Lai Châu tập trung nguồn lực đầu tư cho Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, tỉnh Lai Châu đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo cho thực hiện Chương trình GDPT mới.

Nguồn xã hội hóa có vai trò quan trọng trong đầu tư cơ sở vật chất cho trường học ở Lai Châu.
Nguồn xã hội hóa có vai trò quan trọng trong đầu tư cơ sở vật chất cho trường học ở Lai Châu.

Từng bước củng cố cơ sở vật chất

Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Lai Châu đã tập trung nguồn lực để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.

Ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực để chuẩn bị điều kiện và thực hiện Chương trình theo đúng lộ trình.

Theo NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo lồng ghép, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nhờ đó, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng ưu tiên, có chọn lọc bổ sung từng bước đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

“UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành chức năng ưu tiên kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với mỗi hạng mục cần thiết và cấp thiết. Yêu cầu đầu tư phải đồng bộ, quy mô, thiết kế phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, chỉ đạo phối hợp thực hiện lồng ghép có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục” – NGƯT Đinh Trung Tuấn chia sẻ.

Trường phổ thông DTBT THCS Thu Lũm, huyện Mường Tè được đầu tư xây dựng khang trang.

Trường phổ thông DTBT THCS Thu Lũm, huyện Mường Tè được đầu tư xây dựng khang trang.

Cùng với đó, bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2025, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã từng bước củng cố hoàn thiện, đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Trong đó, ưu tiên bố nguồn lực đầu tư xây dựng khối phòng học tập với tổng số 7.261 phòng. Xây dựng 338 phòng thư viện, thiết bị giáo dục và 28 phòng tư vấn học đường, 1.944 phòng nội trú học sinh, 210 nhà bếp, 176 nhà ăn. Hơn 1.200 khu phụ trợ (phòng y tế trường học, khu vệ sinh) được đầu tư xây mới.

Đến nay, 100% trường mầm non cơ sở vật chất đủ đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày. Phòng dạy các khối lớp theo Chương trình GDPT 2018 đáp ứng nhu cầu học 2 buổi mỗi ngày. Trang thiết bị dạy học được mua sắm bổ sung hằng năm theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học của các cơ sở giáo dục.

UBND tỉnh Lai Châu cũng đã bố trí kịp thời nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các điều kiện đảm bảo triển khai Chương trình GDPT 2018. Chỉ đạo lồng ghép kinh phí các Chương trình, Đề án để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT giai đoạn 2015 – 2021 với tổng số tiền 424,2 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương trên 282 tỷ đồng.

NGƯT Đinh Trung Tuấn cho biết: “Các chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện để phát triển giáo dục, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ đó, quy mô mạng lưới trường, lớp ổn định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, bổ sung, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên”.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục

Dù được chú trọng đầu tư nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh còn khó khăn nên ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu luôn đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục.

Học sinh trường phổ thông DTBT Tiểu học xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn nhận quà từ thiện.

Học sinh trường phổ thông DTBT Tiểu học xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn nhận quà từ thiện.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, trong những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh được chú trọng, đẩy mạnh và đạt được những thành công nhất định. Toàn tỉnh hiện có 1 trường mầm non tư thục và 12 nhóm, lớp trẻ tư thục đáp ứng một phần nhu cầu học tập của nhân dân.

Từ năm 2019 đến nay, toàn ngành đã huy động được nhiều nguồn lực tài trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước với tổng số tiền được tài trợ hơn 197 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất. Trong đó, có gần 300 phòng học kiên cố, hơn 150 phòng học bán trú cho học sinh và hàng nghìn bộ sách giáo khoa, vở viết, máy tính... Từ đó, góp phần phục vụ nhu cầu học tập cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tính riêng năm 2021, tỉnh Lai Châu tiếp nhận hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm 168 bộ máy tính cho 8 trường tiểu học thuộc 4 huyện (Phong Thổ; Sìn Hồ; Nậm Nhùn; Mường Tè) với số tiền 1,894 tỷ đồng. Tập đoàn Him Lam tài trợ thiết bị phòng học kết nối cho 152 phòng học với mức kinh phí 10 tỷ đồng.

Đồng thời, các cơ sở giáo dục đã tích cực, chủ động huy động sự đóng góp, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm để bổ sung, cải tạo, tu sửa cơ sở vật chất, trường lớp học, đồ dùng, thiết bị dạy học, SGK, giấy vở viết, đồ dùng sinh hoạt và nuôi dưỡng học sinh...

Phụ huynh trường Mầm non Nậm Chà đóng góp ngày công lao động xây dựng cơ sở vật chất cho trường.

Phụ huynh trường Mầm non Nậm Chà đóng góp ngày công lao động xây dựng cơ sở vật chất cho trường.

Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, việc thực hiện xã hội hóa SGK từ nguồn của nhân dân còn hạn chế. Chủ yếu dưới hình thức nhà trường tuyên truyền để phụ huynh nhượng lại sách đã qua sử dụng cho học sinh lớp sau.

Trước tình hình đó, một số trường vùng đặc biệt khó khăn đã đẩy mạnh công tác vận động các nhà hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ SGK mới vào thư viện nhà trường để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng.

Cùng với đó, vận động đối tượng học sinh hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81 sử dụng khoản tiền Nhà nước hỗ trợ 150.000đồng/tháng để mua SGK, đồ dùng học tập. Đảm bảo 100% học sinh có đủ SGK trước khi bước vào năm học mới.

NGƯT Đinh Trung Tuấn chia sẻ: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội trong đầu tư cơ sở giáo dục. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào quá trình xã hội hóa giáo dục, như: đầu tư trường lớp, bàn ghế, SGK, vở viết và ngày công lao động công ích của phụ huynh đối với trường ở nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đồng thời, tiếp tục phát triển loại hình trường, lớp ngoài công lập phục vụ nhu cầu học tập của học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.