TS. Lê Thái Hà, 29 tuổi, tốt nghiệp đại học và tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế, Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore (xếp hạng đứng đầu châu Á và thứ 11 thế giới theo QS World University Ranking 2017).
Hà cho biết những năm đầu Đại học, cô không theo một chuyên ngành cụ thể nào mà học đa dạng nhiều môn chuyên ngành ở các lĩnh vực kinh tế nhằm có kiến thức tổng quát về nhiều mảng cũng như xem bản thân thực sự hứng thú với chuyên ngành gì.
Hoàn thành chương trình đại học sau ba năm rưỡi, lọt top 5% sinh viên xuất sắc của trường, Hà đứng trước những ngã rẽ của những chuyên ngành khi được học thẳng lên tiến sĩ. Cuối cùng, cô chọn đi sâu vào kinh tế năng lượng, môi trường.
"Môi trường là thứ tác động đến chúng ta hàng ngày: đất để ở, không khí để hít thở, nước để sinh hoạt…nên mọi thứ thay đổi từ chúng, dù là nhỏ nhất đều tác động đến chất lượng sống của con người. Tuy nhiên, chúng ta lại thường quên đi điều này mà chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP…về lâu dài, chúng ta sẽ gánh chịu những hậu quả to lớn mà không thể cứu vãn được", Hà nói.
Thông qua những nghiên cứu của mình, cô tin tưởng sẽ góp thêm tiếng nói để "cứu lấy" môi trường, tài nguyên – vấn đề nóng không chỉ của Việt Nam mà còn là mối lo chung của khu vực và toàn cầu. Kinh tế năng lượng và môi trường cũng là lĩnh vực cô được mời làm chuyên gia tư vấn cho Ngân hang Phát triển châu Á (ADB).
Lê Thái Hà đã hoàn thành chương trình tiến sĩ với thời gian là 2 năm, điều chưa từng xảy ra ở NTU, tính đến nay, với điểm PhD coursework CGPA là 4.92/5. Thông thường, thời gian làm PhD là khoảng từ 4 – 5 năm, ở Anh thường nhanh hơn, kéo dài trong 3 năm. Riêng học bổng nghiên cứu sinh do trường Đại học Công nghệ Nanyang cấp quy định kéo dài trong 4 năm.
"Quan trọng nhất là phải chọn được đề tài nghiên cứu phù hợp", Hà chia sẻ kinh nghiệm làm nghiên cứu sinh của mình. Cô cho biết bản thân đã dành thời gian đọc thật nhiều những thông tin ở các lĩnh vực khác nhau, liệt kê ra những chủ đề thấy thích thú, có tiềm năng cũng như tính khả thi nhất để thảo luận với giáo sư hướng dẫn nhằm có những lựa chọn phù hợp.
Sau khi đã chọn được chủ đề, theo Hà, cần triển khai các câu hỏi nghiên cứu về chủ đề muốn trả lời trong bài, tìm các dữ liệu và cách tiếp cận, phương pháp phân tích.
"Một cách rất hữu hiệu là nghiên cứu kỹ các bài báo khoa học liên quan có chất lượng xem mình có thể học hỏi và phát triển thêm được gì từ đó", Hà nói.
Và sau khi bản nháp bài nghiên cứu đã được hoàn thiện, Hà cho biết đã thảo luận với giáo sư hướng dẫn hoặc nếu có điều kiện, cô trình bày chúng tại các hội thảo khoa học để có được những đánh giá và nhận xét để sửa bài tốt hơn.
"Sau đó là nộp bài tới một báo uy tín và phù hợp với nội dung nghiên cứu. Quá trình nộp bài và nhận được phản hồi không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng nhưng điều đó là cần thiết đề học hỏi và sửa bài cho tốt hơn, đạt đến bước nhận thành quả là có một công bố quốc tế uy tín. Khi đã có những bài báo tốt, việc thuyết phục hội đồng chấm luận án cho tốt nghiệp không còn là việc khó khăn nữa", Lê Thái Hà chia sẻ kinh nghiệm.
Tính đến thời điểm hiện tại, TS. Lê Thái Hà có khoảng 15 bài báo thuộc danh mục ISI (Institute for Scientific Information, Hoa Kỳ). Trong đó gần một nửa bài báo thuộc các tạp chí xếp hạng A và A+ bởi Australian Business Deans Council như Energy Economics, Energy Policy, Applied Economics, và các tạp chí ở nhóm Quartile 1 xếp hạng bởi Scopus Ranking như Resources Policy, Renewable Energy.
Theo ghi nhận của Dự án Nghiên cứu Repec, Hà là một trong hai nữ chuyên gia kinh tế Việt Nam có nhiều bài đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín. Cũng theo bảng xếp hạng này, vị thứ của cô xếp thứ 5.
Các nghiên cứu của Hà về Việt Nam xoay xung quanh các vấn đề về thương mại, đầu tư nước ngoài và năng lượng.
Tuy nhiên, trái với số liệu tương đối công khai, có sẵn về thương mại, đầu tư nước ngoài thì dữ liệu ngành năng lượng rất khó khăn, dẫn đến việc hạn chế trong quá trình nghiên cứu.
Thời gian gần đây, Hà cho biết cô đang nghiên cứu về vấn đề sử dụng Hệ thống năng lượng mặt trời ở TP. Hồ Chí Minh. Bài nghiên cứu này sắp được công bố trên tạp chí Renewable Energy.
Mỗi bài nghiên cứu, đối với TS. Hà đều như một đứa con tinh thần, được cô hết mực trân trọng. Tuy nhiên, cô cho biết bản thân chưa thực sự hài lòng nhất với bài nào bởi lẽ "không có nghiên cứu nào là hoàn hảo". Không hoàn hảo cũng chính là vẻ đẹp bởi lẽ nó đẩy người làm khoa học vào tâm thế luôn tìm cách khắc phục, nỗ lực để làm tốt hơn nữa. "Khoa học vì thế luôn phát triển, tìm ra các giải pháp tối ưu hơn", Hà nói.
Ngoài thời gian cho công việc chuyên môn, phần lớn thời gian nữ giảng viên trẻ dành cho tổ ấm của mình, đặc biệt là chăm sóc cho cậu con trai mới hơn 7 tháng tuổi.
Không có thời gian biểu cố định hàng ngày, nữ tiến sĩ cho biết cô sắp xếp công việc dựa vào mức độ ưu tiên. Đơn cử, như ở giai đoạn viết báo cáo khoa học, cô sẽ để phần nhiều thời gian cho nghiên cứu, làm việc. "Điều này cũng xảy ra khi tôi bỗng nhiên có nhiều cảm hứng về một ý tưởng khoa học nào đó", cô nói.
Hà luôn quan niệm cân bằng cuộc sống là yếu tố quan trọng cho việc phát triển bền vững của bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Bởi cho dù nghiên cứu là sở thích, đam mê nhưng không thể nào tránh khỏi những phút giây mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí là bị "bẻ gãy".
Những lúc như thế người phụ nữ trẻ lại tìm về bên gia đình, chơi cùng con, đi thăm bố mẹ, cùng chồng du lịch hay đơn giản là cùng chồng làm những công việc vặt trong nhà. "Quan trọng là có được thời gian bên nhau, sau những phút như vậy, tôi cảm thấy mình lại được nạp thêm năng lượng", Hà tâm sự.
Ưa thích câu nói của Benjamin Franklin – chính trị gia và cũng là nhà khoa học nổi tiếng: "Let all your things have their places; let each part of your business have its time." (tạm dịch: sắp xếp mọi thứ theo trật tự và phân chia công việc theo thời gian dành riêng), phương châm sống của nữ tiến sĩ trẻ cũng như vậy.
Bởi, cuộc sống vốn có rất nhiều việc cần quan tâm mà thời gian thì có hạn, nhưng nếu biết sắp xếp mọi thứ theo trật tự và phân chia công việc theo thời gian riêng một cách hợp lý thì sẽ có thể làm được nhiều việc mà vẫn có cuộc sống cân bằng.