Tuy nhiên, việc đào tạo nhân sự đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là không thể thực hiện được. Đây cũng là bài toán cho đào tạo ngắn hạn và đào tạo thường xuyên.
Những bài học không có trong sách vở
Trần Thị Nga, cô gái 20 tuổi quê ở Hà Tĩnh chia sẻ: Tốt nghiệp THPT, cô mong muốn được đi làm và tạo lập cuộc sống cho riêng mình. Được giới thiệu đến hệ thống Meat Plus để làm công việc phục vụ bàn, sau khi nộp hồ sơ và vượt qua vòng tuyển chọn, Nga được doanh nghiệp đào tạo những kỹ năng, kiến thức cơ bản của nghề phục vụ bàn trong hệ thống.
Chương trình đào tạo chỉ kéo dài khoảng 15 ngày, tuy nhiên nội dung đào tạo lại rất cụ thể, bao gồm những kỹ năng gắn liền với nhu cầu phục vụ đặc trưng riêng biệt của nhà hàng. Nga cho biết, cô đã được học về cách nướng thịt bò trên bếp than, làm sao để miếng thịt chín đều, vừa tới, bên ngoài nhìn thấy màu sắc hấp dẫn, nhưng bên trong phải đạt được độ chín, đảm bảo giữ nguyên được vị ngọt của thịt bò tươi, học cách cầm kẹp và kéo để cắt thịt nướng ra thành những miếng vừa đủ, không quá to hoặc quá nhỏ, trình bày ngay trên khay nướng.
“Điều quan trọng nhất là những kỹ năng này đều được thực hiện ngay trước mặt khách hàng. Chính vì vậy sự chuyên nghiệp trong những kỹ năng sẽ tạo được cảm giác thích thú và ngon miệng đối với khách hàng” - Nga chia sẻ.
Bên cạnh đó, Nga cũng được học những kỹ năng liên quan như: Trao đổi với khách hàng về thực đơn, tư vấn chọn món ăn, cách bày biện sắp đặt những món ăn sao cho đẹp mắt, cách sử dụng hệ thống hút khói hút mùi ngay tại bàn...
Một điểm riêng biệt khác là nhà hàng luôn có những khách hàng là người Hàn Quốc, nên Nga cũng được đào tạo chút ít tiếng Hàn để có thể giao tiếp, phục vụ những đối tượng khách hàng này được tốt hơn. Cho đến nay, Nga đã làm công việc phục vụ bàn tại nhà hàng được gần một năm, mức lương được hưởng hiện nay là 5 triệu đồng/tháng làm toàn thời gian.
Khoảng trống trong đào tạo thường xuyên
Một lao động trẻ như Trần Thị Nga, khi bước chân vào thị trường lao động theo một cách tự nhiên như vậy có thể xem là một trường hợp khá may mắn. Bởi Nga đã được tiếp cận ngay với một doanh nghiệp dịch vụ, có bề dày kinh nghiệm trong việc tạo dựng nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhu cầu của chính họ. Thế nhưng, những doanh nghiệp có khả năng như vậy hiện không có nhiều, và tất nhiên cũng sẽ không có nhiều lao động trẻ may mắn được như Nga trong tiếp cận nghề nghiệp - việc làm.
Các báo cáo thống kê gần đây về nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ đều cho thấy, sự thiếu hụt nhân sự đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt thiếu về nhân viên bán hàng, marketing, lễ tân, phục vụ... Thực tế cũng cho thấy, ngay tại Hà Nội hiện nay có rất nhiều các cửa hàng, nhà hàng, dịch vụ thường xuyên treo biển tuyển dụng nhân viên, mức lương phổ biến từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn thì được biết, rất nhiều nhân sự đến xin việc đều không có được những kỹ năng cần thiết. Trong khi đó, các cửa hàng hoặc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hầu hết đều không có chương trình đào tạo cho nhân viên những kỹ năng thực tế, do họ không thể có đủ điều kiện để thiết kế và thực hiện được những chương trình đào tạo phù hợp. Chính vì vậy, tình trạng nhân sự đến rồi đi nhanh chóng, thường xuyên xảy ra. Điều này khiến doanh nghiệp khó phát triển, người lao động cũng khó có cơ hội để thăng tiến sự nghiệp.
Đây cũng chính là bài toán đặt ra cho đào tạo nghề thường xuyên hiện nay trong việc thúc đẩy cập nhật, nâng cao kỹ năng cho người lao động và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ có được nguồn lao động có kỹ năng hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.