Lịch sử máy bay Tu-154 của Nga

Lịch sử máy bay Tu-154 của Nga

(GD&TĐ) - Chiếc máy bay Tupolev-154B (Tu-154B) chở 135 hành khách cùng phi hành đoàn bị nổ tung khi vừa hạ cánh ngày 1/1/2011 tại thành phố Surgut là một trong những niềm tự hào của người Nga và Liên Xô (cũ) trước đây. Tu-154B là một trong các phiên bản của máy bay Tu-154, loại máy bay chở khách của Liên Xô được thiết kế từ giữa thập niên 1960, và từng đóng vai trò quan trong trong lịch sử vận tải hàng không của Liên Xô và thế giới.

>>>Cận cảnh máy bay Nga nổ tung trên đường băng (02/01/2011)

Đây là loại máy bay hành khách Liên Xô được phát triển để đáp ứng yêu cầu của hãng hàng không quốc gia Aeroflot, thay thế cho loại máy bay Tu-104 sử dụng động cơ phản lực, và Antonov An-10 cùng Ilyushin Il-18 sử dụng động cơ phản lực cánh quạt. Bộ công nghiệp và hàng không Liên xô đã lựa chọn Tu-154 bởi nó được tích hợp những thiết kế mới nhất của ngành hàng không Xô viết thời đó, và đáp ứng các yêu cầu của hãng hàng không quốc gia Liên Xô Aeroflot cho thập niên 1970 và 1980. Tu-154 được thiết kế để hoạt động trên các đường băng không trải nhựa hay rải sỏi, và có thể hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt vùng Bắc cực nước Nga.

Về cơ bản, Tu-154 được coi là tương tự như máy bay Boeing 727 của Mỹ, nhưng có tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lớn hơn loại Boeing 727, có tính năng hoạt động cao hơn, dù với hiệu suất sử dụng nhiên liệu thấp hơn. Cabin hành khách có sức chứa 128 người khi bố trí hai hạng và 164 người đồng hạng, và lên tới 180 người khi bố trí chật. Cabin của Tu-154, dù cùng kiểu bố trí sáu ghế, nhưng mại lại cảm giác nội thất hình oval với trần thấp hơn so với các loại máy bay chở khách phương Tây (Boeing hay Airbus). Các cửa hành khách và khoang hành lý phía trên chỗ ngồi của máy bay Tu-154 cũng nhỏ hơn các đối thủ phương Tây.

Máy bay Tu-154 cất cánh lần đầu ngày 4/10/1968, và đi vào hoạt động thương mại từ tháng 2/1972. Sau đó, Tu-154 còn được hiện đại hóa vào năm 1986, với động cơ mới và các thiết bị giúp tiết kiệm nhiên liệu và điều khiển chuyến bay. Chiếc máy bay Tu-154 trong nhiều thập kỷ từng là xương sống của hệ thống hàng không Liên Xô và sau này là Nga. Tu-154 là máy bay chuyên chở 137.5 triệu khách của hãng Aeroflot và các công ty con của nó mỗi năm. Loại máy bay chủ lực của các hãng hàng không Liên Xô này cũng đã được xuất khẩu và sử dụng bởi ít nhất 17 hãng hàng không thế giới. Đã có khoảng 1000 chiếc Tu-154 được chế tạo.

Là một trong những loại máy bay dân sự quan trọng nhất thế kỷ 20, nhưng sau hơn một phần tư thế kỷ hoạt động trong hệ thống hàng không nhiều quốc gia, Tu-154 được coi đã trở nên lỗi thời về mặt thiết kế. Năm 2006 Nga đã có những thông báo chấm dứt sản xuất máy bay Tu-154, nhưng tháng 1 năm 2009 việc sản xuất hạn chế model Tu-154M vẫn được duy trì.

Về mặt an toàn hàng không, kể từ khi đi vào hoạt động, đến nay đã có ít nhất 63 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan tới những chiếc máy bay Tu-154, trong đó có 36 vụ gây thiệt hại nhân mạng. Tuy nhiên, theo chuyên gia về hàng không Nga Paul Duffy, phần lớn những vụ tai nạn trên là do Tu-154 hoạt động trong các khu vực không được kiểm soát không lưu và thiết bị dẫn đường tốt, và điều kiện thời tiết rất khó khăn. Một số vụ tai nạn hầu như không có quan hệ gì đến tình trạng kỹ thuật của máy bay. Trong đó, năm chiếc Tu-154 đã bị kẻ thù hoặc khủng bố bắn rơi ở Li-băng, Gruzja và Afghanistan trong các cuộc nội chiến ở các nước đó.

Trong vụ tai nạn máy bay Tu-154 chở Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski tháng 4/2010, lực lượng không quân Nga cho biết, nhân viên kiểm soát không lưu đã yêu cầu hướng chuyến bay tới một sân bay khác để tránh sương mù, nhưng các phi công đã không làm theo. Và đó có thể là nguyên nhân khiến Máy bay vướng vào cây khi hạ độ cao và gây ra tai nạn.

Từ năm 2001, chính phủ một số nước đã quyết định rút Tu-154 ra khỏi hệ thống hàng không quốc gia. Trong khi đó, đây vẫn là loại máy bay chở khách tiêu chuẩn cho các đường bay nội địa của Nga và các nước cộng hoà thuộc Liên xô cũ, và Đông Âu. Tới tháng 4/2009 tổng cộng vẫn còn 263 chiếc máy bay Tu-154 mọi phiên bản vẫn đang hoạt động hàng không.

Dù vậy, gần đây hãng hàng không Aeroflot của Nga đã ra quyết định rút dần máy bay Tu-154 ra khỏi đội bay do loại máy bay này đã lạc hậu, bộc lộ những lỗi thiết kế và mức tiêu thụ nhiên liệu cao khiến máy bay không kinh tế. Từ tháng 1/2010, Aeroflot đã thôi sử dụng 23 chiếc Tu-154 để thay thế bằng các máy bay của Boeing và Airbus.

Và sau vụ tai nạn ở Siberia mới đây, chính phủ Nga vừa ra lệnh cho các hãng hàng không ngừng sử dụng tất cả các loại máy bay TU-154B. Các quan chức Nga cho biết lệnh cấm sử dụng máy bay Tu-154B này sẽ được duy trì cho tới khi nguyên nhân của vụ tại nạn thảm khốc vừa qua được làm rõ. Được biết, hộp đen và các tài liệu liên quan của chiếc máy bay bị nạn đang được nghiên cứu.

Vũ Anh Tuấn
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...