Học sinh chưa nhận thức đúng về nghề nghiệp
Trong những năm qua, vấn đề tư vấn, giáo dục hướng nghiệp luôn được thầy, cô Trường TH-THCS Kroong (xã Kroong, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) quan tâm, chú trọng.
Ngay khi bước vào năm học 2022-2023, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm của các lớp 9 xây dựng kế hoạch dạy học môn giáo dục hướng nghiệp. Bên cạnh đó, phân công cho giáo viên đảm nhiệm các tiết giáo dục hướng nghiệp theo chương trình và tài liệu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đồng thời bổ sung những đặc thù của địa phương theo chủ đề hàng tháng.
Thầy Nguyễn Đức Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong mỗi tiết giáo dục hướng nghiệp thầy, cô cho các em liên hệ thực tế, phân tích đặc điểm, yêu cầu một số của ngành nghề hiện nay. Qua đó, từng bước hình thành nhận thức của các em đối với việc định hướng nghề nghiệp sau này.
Ngoài ra, nhà trường xây dựng đề án nâng cao chất lượng học sinh DTTS. Theo đó thực hiện dạy học 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để tăng cường, củng cố kiến thức và ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10. Đồng thời, nhà trường cũng họp mặt với phụ huynh học sinh để xem xét lực học của con em mình. Từ đó gia đình lựa chọn được trường THPT phù hợp hoặc nhà trường sẽ giới thiệu, tư vấn một số nghề tại địa phương.
“Trong quá trình tư vấn, hướng nghiệp nhà trường gặp khó khi học sinh chưa nhận thức đúng về hướng đi trong tương lai. Bên cạnh đó, gia đình nhiều em khá khó khăn nên phải đi lao động, làm thuê sau khi tốt nghiệp THCS. Không những vậy một số phụ huynh vẫn chú trọng bằng cấp nên sau khi tốt nghiệp THCS gia đình thường cho con học lên THPT rồi học Cao đẳng, Đại học, không muốn con đi học nghề”, thầy Hải chia sẻ.
Để phân luồng học sinh đạt hiệu quả, thầy Hải cho rằng phải tư vấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của phụ huynh, học sinh cuối cấp. Từ đó, tạo sự đồng thuận của phụ huynh với quan điểm chủ trương của ngành, xóa đi tư tưởng mong muốn con em học xong THCS phải vào vào PTTH. Trong khi đó năng lực học tập của con em mình không đạt tới.
Còn với trường dạy nghề thầy Hải mong rằng sẽ tăng cường chất lượng đào tạo, tạo thương hiệu trường để khi học sinh tốt nghiệp có được tay nghề vững chắc. Qua đó, khi các em tham gia vào lao động xã hội không phải học lại, đào tạo lại. Ngoài ra cần mở thêm các nghề theo nhu cầu của xã hội, sở trường của các em để thu hút và tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh. Đồng thời trường nghề phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, xí nghiệp trong ngoài tỉnh về việc tuyển chọn công nhân, tạo đầu ra ổn định, không để các em thất nghiệp…
Học nghề dưới 3 tháng
Giáo viên giới thiệu một số nghề nghiệp để học sinh tìm hiểu, lựa chọn theo nhu cầu. |
Tại huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), năm học 2021-2022 địa phương có 1.407 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó có 565 học sinh với tỷ lệ 40,15% tiếp tục theo học tại các trường THPT. Bên cạnh đó, 168 em với tỷ lệ 11,94% vào học trường phổ thông dân tộc nội trú. Ngoài ra, có 93 em vào học hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT, 62 học sinh học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp. Riêng 243 học sinh với tỷ lệ 17,27% học nghề dưới 3 tháng.
Theo UBND huyện Đăk Hà, trong năm 2022 (tính đến ngày 20/9/2022) địa phương đã triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh lớp 9, đặc biệt là các em người dân tộc thiểu số. Công tác phân luồng giúp cho thanh thiếu niên chọn nghề một cách có cơ sở, giúp học sinh có được nhận thức đúng đắn hơn về nghề nghiệp. Từ đó phát huy tối đa năng lực sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống, phù hợp với nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tránh lãng phí về đào tạo và sử dụng lao động hợp lý. Góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội bền vững của địa phương.
Bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho hay, đời sống của phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Bên cạnh đó trình độ dân trí chưa đồng đều, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp có sự chuyển biến nhưng chưa cao, đa phần các em tham gia học nghề dưới 3 tháng. Không những thế sự hiểu biết, đòi hỏi về nghề nghiệp và sự đáp ứng yêu cầu của bản thân đối với nghề còn hạn chế. Một bộ phận học sinh, phụ huynh còn mang nặng tư tưởng làm việc theo nhóm ở cùng nơi cư trú, làm công việc như nhau và chưa mạnh dạn đi học, lao động xa nhà…Đặc biệt, nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế. Ngoài ra phong trào khởi nghiệp chưa phát triển nhiều nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác hướng nghiệp.
Cũng theo bà Thương, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp còn thiếu, việc bố trí thời khóa biểu cho hoạt động này gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra kinh phí cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp, nhất là hoạt động trải nghiệm thực tế, tham quan và cách tính định mức giờ cho giáo viên gặp khó.
“Nhiều học sinh, phụ huynh thiếu kiến thức để hiểu về các ngành nghề. Chính vì vậy việc lựa chọn cho mình một nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp phổ thông còn chưa rõ ràng. Không những vậy vẫn còn tâm lý theo bạn bè, muốn học lên Đại học trong khi không xét đến tính thực tế như: hoàn cảnh gia đình, học lực, sức khỏe... Ngoài ra, một số ít em cũng xác định sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ tham gia học nghề nhưng chưa xác định được nghề muốn học và việc làm khi học xong”, bà Thương nói.