Hướng nghiệp thông qua các buổi hội thảo tâm lý

GD&TĐ - Học tiếp lên THPT hay chọn học nghề là điều phân vân của nhiều học sinh THCS.

Phổ thông Cao đẳng-FPT Polytechnic tổ chức hướng nghiệp cho học sinh Trường THCS Thống Nhất, TP Huế (Thừa Thiên Huế).
Phổ thông Cao đẳng-FPT Polytechnic tổ chức hướng nghiệp cho học sinh Trường THCS Thống Nhất, TP Huế (Thừa Thiên Huế).

Để giúp học sinh có hướng đi phù hợp, những năm qua, các cơ sở giáo dục đã nỗ lực trong công tác phân luồng, hướng nghiệp cho các em sau khi tốt nghiệp lớp 9.

Giúp học sinh chọn nghề phù hợp

Vừa qua, Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic khu vực miền trung trong đó có cơ sở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định đã kết hợp cùng các trường THCS trên địa bàn, tổ chức định hướng nghề nghiệp cho các bạn học sinh. Hoạt động hướng nghiệp thông qua các hội thảo tâm lý và chia sẻ định hướng nghề nghiệp đã giúp học sinh có thêm cái nhìn tổng quan về các ngành nghề đang được quan tâm ở thời điểm hiện nay.

Tại thành phố Đà Nẵng, Phổ thông Cao đẳng-FPT Polytechnic đã tổ chức Hội nghị “Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho phụ huynh & học sinh lớp 9 trên địa bàn quận Thanh Khê”. Tại hội nghị, Tiến sĩ Tâm lý Hoàng Thế Hải, giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng đã dành nhiều thời gian để nói về tầm quan trọng của việc lựa chọn ngành nghề học, cách thức phát hiện thế mạnh của bản thân, nuôi dưỡng ước mơ nghề nghiệp và phát triển nghề nghiệp.

Tiến sĩ Hải chia sẻ: “Việc kết hợp mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa là một điểm rất quan trọng, giảm áp lực các môn học, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này giúp học sinh ở độ tuổi 15+ vừa tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng năng mềm để sau khi hoàn thành khóa học có thể xin việc ngay tại công ty hoặc doanh nghiệp khác.”

Được biết, hướng nghiệp thông qua các hội thảo tâm lý và chia sẻ định hướng nghề nghiệp là hoạt động được tổ chức thường niên tại Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic với mục tiêu thông tin đến phụ huynh những kiến thức cần thiết trong việc chọn trường cho con. Chuỗi hội thảo “Định hướng phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS” là sự kiện gây sốt trong cộng đồng phụ huynh khắp mọi miền. Đây là cơ hội tuyệt vời để phụ huynh có thể nắm bắt, tham vấn và lựa chọn môi trường học phù hợp cho con.

Chuỗi hội thảo hướng nghiệp “Định hướng phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS” thông qua các hội thảo tâm lý nhằm giải quyết vấn đề hóc búa xoay quanh việc lựa chọn nghề nghiệp cho con. Qua đó giúp phụ huynh đưa ra quyết định đúng đắn nhất khi cùng con lựa chọn con đường các bạn sẽ đi trong tương lai. Chọn một công việc phù hợp với năng lực và tính cách của bản thân, nhiều cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc tốt và an toàn.

Thạc sỹ Nguyễn Duy Linh, Giám đốc Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic - Huế (Thừa Thiên Huế) cho biết, Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic là chương trình đào tạo thực tiễn của Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, tuyển sinh đối tượng người học sau THCS có nhu cầu hướng nghiệp sớm, theo chủ trương phân luồng được cụ thể hóa trong đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo quyết định số 522/QĐ-TTg và gần đây nhất là Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quyết định số 2239/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.

“Việc định hướng phân luồng giúp các bạn học sinh có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn và phù hợp với bản thân, được trải nghiệm môi trường học tập tại Phổ thông Cao đẳng - FPT Polytechnic, được tư vấn kỹ năng cần thiết về tâm lý, sức khỏe, nhu cầu nhân lực trong tương lai,...”, Thạc sỹ Linh cho hay.

Một buổi hướng nghiệp tại Trường THCS Phú Dương, Huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế).
Một buổi hướng nghiệp tại Trường THCS Phú Dương, Huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế).

Đẩy mạnh công tác tư vấn

Năm học 2022-2023 đã đi qua được 1/2 chặng đường. Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS cũng đang được nhiều trường trên địa bàn TPHCM triển khai mạnh mẽ. Qua đó góp phần giúp các em có sự lựa chọn đúng đắn về tương lai, nghề nghiệp cho mình.

Thầy Phan Minh Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Gò Xoài (huyện Bình Chánh) cho biết: Kế hoạch giáo dục hướng nghiệp được nhà trường xây dựng ngay từ đầu năm học. Nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền tới học sinh và phụ huynh về vấn đề này. Đồng thời phân công giáo viên dạy hướng nghiệp theo chương trình và cử cán bộ quản lý phụ trách. Phát huy vai trò của thầy cô chủ nhiệm lớp trong việc tuyên truyền, huy động giáo viên bộ môn lồng ghép vào các nội dung dạy học có liên quan.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng phối hợp và mời các trường dạy nghề trên địa bàn TPHCM, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Bình Chánh về trường gặp gỡ, giới thiệu, tư vấn nghề nghiệp cho các em thông qua giờ sinh hoạt dưới cờ hay trong buổi họp phụ huynh. Công tác giáo dục hướng nghiệp được thực hiện liên tục chứ không phải đợi đến cuối năm mới triển khai.

“Thông qua các buổi tọa đàm hướng nghiệp, học sinh được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của giáo viên trường nghề, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên để trao đổi thông tin về các loại hình đào tạo nghề đang được quan tâm hiện nay. Đồng thời giải đáp những thắc mắc, băn khoăn về nghề nghiệp và hướng đi trong tương lai”, thầy Trung cho hay.

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, hàng năm, trung tâm tuyển sinh của trường đã tới nhiều trường THCS tại quận 12, quận Gò Vấp và huyện Hóc Môn. Với những em tốt nghiệp THCS khi vào trường sẽ gọi là hệ 9+. Cơ hội việc làm cho học sinh hệ 9+ sau khi ra trường là rất lớn. Bởi thực tế tình trạng thiếu lao động kỹ thuật đã tồn tại trong thời gian dài và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ