Hướng nghiệp vì mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện ở Lào Cai

GD&TĐ - Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề ngày càng tăng đã cho thấy hiệu quả của Đề án phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh ở Lào Cai.

Học sinh trường THCS số 1 Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng được tiếp cận với nghề thêu thổ cẩm truyền thống.
Học sinh trường THCS số 1 Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng được tiếp cận với nghề thêu thổ cẩm truyền thống.

Cụ thể hóa công tác phân luồng, hướng nghiệp

Ngày 19/8/2019, UBND tỉnh Lào Cai ra Quyết định số 2567/QĐ-UBND phê duyệt Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 – 2025. Qua đó, cụ thể hóa công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT sát với thực tế của tỉnh.

Triển khai công tác phân luồng, hướng nghiệp, Sở GD&ĐT Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giảng dạy chương trình hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục có học sinh THCS, THPT. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên làm công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh các trường THCS, THPT và Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: “Sở đã tổ chức Hội nghị phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh nhằm đánh giá kết quả, hạn chế khó khăn, chỉ đạo các đơn vị tổ chức triển khai công tác phân luồng, tuyển sinh năm 2022 đúng kế hoạch. Cùng với đó, cung cấp hồ sơ, tài liệu tuyển sinh cho các đơn vị đầy đủ, kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị”.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hướng dẫn cho học sinh làm các thủ tục đăng ký dự tuyển theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền phụ huynh, học sinh theo các luồng học phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình của từng em. Phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tuyên truyền, tuyển sinh học nghề các trình độ.

“Chúng tôi đã chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm GDTX hỗ trợ, hướng dẫn học sinh, học viên đăng ký nguyện vọng, cập nhật thông tin xét tuyển của các trường đại học trong thời gian đăng ký dự tuyển. Đồng thời, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của phụ huynh và học sinh về công tác tuyển sinh” – ông Nguyễn Thế Dũng cho biết.

Từ mô hình bảo tồn văn hóa trong trường học, trường phổ thông DTBT THCS Bản Phùng (Sa Pa) hướng học sinh đến nghề du lịch.

Từ mô hình bảo tồn văn hóa trong trường học, trường phổ thông DTBT THCS Bản Phùng (Sa Pa) hướng học sinh đến nghề du lịch.

Từ việc cụ thể hóa các giải pháp đề ra, số lượng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS của Lào Cai tăng dần từng năm, phân theo các luồng cơ bản đạt mục tiêu Đề án phân luồng của UBND tỉnh và phân vào các luồng có chuyển biến tích cực.

Năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh Lào Cai có 13.244 em tốt nghiệp THCS. Trong đó, có 8.374 em vào học lớp 10 tại trường THPT, đạt trên 63%. Có hơn 14% học sinh vào học tại Trung tâm GDNN-GDTX để vừa học nghề vừa học văn hóa, tăng 4% so với Đề án phân luồng. Học sinh học nghề các trình độ chiếm 22%. Học sinh nghỉ học và trực tiếp lao động giảm dần qua các năm.

Trong năm 2022, tỉnh Lào Cai có 6.956 em tốt nghiệp THPT, đạt 99,58%. Số học sinh tốt nghiệp THPT đi học Đại học giữ ổn định ở mức gần 40%. Số học sinh học nghề các trình độ tăng dần lên trên 34%. Học sinh sau tốt nghiệp THPT tham gia lao động trực tiếp còn chiếm gần 24%.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, từ việc phân luồng, hướng nghiệp, chất lượng giáo dục của địa phương ngày càng được nâng cao. Điều đó thể hiện ở tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT học Đại học năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, năm học 2021 - 2022, số lượng học viên tại các Trung tâm GDTX đỗ vào trường Đại học tăng lên rõ rệt, chiếm gần 11%. Một số học viên đỗ vào những trường Đại học uy tín đã làm thay đổi nhận thức, tạo sức hút rõ rệt với cha mẹ học viên và người học về các Trung tâm GDTX.

“Nhận thức về hướng nghiệp, phân luồng trong lãnh đạo các cấp, nhà trường, giáo viên, học sinh và nhân dân có sự thay đổi tích cực. Cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo sát sao hơn, xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã vận động học sinh đi học, chọn trường, chọn nghề” – ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.

Vượt khó hướng mục tiêu xa

Theo mục tiêu tại Quyết định số 2567 của UBND tỉnh Lào Cai, đến năm 2025, khoảng 40% học sinh tốt nghiệp THCS sẽ học nghề các trình độ. 35% học sinh sau tốt nghiệp tại các huyện 30a, những xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học nghề các trình độ

Cùng với đó, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu có 45% học sinh sau tốt nghiệp THPT tham gia học nghề các trình độ. Tại các huyện 30a, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì 35% học sinh tốt nghiệp THPT học nghề các trình độ.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT của tỉnh Lào Cai vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc. Vì thế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia lao động trực tiếp còn cao.

Kết quả đi học nghề sau THCS còn thấp so với mức bình quân chung toàn quốc (tính cả số học sinh vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề tại Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN-GDTX) chiếm hơn 22%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra khoảng 15%.

Cùng với đó, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT tham gia lao động trực tiếp vẫn chiếm ở mức cao. Số lượng học sinh học nghề các trình độ còn thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên, số lượng mã ngành còn ít. Bên cạnh đó, quy mô, các ngành nghề đào tạo tại tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu của người học. Hiện có rất ít ngành nghề, nhất là quy mô đào tạo ngành nghề đáp ứng thị trường lao động công nghệ cao và xuất khẩu lao động.

Buổi tuyên truyền về phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh của trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa) thu hút nhiều phụ huynh tham gia.

Buổi tuyên truyền về phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh của trường phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Hầu Thào (Sa Pa) thu hút nhiều phụ huynh tham gia.

“Để công tác phân luồng, hướng nghiệp đạt được mục tiêu của Đề án, Sở sẽ tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo để cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc huy động học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia các loại hình học tập” – ông Nguyễn Thế Dũng cho biết.

Theo đó, Sở GD&ĐT giao Hiệu trưởng các trường THCS, trường có học sinh tốt nghiệp THCS thống kê học sinh của đơn vị không tham gia các loại hình học tập bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn trước ngày 15/9 hàng năm để quản lý, định hướng, mở các lớp dạy nghề ngay tại địa phương. Phối hợp tham mưu mở lớp dạy nghề tại địa phương phù hợp với thế mạnh của vùng tăng năng suất lao động.

Tham mưu những chính sách cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở vùng cao tham gia học nghề các trình độ để thu hút người học. Tăng cường công tác truyền thông cho phụ huynh, học sinh tham gia học tập nâng cao dân trí, kỹ năng nghề nghiệp.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị, Hội thảo phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh nhằm hướng dẫn, chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục có học sinh tốt nghiệp THCS, THPT triển khai thực hiện công tác phân luồng, hướng nghiệp, tuyển sinh, đảm bảo chỉ tiêu từng năm. Cùng với đó, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tuyên truyền các em học nghề phù hợp hoàn cảnh, năng lực, thị trường lao động hiện nay” – ông Nguyễn Thế Dũng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ