Liệu pháp tư vấn tường thuật cho cán bộ quản lý hướng nghiệp

GD&TĐ - Tư vấn tường thuật là một liệu pháp mà tư vấn viên dùng phương pháp kể chuyện và lắng nghe để giúp cho HS hiểu được chính mình.

Nhà tư vấn hướng nghiệp sẽ giúp các em rất nhiều trong việc tìm hiểu bản thân.
Nhà tư vấn hướng nghiệp sẽ giúp các em rất nhiều trong việc tìm hiểu bản thân.

Các bước tư vấn tường thuật

Theo chuyên gia, khi sử dụng phương pháp tư vấn tường thuật, bằng những câu hỏi đơn giản về đời sống hàng ngày của HS, về thời thơ ấu, cũng như về ước mơ, niềm tin và quan điểm sống, nhà tư vấn hướng nghiệp sẽ giúp các em rất nhiều trong việc tìm hiểu bản thân.

Tài liệu đổi mới phương pháp hướng nghiệp trong trường trung học cho thấy các bước tư vấn gồm có:

Bước 1: Lắng nghe, xây dựng sự tin tưởng và tìm hiểu vấn đề chính của HS;

Bước 2: Dùng câu hỏi tường thuật để nghe câu chuyện của HS về sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp;

Bước 3: Dùng bài tập về nhà để HS hiểu thêm về bản thân trong bốn lĩnh vực sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp;

Bước 4: Dùng trắc nghiệm để giúp HS xác nhận sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp. Các bước trên có thể được thực hiện trong một hay vài lần tư vấn, tùy vào mỗi HS.

Ví dụ:

Lần gặp 1:

Tư vấn viên (TVV): Chào em, cho thầy hỏi lại xem có phải thầy hiểu rõ ý em không đã nhé. Em hôm nay đến đây vì chưa biết nên chọn ngành gì và học trường nào trong tương lai đúng không? Hiện em học lớp 11 chuyên Văn và gia đình em thì khuyên em học Kinh tế. Em đang bị bối rối vì thấy mình có lẽ không thích hợp với ngành này, có phải không?

Học sinh (HS): Dạ đúng ạ.

TVV: Trong quá trình tìm hiểu ngành nghề phù hợp, điều quan trọng là mỗi người hiểu rõ bản thân mình trong bốn lĩnh vực sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp. Em có biết mình thích gì chưa?

HS: Dạ chưa rõ lắm ạ.

TVV: À, buổi gặp hôm nay mình chỉ còn khoảng hai mươi lăm phút nữa, cho nên hôm nay thầy muốn tập trung vào việc tìm hiểu sở thích của em. Em có đồng ý không?

HS: Dạ đồng ý ạ.

TVV: Trong các môn học hiện tại, em thấy môn nào làm em thích thú nhất? Vì sao?

HS: Dạ em rất thích môn văn ạ. Em nghĩ là do em giỏi môn này và một phần do cô giáo dạy văn rất hay ạ.

TVV: Vậy em bắt đầu phát hiện năng khiếu văn của mình từ khi nào?

HS: Dạ năm lớp 9, nhưng từ nhỏ em đã thích viết và gửi bài cho các báo Nhi đồng và Khăn quàng đỏ rồi ạ.

TVV: Hay quá. Gia đình em nghĩ gì về điều này?

HS: Dạ cũng có khen, nhưng hiện tại thì nói rằng năng khiếu văn không thực tế, sợ em không có việc làm tốt, không có thu nhập cao.

TVV: Ừm… Em cảm thấy sao khi gia đình nói vậy?

HS: Dạ, em cũng thấy đúng.

TVV: Mình nói tiếp nhé. Ngoài môn Văn, em còn thấy thích môn gì nữa không?

HS: Dạ em thích học ngôn ngữ, em rất thích môn tiếng Anh. Ngoài ra, em hay đọc và tìm hiểu thêm tiếng Hoa nữa ạ.

TVV: Giỏi vậy. Em học ngôn ngữ nhanh lắm hả?

HS: Dạ, rất nhanh.

TVV: Vậy thì nếu thầy nói sở thích của em thiên về ngôn ngữ, điều này có đúng không?

HS: Dạ đúng ạ.

TVV: Vậy bây giờ em về nhà làm bài tập nhỏ này cho thầy. Bài tập này gọi là “bài tập đường đời”. Trong bài tập này em vẽ ra một đường thẳng, trên đường thẳng đó em để những mốc tuổi 3, 6, 9, 12, 15, và hiện tại là 17 tuổi. Sau đó em đánh dấu vào đường thẳng đó những lúc nào trong cuộc đời em đã có dịp thực hiện sở thích của em. Em vẽ như thế này nhé. Em hiểu bài tập chưa?

HS: Dạ em hiểu rồi.

TVV: Lần sau gặp mình sẽ thảo luận kết quả của bài tập này và làm một trắc nghiệm về sở thích. Em đồng ý chứ?

HS: Dạ đồng ý. Em chào thầy. Em cám ơn thầy.

TVV: Chào em.

Công cụ trắc nghiệm

Công cụ trắc nghiệm được dùng phổ biến trong hướng nghiệp là công cụ trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp được dịch từ tài liệu gốc tiếng Anh dựa trên lí thuyết mật mã Holland của nhà tâm lí học John Holland và được nghiên cứu, Việt hóa bởi Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tài, Viện nghiên cứu giáo dục, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trắc nghiệm này khá đơn giản, dễ sử dụng nhưng không kém phần hiệu quả trong việc giúp HS tìm ra nhóm sở thích của mình. Hiện nay, trắc nghiệm này được nhiều nhà tư vấn hướng nghiệp ưa thích sử dụng vì những lý do như dễ hiểu, dễ dùng và dựa trên nền tảng nghiên cứu vững vàng;

Nhà tư vấn hướng nghiệp có thể thấy nhiều điểm tương quan giữa kết quả trắc nghiệm và các khối học của HS ở các trường trung học, CĐ, ĐH;

Từ kết quả trắc nghiệm, những người làm tư vấn hướng nghiệp có thể dùng phương pháp tư vấn tường thuật để giúp HS thấy sự tương quan giữa nhóm sở thích và những ngành học tương ứng ở các trường CĐ, ĐH hay nghề học tương ứng ở các trường nghề.

Lần gặp 2:

TVV: Chào em, em đã làm bài tập thầy giao chưa.

HS: Dạ có, đây thưa thầy.

TVV: Em có nhận xét gì đặc biệt sau khi làm bài tập này?

HS: Dạ, em thấy trong suốt thời gian từ khi em 12 đến 15 tuổi là lúc em tập trung vào việc viết và gửi bài lên báo nhiều nhất ạ. Những năm đó em cũng dự nhiều cuộc thi HS giỏi văn và được nhiều giải.

TVV: Còn gì nữa không em?

HS: Dạ hình như thời gian gần đây em ít đầu tư vào học văn hơn, có lẽ do em phải tập trung để học đều các môn, chuẩn bị năm sau thi tốt nghiệp THPT.

TVV: Vậy bây giờ mình làm trắc nghiệm này nhé (trắc nghiệm sở thích - phụ lục 2). Em ngồi làm tại đây luôn đi.

HS: Dạ.

HS hoàn tất bản trắc nghiệm. Kết quả ba nhóm cao nhất là Nghệ thuật, Xã hội, và Quản lí.

TVV: Sau khi đọc định nghĩa của ba nhóm sở thích này, em nghĩ sao?

HS: Dạ, em thấy rất đúng ạ. Bạn bè em thường nhận xét là em thích giúp đỡ người khác và trò chuyện với người khác lắm.

TVV: Em có hay giữ cương vị lãnh đạo trong lớp không?

HS: Dạ ít lắm, nhưng khi có việc gì thường em đều tham gia và các bạn rất nghe ý kiến của em.

TVV: Bây giờ mình mở cẩm nang tư vấn thi CĐ và ĐH ra nhé. Theo sở thích của em thì hai khối em có thể tìm hiểu là khối C và khối H. Bài tập của em là tìm hiểu các ngành trong hai khối này bằng cách đọc cẩm nang này thật kỹ và lên mạng tìm hiểu thêm. Khi đọc và tìm hiểu trên mạng, em phải tự hỏi xem mình có thích học ngành này không và nếu thích thì mình có đủ khả năng học hay không. Trong lần gặp tới thầy và em sẽ tìm hiểu thêm về khả năng nhé. Em có hiểu bài tập này không?

HS: Dạ em hiểu. Em cám ơn thầy. Em chào thầy.

TVV: Chào em.

Qua những câu hỏi tường thuật về sở thích, khả năng, cá tính hay giá trị nghề nghiệp được dùng kết hợp với bài tập về nhà và công cụ trắc nghiệm, nhà tư vấn hướng nghiệp giúp HS hiểu rõ thêm về sở thích, khả năng, cá tính, giá trị nghề nghiệp của bản thân trong việc học tập và các việc khác.

Từ đó, người làm tư vấn hướng nghiệp dẫn dắt các em nghĩ đến các ngành học trong các trường ĐH, CĐ hay trường nghề, cũng như các công việc trong thị trường lao động phù hợp với bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.