Giữ chân trò nghèo ở vùng cao Lai Châu

GD&TĐ - Trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì đã linh hoạt giải pháp để làm tốt công tác chăm sóc bán trú. Nhờ đó, sĩ số học sinh luôn được duy trì ổn định.

Học sinh bán trú trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì.
Học sinh bán trú trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì.

Đảm bảo chế độ dinh dưỡng

Nậm Pì là xã đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn, được tách ra từ xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ. Với xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp, địa bàn dân cư rải rác, đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào Mông và Mảng. Hiện trên địa bàn có 622 hộ thì có 391 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ là 62,7%) và 60 hộ cận nghèo.

Trường THCS Nậm Pì có 219 học sinh, trong đó, có 200 em ở bán trú. Để đảm bảo duy trì sĩ số lớp học, nhà trường luôn thực hiện tốt công tác chăm sóc học sinh bán trú ăn, ở tại trường.

Bữa cơm bán trú của học sinh trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì.

Bữa cơm bán trú của học sinh trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì.

Thầy Cao Hồng Thanh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để giữ chân học trò, chúng tôi phải làm tốt công tác bán trú. Các em ăn, ở, học tập và sinh hoạt tại trường một cách thoải mái sẽ là động lực để giữ các em ở lại”.

Với 100% là học sinh người dân tộc thiểu số, các em được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP với mức 596 nghìn đồng và 15kg gạo mỗi tháng/9 tháng thực học.

“Học sinh người Mông của nhà trường còn được hưởng chế độ Hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, trong 9 tháng học, các em sẽ được hưởng 150 nghìn đồng mỗi tháng” – thầy Thanh cho biết.

Em Sìn Thị Định, học sinh lớp 8B cho biết: “Em là học sinh người Mảng, một trong những dân tộc rất ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu nên được hưởng chế độ theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP. Theo đó, mỗi tháng em sẽ được hưởng 894 nghìn đồng và 15 kg gạo”.

Theo Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT THCS Nậm Pì, để đảm bảo chế độ ăn bán trú, học sinh người Mảng sẽ đóng góp số tiền ăn bằng chế độ của Nghị định 116 là 596 nghìn đồng. Số tiền còn lại, nhà trường chi trả cho các em và được phụ huynh ký nhận.

Theo thầy Lê Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng, phụ trách công tác bán trú của trường cho biết, với độ tuổi học sinh THCS là thời kỳ cơ thể đang phát triển nhanh, vận động nhiều, cường độ học tập cao hơn nên nhu cầu dinh dưỡng khá cao. Tuy nhiên, về chế độ hỗ trợ của các em mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu về nhu cầu dinh dưỡng của lứa tuổi.

Thầy Lê Anh Tuấn (áo xanh) kiểm tra số gạo hỗ trợ học sinh vừa tiếp nhận.

Thầy Lê Anh Tuấn (áo xanh) kiểm tra số gạo hỗ trợ học sinh vừa tiếp nhận.

Thầy Tuấn chia sẻ: “Nhà trường đã khắc phục bằng nhiều cách nhằm hạn chế việc giảm số tiền ăn trung bình trong một ngày của học sinh để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các em. Nếu như bình thường, phải trích tiền mua củi để đun nấu từ tiền ăn của học sinh thì hiện tại nhà trường đã tự túc nguồn củi đun đó bằng việc cho học sinh đi lấy củi ở khu vực gần trường hay phụ huynh đóng góp”.

Bên cạnh đó, nhà trường đã hướng dẫn học sinh tăng gia trồng rau, chăn nuôi để bổ sung nguồn thực phẩm cho các bữa ăn bán trú của mình.

Hạn chế tác động của hủ tục

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì các tập tục, phong tục, hủ tục là khá phổ biến. Với hình thức và mức độ ảnh hưởng khác nhau đã gây không ít khó khăn cho hoạt động giáo dục tại các nhà trường.

Thầy Cao Hồng Thanh chia sẻ: “Ảnh hưởng của tập tục, hay những hủ tục ảnh hưởng ở nhiều cấp học chứ không chỉ đối với bậc học THCS. Các tập tục như cúng ma, cấm bản, làm lý, cưới xin… cùng với hoạt động sinh hoạt tôn giáo của đồng bào đã ảnh hưởng tới việc đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, đặc biệt là ngày lễ, ngày sinh hoạt tôn giáo”.

Trước thực trạng đó, nhà trường đã tuyên truyền sâu rộng tới các bậc phụ huynh về công tác giáo dục. Chỉ ra hậu quả của việc các gia đình cho con em nghỉ học. Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động có tính tập thể, văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao…

Học sinh trồng và chăm sóc vườn rau để cải thiện bữa ăn bán trú.

Học sinh trồng và chăm sóc vườn rau để cải thiện bữa ăn bán trú.

“Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức giao lưu với các trường bạn. Những hoạt động thi gói bánh giầy, cỗ Tết, cỗ Trung thu huy động được học sinh tham gia… Qua đó, tạo cho các em sự nhanh nhẹn, linh hoạt, tính quyết đoán, tự tin và tinh thần tập thể. – thầy Thanh nói.

Đồng thời, nhà trường tổ chức trồng rau, chăn nuôi cho các em học sinh theo từng lớp, theo kế hoạch của Liên đội. Nhờ đó, vừa tạo nguồn kinh phí để các lớp, liên đội tổ chức các hoạt động, vừa giúp học sinh thi đua lẫn nhau, rèn luyện được các kỹ năng lao động và rèn luyện sức khỏe.

Chính vì vậy, nhà trường đã triển khai quyết liệt việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng hướng nghiệp cho các em học sinh lớp 9. Qua đó, giúp các em có thể lựa chọn con đường đi đúng nhất, phù hợp với bản thân.

“Phương pháp giáo dục của nhà trường cũng rất quan trọng. Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học theo Chương trình GDPT mới, mỗi giáo viên phải tự biết đổi mới phương pháp để khơi gợi hứng thú cho học sinh. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ , thể thao để thu hút các em tham gia. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần được được duy trì ở mức cao” – thầy Thanh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.