Lưu ý nguyên tắc trong tinh giản biên chế giáo viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tinh giản biên chế giáo viên trên nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh và giao chỉ tiêu biên chế đối với ngành GD-ĐT theo nhu cầu từng tỉnh, thành phố để các địa phương chủ động trong việc đào tạo, tuyển dụng và sử dụng.

Đồng thời nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách cụ thể riêng đối với việc giảm biên chế, giao chỉ tiêu biên chế, để việc phân bổ chỉ tiêu biên chế nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng được thuận lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026. Riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Quyết định số 72-QĐ/TW). Trong đó, thành phố Hải Phòng được bổ sung 267 biên chế giáo viên năm học 2022-2023.

Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cần được các địa phương thực hiện nghiêm túc trên nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc. Do đó, địa phương cần có các giải pháp phù hợp để bảo đảm có đủ số lượng giáo viên giảng dạy cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Về giao chỉ tiêu biên chế đối với ngành GD-ĐT theo nhu cầu của Thành phố: Để có thể bố trí đủ chỉ tiêu biên chế đối với ngành GD-ĐT, đáp ứng nhu cầu của địa phương trong điều kiện thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, đề nghị thành phố Hải Phòng thực hiện một số nội dung sau:

Đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng tinh gọn. Cơ cấu lại đội ngũ viên chức ngành GD-ĐT, gắn với tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật (phù hợp với đặc điểm vùng, miền), định mức chi phí theo thẩm quyền, làm cơ sở để ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực GD-ĐT, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Đổi mới phương thức cấp ngân sách bình quân theo chỉ tiêu biên chế sang đặt hàng tương ứng với quy mô học sinh của từng cơ sở giáo dục.

Hoàn thiện việc phê duyệt Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, xác định rõ mức độ tự chủ về tài chính và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập và quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trong việc thực hiện Đề án tự chủ theo quy định.

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, có cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục để giảm tải đối với khu vực công.

Chỉ đạo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có cơ sở giáo dục phổ thông công lập) theo Đề án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập khi được ban hành.

Như vậy, khi thành phố Hải Phòng chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nêu trên, sẽ tạo điều kiện cho thành phố vừa thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế vừa cơ cấu lại được số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về định mức số lượng người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm tăng quy mô trường/lớp, học sinh) của Thành phố.

Về tinh giản biên chế: Tại Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 40-KL/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 đã yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện tinh giản biên chế. Bảo đảm đến hết năm 2026 giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

Theo đó, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã quyết định số biên chế sự nghiệp của từng địa phương đến hết năm 2026. Do vậy, các địa phương (trong đó có thành phố Hải Phòng) có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định nêu trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ