Tinh giản biên chế: Nghịch lý và điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục theo Nghị quyết số 39 của Trung ương đang khiến nhiều địa phương đau đầu.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vũng Tàu hướng dẫn học sinh rèn chữ viết.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vũng Tàu hướng dẫn học sinh rèn chữ viết.

Bởi áp lực thiếu hụt giáo viên vẫn luôn song hành mỗi năm cùng tỷ lệ gia tăng dân số và học sinh. Tinh giản biên chế làm sao vừa tạo sự đồng thuận cho người nghỉ, vừa đảm bảo chất lượng nhân sự được giữ lại là thách thức không nhỏ ở nhiều địa phương.

Giật gấu vá vai

Bà Phạm Thúy Hà, Phó Trưởng phòng Giáo dục Quận 4, TPHCM, cho biết: Áp lực tinh giản biên chế của TPHCM rất lớn. Việc Bộ Nội vụ phê bình TPHCM vẫn còn dôi dư 5.000 biên chế cũng đến từ đặc thù của thành phố. Ngành Giáo dục cũng vậy, bởi thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nan giải hàng năm của địa phương. “Giáo viên đang thiếu nhưng vẫn buộc phải tinh giản, các trường chỉ có giải pháp giật gấu vá vai, tinh giản khỏi biên chế nhưng vẫn dạy ở trường dưới dạng giáo viên hợp đồng. Sự linh hoạt này nhằm giải quyết thực trạng khó khăn chung nhưng về lâu dài ít nhiều tác động đến các trường bởi nhiều lý do”, bà Hà chia sẻ.

“Trước đây thực hiện theo quy định Thông tư 16 của Bộ GD&ĐT trường loại I, 28 lớp trở lên được 3 cán bộ quản lý, nhưng thực hiện theo Nghị định 120 chỉ còn 2 cán bộ quản lý, do đó thành viên ban giám hiệu phải cáng đáng công việc với nhau để đảm bảo mục tiêu không tăng biên chế”, thầy Hiệu trưởng Trần Quang Huy nói.

Thực hiện chỉ đạo của Sở, hằng năm, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) đều tổ chức rà soát, thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. Trường hiện có 32 lớp học với tổng số 69 cán bộ, giáo viên viên trong đó có 66 giáo viên. Theo quy định tiêu chuẩn 2,25 giáo viên/lớp đối với THPT, nhà trường vẫn thiếu 2 biên chế là nhân viên công nghệ thông tin và y tế.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ, tính đến 30/6/2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm tỷ lệ 22,6% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021); trong đó, các bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.

Như vậy tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% nhân sự. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ đánh giá, việc đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước còn chậm và chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, việc tinh giản biên chế tuy đạt được chỉ tiêu về số lượng nhưng còn mang tính cơ học, chưa thực sự gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Mục tiêu tinh giản biên chế là để đảm bảo tốt nhất năng suất lao động từng vị trí cán bộ. Ảnh minh họa/ INT

Mục tiêu tinh giản biên chế là để đảm bảo tốt nhất năng suất lao động từng vị trí cán bộ. Ảnh minh họa/ INT

Tinh giản thế nào?

Nhìn từ góc độ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế để thúc đẩy sự phát triển chung, cũng như giảm chi ngân sách, hầu hết cán bộ quản lý các cấp trong ngành Giáo dục đều nhìn nhận đây là chủ trương đúng đắn.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), tinh giản biên chế cần phải thực hiện trên tinh thần dân chủ, khách quan và đảm bảo công bằng. Mục tiêu của công việc này là tinh gọn bộ máy, đảm bảo tốt nhất năng suất lao động từng vị trí cán bộ. Người không đảm bảo vị trí công việc, chồng lấn vị trí và không đáp ứng được yêu cầu đổi mới thì phải xem xét tinh giản, còn người giỏi việc, đảm bảo công tác cần được giữ lại, tránh việc tinh giản theo kiểu cơ học kiểu “có giản mà không tinh”.

Bà Kiều Phương cho biết: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo chung của thành phố về việc tinh giản biên chế, Phòng Giáo dục quận Bình Thủy đã tổ chức sắp xếp và dịch chuyển biên chế giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, đồng thời bổ sung thêm biên chế cho trường thiếu nhưng phải đảm bảo tỷ lệ giáo viên trên lớp theo quy định, không thực hiện tinh giản theo dạng cơ học. Ngoài ra, để tinh gọn bộ máy và đảm bảo tinh giản biên chế phù hợp, phòng chủ động xây dựng kế hoạch thu hẹp các điểm trường nhỏ (có quy mô dưới 10 lớp học), nhưng phải đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập.

Nhìn nhận việc tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục theo yêu cầu của Trung ương khiến địa phương và ngành gặp không ít khó khăn và bối rối, bà Phạm Thị Hồng Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, trao đổi: Trong ngành Giáo dục việc tinh giản thực hiện dễ hơn đối với vị trí nhân viên, giáo viên sắp về hưu hay có nguyện vọng, đội ngũ còn lại muốn tinh giản rất khó, bởi thực tế việc thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương vẫn rất lớn.

“Ngoài việc rà soát lại toàn bộ biên chế trong ngành, điều phối và luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, để giải quyết bài toán thiếu giáo viên (do tinh giản), thời gian qua Sở GD&ĐT đã trình và tham mưu với UBND tỉnh cho cơ chế hỗ trợ, cũng như cho phép các trường được hợp đồng thỏa thuận với giáo viên trong việc đứng lớp bổ sung, đứng thêm tiết để “lấp” tình trạng thiếu hụt giáo viên.

Song song đó, cho phép triển khai bồi dưỡng giáo viên dạy tiểu học (dạy môn chung) có thể dạy những môn Giáo dục thể chất, phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ; bố trí một giáo viên chuyên ngành (Âm nhạc, Mỹ thuật) có thể dạy liên trường, liên cấp tại các trường cùng xã, phường để đảm bảo tốt mục tiêu tinh giản” – bà Hải chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông, năm học 2022 - 2023 toàn tỉnh thiếu 980 giáo viên. Vừa qua, tỉnh được bổ sung 115 biên chế và đang làm thủ tục trình hội đồng để sớm phân bổ về các địa phương. Như vậy, toàn tỉnh còn thiếu hơn 700 giáo viên nhưng vẫn phải tinh giản gây khó khăn không nhỏ. Bởi để đáp ứng mục tiêu của Trung ương thì phải giảm quy mô, nhưng nhu cầu của học sinh thì vẫn cao, rất cần đảm bảo tỷ lệ giáo viên/lớp. Nhiều trường để tinh giản đã phải để nhân viên kiêm nhiệm 2 - 3 đầu việc.

“UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố chủ động điều chuyển, phân công giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên thay thế kịp thời số lượng giáo viên thôi việc, nghỉ hưu, tinh giản biên chế và chuyển công tác. Sở GD&ĐT phối hợp Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố rà soát, xây dựng dự toán kinh phí dạy tăng tiết, dạy thêm đối với số biên chế giáo viên còn thiếu, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt nhằm bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện…” - ông Toàn nói.

Trước đây, toàn quận có 32 trường học các cấp. Qua rà soát, sắp xếp lại 3 điểm trường nhỏ dưới 10 lớp và đầu tư thêm 1 trường mới nay còn 13 trường tiểu học, giảm được đội ngũ quản lý và văn phòng. Như vậy vừa đảm bảo tinh giản theo lộ trình của Chính phủ, vừa đảm bảo tỷ lệ giáo viên cũng như quy mô trường lớp; tránh tình trạng tinh giản cơ học tại các đơn vị, nơi thiếu lại tinh giản và nơi thừa lại không. Căn cứ vào báo cáo và đề xuất biên chế từ các trường, ngành chủ động phối hợp cùng Phòng Nội vụ rà soát, kiểm tra từ đó sắp xếp lại cho phù hợp. - Bà Nguyễn Kiều Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.