Lào Cai khẳng định hướng đi đúng trong chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố Lào Cai ngày càng được nâng cao đã khẳng định hướng đi đúng trong triển khai chương trình GDPT mới.

Tiết Tiếng Việt của học sinh trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.
Tiết Tiếng Việt của học sinh trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.

Học sinh phát triển toàn diện

Chúng tôi đến trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) khi học sinh lớp 2 của trường đang có tiết Âm nhạc. Lời hát của các em cùng với tiếng nhạc cụ hòa vang sôi động.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Chúng tôi được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng được mục tiêu phát triển chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Các phòng học Âm nhạc, Tiếng anh, Tin học, Mỹ thuật được nhà trường bố trí để phù hợp với việc phát triển năng lực của từng em”.

Năm học này, trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ có 30 lớp với 1.047 học sinh. Là năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT mới, nhưng nhà trường vẫn thường xuyên quán triệt cán bộ giáo viên làm tốt công tác truyền thông về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) tới phụ huynh và cộng đồng. Cùng với đó, sẵn sàng đổi mới, chủ động trong việc tự học, tự bồi dưỡng về Công nghệ thông tin (CNTT) để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

“Phụ huynh hiểu được sự cần thiết phải đổi mới giáo dục để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong xu thế hội nhập. Cùng với đó, được tư vấn, hướng dẫn, tạo tâm thế tốt nhất cho con những hành trang cần thiết để tham gia học tập. Đặc biệt, phụ huynh đồng hành và thực hành cùng con trong việc kiểm soát tự học bằng sách mềm, ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đã góp phần quan trọng đem lại hiệu quả chất lượng” – cô Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.

Học sinh lớp 2 trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ vui vẻ trong tiết Âm nhạc.

Học sinh lớp 2 trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ vui vẻ trong tiết Âm nhạc.

Cùng với đó, cán bộ giáo viên được tự chủ trong kế hoạch giáo dục theo tổ khối chuyên môn, được đầu tư thiết bị tối thiểu để tổ chức dạy học cũng như các hoạt động giáo dục. Nhờ vậy, giáo viên sáng tạo trong nghiên cứu bài học nhằm phát huy tối đa năng lực của người học.

Cô Nguyễn Thanh Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A1, trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: “Học sinh được hướng dẫn cách học, được trải nghiệm để phát huy vốn sống, ứng dụng điều đã học và cuộc sống hằng ngày. Cùng với đó, học sinh được giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống song hành cùng dạy kiến thức giúp các em có cơ hội để phát triển toàn diện”.

“Cán bộ giáo viên toàn trường luôn phát huy thế mạnh trong việc tổ chức các hoạt động dạy học với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Qua đó, tạo tiền đề cho học sinh biết cách làm việc cá nhân, cặp đôi và nhóm một cách hiệu quả. Qua việc khảo sát đối chứng, chất lượng giáo dục từ lớp 1 - 3 ngày càng được nâng cao” – cô Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ.

Trường THCS Bình Minh, thành phố Lào Cai hiện có 9 lớp với 341 học sinh. Theo cô Lã Hồng Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, sau 2 năm triển khai Chương trình GDPT mới đã được phụ huynh quan tâm và ủng hộ đến việc thực hiện đổi mới. Nhà trường cũng đã linh hoạt trong phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch dạy và học theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy cho tất cả các môn.

“Đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có khả năng tiếp cận chương trình, phương pháp dạy học đổi mới. Qua đó, chất lượng 2 mặt giáo dục của nhà trường đạt và vượt chỉ tiêu đề ra” – cô Lã Hồng Minh chia sẻ.

Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai cho biết: “Các cơ sở giáo dục đã làm tốt công tác tự chủ kế hoạch giáo dục, đầu tư trang thiết bị đồ dùng dạy học, tích cực đổi mới. Cùng với đó, ứng dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, các phần mềm tiện ích để việc dạy học trở nên phù hợp với học sinh. Qua đó, giúp các em thích ứng với việc học tập trong không gian mở để phát huy hết khả năng của bản thân”.

Tiết học của cô trò trường THCS Bình Minh.

Tiết học của cô trò trường THCS Bình Minh.

Sẵn sàng cho năm học tới

Từ những kết quả đạt được, hiện ngành GD&ĐT thành phố Lào Cai đang chuẩn bị tốt các điều kiện cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy lớp 4, 8 theo Chương trình GDPT mới.

Cô Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: “Để chuẩn bị cho triển khai Chương trình đối với lớp 4 trong năm học tới, cán bộ, giáo viên đã chủ động trong khâu tự bồi dưỡng về nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục gắn với phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại. Đồng thời, bồi dưỡng CNTT, ứng dụng các phần mềm trong quản trị nhà trường, trong dạy học và kiểm soát chất lượng”.

“Tôi đã được tiếp cận và đọc thông tin tài liệu về đổi mới chương trình, SGK. Đồng thời, với nhiều năm kinh nghiệm trong dạy học sinh lớp 4 và qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tôi đã sẵn sàng tâm thế cho việc đổi mới chương trình” – cô Trần Thị Kim Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A1 cho biết.

Cũng theo Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, việc dạy học 2 buổi trên ngày đang dẫn tới việc giáo viên dạy quá số tiết theo định mức quy định. “Chúng tôi mong muốn có cơ chế, chính sách cho giáo viên tiểu học dạy 2 buổi/ ngày để đảm bảo quyền lợi. Cùng với đó, thời gian làm việc đủ theo định mức để cán bộ, giáo viên có thời gian tự học, tự bồi dưỡng cũng như tái tạo sức lao động để cống hiến”.

Tiết thể dục của thầy trò trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.

Tiết thể dục của thầy trò trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ.

Còn cô Nguyễn Minh Huệ, Hiệu trưởng trường THCS Bình Minh cho biết: “Chuẩn bị cho triển khai chương trình mới với lớp 8, chúng tôi huy động sự hỗ trợ của lãnh đạo ngành, địa phương, phụ huynh để tiếp tục nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu thực tế của nhà trường. Động viên giáo viên thực hiện tốt công tác dạy học, tạo điều kiện cho tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, đáp ứng kịp thời việc đổi mới trong năm học tới”.

Bà Trần Thị Thùy Dung cho biết: “Để có được hiệu quả trong triển khai Chương trình GDPT mới, Phòng GD&ĐT thành phố sẽ tiếp tục tập trung bồi dưỡng, tập huấn, tổ chức các chuyên đề tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời cho cán bộ giáo viên. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp từng đối tượng học sinh với thực tiễn của từng trường”. Cùng với đó, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt, ứng dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, phát hiện, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ