Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện. Mục tiêu giai đoạn 2022 - 2026 là giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021.
Thực hiện tinh giản biên chế, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai. Từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023, kết quả tinh giản biên chế cả nước là 84.140 người, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 là 3.853 người.
Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng việc thực hiện tinh giản biên chế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với ngành Giáo dục. Bên cạnh thách thức chung, tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục còn đối diện với một thực tế vô cùng căng thẳng, đó là tình trạng thiếu giáo viên.
Kết thúc năm học 2023 - 2024, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ còn tồn tại ở hầu hết địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới. Tính đến tháng 4 vừa qua, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học. Chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cấp học đều thấp hơn định mức quy định.
Để vừa tinh giản biên chế, vừa bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”, ngành Giáo dục các địa phương đã nỗ lực áp dụng nhiều giải pháp như: Sáp nhập trường lớp, ký hợp đồng với giáo viên theo từng năm, thuê giáo viên thỉnh giảng theo tiết, tăng sĩ số học sinh/lớp học…
Cách làm này đã phần nào giải quyết được bài toán thiếu giáo viên, nhưng để lại những hệ lụy không nhỏ: Sĩ số học sinh/lớp cao khó bảo đảm chất lượng dạy học trong bối cảnh đổi mới. Một số địa phương không kiểm soát chặt chẽ việc tuyển giáo viên hợp đồng dẫn tới tuyển dụng không đúng quy định, sau đó phải dừng hợp đồng hàng loạt, gây bức xúc;
Có nơi cứng nhắc điều động giáo viên thừa ở cấp học này sang dạy ở cấp học khác, vừa gây tâm lý hoang mang với giáo viên, vừa ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Tình hình thiếu giáo viên căng thẳng đến nỗi cử tri nhiều địa phương đã đề nghị xem xét không đưa giáo viên vào diện tinh giản biên chế.
Tinh giản biên chế là chủ trương đúng đắn, cơ hội để ngành Giáo dục nói chung, nhà trường nói riêng được tinh gọn, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ; xóa bỏ tâm lý chây ỳ, thụ động, ỷ lại, làm việc kém hiệu quả của một bộ phận viên chức, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.
Tuy vậy, đây cũng là công việc phức tạp, nhạy cảm, không thể thực hiện cơ học, cào bằng. Thực hiện tinh giản biên chế trong điều kiện thiếu giáo viên nếu áp dụng các biện pháp tình thế kéo dài là không ổn, cần phải có giải pháp, chính sách mang tính bền vững hơn.
Từ thực tế và kiến nghị của các địa phương, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu để tham mưu Chính phủ, các cơ quan Trung ương có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế ngành cho phù hợp.
Trong dịp làm việc tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, thống nhất quan điểm để có giải pháp sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ngành Giáo dục đúng với điều kiện thực tế của vùng miền, địa phương.
Theo kế hoạch, Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023. Hy vọng, vấn đề tinh giản biên chế ngành Giáo dục sẽ được bàn thảo kỹ, để sớm có được lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp hơn.