giả còn ghi chép tỉ mỉ tốc độ “bay” của cá chuồn như thế nào để tạo nên được vũ điệu đẹp như vậy, và không phải ai cũng có cơ hội may mắn chộp được hình ảnh rỡn sóng của cá chuồn. Trần Thành còn ghi lại cả những hình ảnh phong cảnh tuyệt đẹp. “Hừng đông trên thềm lục địa”, “Sóng An Bang”, “Cơn giông lớn đang bò gần tới”, đặc biệt là hình ảnh con tàu kiểm ngư Việt Nam chở theo cả một vùng mây trắng…
“Nơi đầu sóng” đã cho thấy sự khác biệt khi kết hợp ảnh với văn, văn với ảnh một cách khá nhuần nhị. Và sự dụng công của người viết khi đặt các tiêu đề của bài cũng khiến nhiều người thấy thú ví: Lời cây trái đảo xa, Nghi lễ của tàn phai, Ô cửa nhỏ thời gian muối mặn, Vũ điệu sinh tồn, Bầu trời đầy sao đu đưa, Ngọn đèn thao thức…
Nhà thơ Lữ Mai và kỹ sư Trần Thành. |
Có mặt tại sự kiện ra mắt sách và triển lãm ảnh “Nơi đầu sóng”, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, các bức ảnh và bài viết trong cuốn sách đã đưa Trường Sa về đất liền.
“Bằng hình ảnh và ngôn từ, hai tác giả Trần Thành và Lữ Mai chuyển tải sinh động cuộc sống nơi Trường Sa, mà đó là những hình ảnh mới nhất. Tôi thuộc thế hệ đầu tiên viết về Trường Sa, nếu giờ các bạn đọc lại thì những trang sách ấy mang tính tư liệu. Còn ở đây, các bạn đã chuyển tải một Trường Sa đương thời, hiện đại” - tác giả “Đảo chìm” nhận xét.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đánh giá cao sự kết hợp của hai tác giả trong sách: “Những gì trực quan nhất được Trần Thành thể hiện qua ảnh. Còn những gì chúng ta không thấy được bằng mắt, đã có ngôn từ của Lữ Mai dẫn lối tới cảm xúc sâu lắng”.
Theo nhà thơ, “Nơi đầu sóng” có nhiều nét khác biệt với những cuốn sách trước đó. “Cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió, con người và cảnh sắc ở một quần đảo được nhìn bằng con mắt đằm thắm, tinh tế mà không kém phần sâu sắc. Đây cũng là cột mốc chủ quyền lãnh thổ mà các tác giả đã cắm cho Trường Sa - một vùng máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta”.