Thiếu giáo viên vẫn phải tinh giản biên chế: Khó chồng khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều trường học đang đối diện tình trạng dù không tuyển đủ giáo viên nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế.

Tuyển giáo viên hợp đồng đang là thách thức với nhiều trường do thiếu nguồn tuyển. Ảnh: Đình Tuệ
Tuyển giáo viên hợp đồng đang là thách thức với nhiều trường do thiếu nguồn tuyển. Ảnh: Đình Tuệ

Trường vùng khó thêm khó

Nằm ở địa bàn vùng khó khăn của huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), thầy Phạm Quốc Bảo – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Nậm Manh cho hay, toàn trường hiện có 25 giáo viên, 490 học sinh tại 3 điểm trường. Những năm gần đây, đơn vị thường xuyên thiếu giáo viên, nhất là môn Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục thể chất. Theo định biên, nhà trường phải bổ sung thêm từ 5 – 6 người.

Trường PTDTBT Nậm Manh không phải là đơn vị duy nhất của huyện Nậm Nhùn thiếu giáo viên mà là tình trạng chung của nhiều trường. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy, nhà trường đã báo cáo UBND huyện cùng phòng GD&ĐT nhằm bố trí, tăng cường nhân sự. Theo đó, giáo viên văn hóa sẽ được bồi dưỡng để có thể dạy Tin học, Giáo dục thể chất.

Riêng môn Tiếng Anh, huyện cử một cô giáo dạy cho cụm 3 trường. Thầy Phạm Quốc Bảo thừa nhận, nếu so với vùng thành thị việc duy trì hình thức dạy tiếng Anh theo cụm chưa thể đảm bảo chất lượng như mong muốn. Dù vậy, trong bối cảnh hiện tại thì đó là giải pháp cần thiết.

“Vì thiếu giáo viên nên các trường vô cùng khó khăn khi đồng thời thực hiện tinh giản biên chế 10% theo Nghị định 29/NĐ-CP năm 2023 của Chính phủ. Với ngành Giáo dục, khối lượng công việc ngày càng nhiều. Như phòng GD&ĐT cũng thiếu người làm do tinh giản biên chế nên phải trưng dụng nhân sự các trường làm chuyên viên. Do đó trường đã thiếu lại càng thiếu. Số lượng người làm giảm đi trong khi công việc nhiều lên khiến cho nhà trường gặp khó khăn. Trường muốn tuyển thêm giáo viên hợp đồng cũng khó, bởi nguồn tuyển không nhiều”, thầy Bảo trăn trở.

Theo đại diện Trường THPT Vị Xuyên (Hà Giang), thực hiện chỉ đạo từ sở GD&ĐT, đơn vị vừa cử một giáo viên tiếng Anh đi dạy biệt phái ở trường THPT tại huyện Bắc Mê. Do vẫn thuộc quân số và hưởng lương nhà trường nên giáo viên biệt phái phải đảm bảo thời gian làm việc, giảng dạy tại trường. Ví dụ, cô giáo biệt phái dạy tại trường mới thứ 2, 3, 4 thì ngày thứ 5, 6, 7 sẽ dạy ở Trường THPT Vị Xuyên. Khoảng cách địa lý giữa hai đơn vị khiến giáo viên vất vả để đảm bảo đủ số tiết theo quy định.

Chung tình trạng trên, thầy Nguyễn Văn Hoàng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) chia sẻ, để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, điều quan trọng nhất là yếu tố con người. Tuy nhiên, nhà trường cũng trong tình trạng thiếu giáo viên bộ môn, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và môn Lịch sử - Địa lý. Nhà trường đã đề nghị phòng GD&ĐT, phòng Nội vụ huyện cử giáo viên dạy tăng cường một năm để đảm bảo yêu cầu của chương trình.

TS Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ

TS Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ

“Lấy ngắn nuôi dài”

Là địa bàn đặc thù tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngành Giáo dục huyện Côn Đảo cũng đối mặt với bài toán thiếu giáo viên do khó tuyển giáo viên hợp đồng. Thông tin từ ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế 10% nên cấp tiểu học, THCS và THPT tại địa phương đều không đủ giáo viên theo định biên. Nếu theo quy định tại Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, huyện Côn Đảo đang thiếu hơn 40 giáo viên.

Lý giải nguyên nhân thực trạng trên, ông Mạnh cho rằng khi thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 68/2000/NĐ-CP vẫn không tuyển đủ. Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều tỉnh thành nên giáo viên trẻ mới ra trường có nhiều sự lựa chọn. Hơn nữa, để chấp nhận làm giáo viên ngoài đảo đồng nghĩa việc xa gia đình và đi lại bất tiện hơn so với dạy trong đất liền. Vì thế, các trường căn cứ vào thực tế để có phương án dồn lớp, tăng sĩ số học sinh/lớp.

Với hơn 100 nghìn học sinh mầm non, phổ thông đang học tập, quận Hà Đông (Hà Nội) thiếu khoảng 800 giáo viên. Đây là địa phương có quy mô về tổng số học sinh lớn nhất Thủ đô (gần 120 nghìn em) do quá trình tăng dân số cơ học những năm qua diễn ra với tốc độ nhanh. Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông, để giải quyết tình trạng trên, các trường đang đẩy mạnh tuyển giáo viên hợp đồng.

“Tuy nhiên, khó khăn nhất là tuyển giáo viên mầm non do lương khởi điểm thấp và không có nguồn để hợp đồng. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị với Bộ GD&ĐT nghiên cứu để các trường ĐH - CĐ tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên, nhất là cấp mầm non. Không chỉ các trường công lập mà cả tư thục, nhóm trẻ độc lập rất cần hợp đồng giáo viên mầm non mà chưa tìm được nguồn. Toàn quận có gần 4 nghìn giáo viên nhưng với số lượng học sinh ngày một tăng nên nhu cầu về tuyển giáo viên cũng tăng theo”, bà Phạm Thị Lệ Hằng trao đổi thêm.

Trong khi nhiều địa phương đang nỗ lực tuyển dụng và tìm các phương án để ký hợp đồng với giáo viên về hưu, mới ra trường để đảm bảo việc giảng dạy thì ngành Giáo dục vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế mỗi năm.

Cụ thể, từ năm 2022 - 2026, với đơn vị sự nghiệp phải tinh giản biên chế 10%. Cùng đó, mức lương khởi điểm ở cấp mầm non quá thấp, trong khi khối lượng công việc và áp lực nghề nghiệp ngày càng cao khiến nhiều giáo viên trẻ không mặn mà với nghề. Do đó, việc tinh giản biên chế cần được rà soát kỹ để giảm ở những nơi thừa cục bộ chứ không nên cào bằng, gây khó khăn cho các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ