Lào Cai còn nhiều lớp học dột nát cần tiếp tục hỗ trợ

Lào Cai còn nhiều lớp học dột nát cần tiếp tục hỗ trợ

(GD&TĐ)- Trong 2 ngày 24 và 25/6, đoàn kiểm tra liên bộ GD-ĐT và Tài chính tiếp tục kiểm tra tình hình thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 tại tỉnh Lào Cai.

Điều kiện khó khăn về CSVC gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu Giáo dục 

HT Ma Thị Xuân (trái) và Phó Cục trưởng Cục CSVC-TBTT-ĐCTE Bộ GD-ĐT Phạm Hùng Anh (phải) trước một gian nhà lớp học tạm của Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên. ảnh, gdtd.vn
HT Ma Thị Xuân (trái) và Phó Cục trưởng Cục CSVC-TBTT-ĐCTE Bộ GD-ĐT Phạm Hùng Anh (phải) trước một gian nhà lớp học tạm của Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên. ảnh, gdtd.vn

Đoàn kiểm tra đã trực tiếp khảo sát thực tế CSVC của một số trường học tại 3 huyện Bảo Yên, Bảo Thắng và Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Qua kiểm tra, tuy Lào Cai thực hiện triển khai rất tốt tiến độ của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 nhưng tại đây vẫn còn nhiều trường học, điểm trường còn đến hơn nửa là phòng học tạm, phòng học cấp 4, tranh tre nứa lá.

Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên là một điển hình. Hiệu trưởng Ma Thị Xuân cho biết, Trường đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt Chuẩn quốc gia từ năm 2001; Trường nằm trong danh mục đầu tư đã được phê duyệt của Đề án giai đoạn 2008-2012, theo kế hoạch, năm 2011 sẽ khởi công xây mới một dãy nhà lớp học. Do vậy, đầu năm học 2010-2011, do xuống cấp, trường đã phá dỡ một dãy nhà cấp 4 để thực hiện san nền chuẩn bị mặt bằng cho dự án.

Tuy nhiên, sau phá dỡ và san nền, dự án phải ngừng khởi công do nguồn vốn của Đề án phân bổ về cho Lào Cai đã hết. Gói thầu san nền trị giá trên 250 triệu đồng này được địa phương thực hiện bằng nguồn vốn Ngân sách địa phương. Trong thời gian đó, nhà trường đã xây dựng 3 phòng học tranh tre nứa lá để học tạm. Trong năm học 2011-2012 tới đây, do tăng sĩ số, nên nhà trường phải xây dựng thêm 2 phòng học tạm nữa. Sẽ có 160 học sinh của nhà trường sẽ phải tiếp tục học trong 5 phòng học tạm này.

Hiệu trưởng Xuân cho biết, do là phòng học tạm nên các điều kiện quạt gió, ánh sáng, giữ ấm cho học sinh vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè rất hạn chế. Trong những ngày mưa lớn, HS và giáo viên ở phòng học tạm phải tạm ngừng học để tránh mưa. Hơn thế nữa, do không thể giảng dạy 2 buổi/ngày đã ảnh hưởng đến mục tiêu chung PCGDTHĐĐT cấp độ 2 tuổi của thị trấn. Bởi theo quy định, phải đảm bảo 50% HS Tiểu học trên địa bàn được học 2 buổi/ngày mới được công nhận PCGDTHĐĐ cấp độ 2.

Nhiều nơi cả GV và HS phải học và ở nhà tạm dột nát

Không riêng trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên, nhiều trường khác ở hai huyện Bảo Thắng và Bát Xát mà đoàn trực tiếp đến khảo sát hiện trạng vẫn còn tình trạng học sinh học trong các phòng học tạm, nhà tạm. Điều đáng lưu ý là các trường này đều nằm trong Đề án giai đoạn 2008-2012 và có kế hoạch khởi công xây dựng nhưng phải dừng lại do hết nguồn vốn.

Hiện trạng dột nát của nhà lớp học tre nứa tại cụm trường THCS-Tiểu học xã A Lú của huyện Bát Xát. Ảnh, gdtd.vn
 Hiện trạng dột nát của nhà lớp học tre nứa tại cụm trường THCS-Tiểu học xã A Lú của huyện Bát Xát. Ảnh, gdtd.vn

Trường THCS Thượng Hà, huyện Bảo Thắng có 3 lớp học tranh tre dột nát và 6 phòng trú cũng tạm bợ và cũ nát với 30 học sinh bán trú trong năm học vừa qua.

Trường Mầm non Hoa Mai, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng có tới 14 phòng học ở 7 điểm trường lẻ, 3 phòng bán kiên cố ở trường chính. Tại các điểm trường lẻ, có 7 phòng học tạm, 7 phòng học nhờ, mượn của cấp Tiểu học. Năm học 2011-2012, trường sẽ nhận 333 cháu vào học, trong đó có 22 cháu học lớp Mầm non 5 tuổi.

Ông Phạm Văn Huynh, phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết, trường Mầm non Hoa Mai là công trình thuộc danh mục đề nghị tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng trong giai đoạn tới 2012-2015 của Đề án. Hiện cấp có thẩm quyền đã quy hoạch trường vào mạng lưới trường lớp học của tỉnh; đồng thời tỉnh đã giao đất và phê duyệt phương án đầu tư xây dựng hạng mục san nền dự án này với kinh phí trên 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Trong các trường mà đoàn đã khảo sát thực tế thì CSVC của cụm trường THCS-Tiểu học xã A Lú của huyện Bát Xát có lẽ là tạm bợ và dột nát nhất. Toàn trường THCS A Lú có phòng học thì toàn bộ 4 phòng học tranh tre nứa lá dột nát. Cụm trường này có 40 giáo viên ở xa được điều chuyển về đây giảng dạy nên toàn bộ những giáo viên này đều ở nhà công vụ tại trường. Khu nhà công vụ tại đây đều là nhà tranh tre nứa lá hoặc nhà tạm vách đất lợp tấm lợp xi măng. Bên cạnh đó là dãy nhà bán trú của 120 học sinh năm học vừa qua cũng là nhà tre nứa dột nát. Tất cả các em tại đây đều phải tự nấu ăn trong khu bán trú.

Lào Cai còn nhiều lớp học dột nát cần tiếp tục hỗ trợ ảnh 3
Học sinh trường Tiểu học xã A Lú của huyện Bát Xát. Ảnh, gdtd.vn

Khó khăn về nguồn vốn

Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 của tỉnh Lào Cai, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo Đề án- Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai,  ông Trương Kim Minh cho biết: Tính đến hết năm 15/6/2011, Lào Cai đã khởi công xây dựng 388 công trình với 1.112 phòng học (đạt 52% so với kế hoạch) và 440 phòng ở công vụ cho GV, đạt 21% kế hoạch.

Đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng 1.047 phòng học và 440 POCV, số phòng đang thi công 65 phòng, dự kiến bàn giao và đưa vào sử dụng trong quý 3 năm nay. Tổng khối lượng nghiệm tính đến thời điểm này ước đạt 374,841 tỷ đồng.

Tổng vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ đầu tư theo Đề án này tại Lào Cai là 283,433 tỷ đồng. Tỉnh Lào Cai phải đối ứng 20% số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho các công trình của Đề án. Tính đến nay, tổng vốn đã thanh toán là 276,272 tỷ, đạt 97% kế hoạch. Tổng kế hoạch vốn giao so với khối lượng đã hoàn thành còn thiếu khoảng trên 91 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã đánh giá cao sự chỉ đạo của chính quyền tỉnh Lào Cai và các ban ngành đã phối kết hợp với ngành giáo dục thực hiện tốt chương trình, cũng như công tác huy động các nguồn lực tài chính ngoài xã hội để lồng ghép thực hiện Đề án nhiều địa phương của tỉnh đã làm tốt. Đơn cử như huyện Bảo Thắng, trong 10 năm qua (từ 2003 đến 2009), địa phương này đã huy động được 25 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội để đầu tư san nền, cùng các công trình phụ trợ khác cho các trường học.

Trường Mầm non Hoa Mai, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng. Ảnh, gdtd.vn
 Trường Mầm non Hoa Mai, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng. Ảnh, gdtd.vn  

Tuy nhiên đoàn cũng yêu cầu địa phương trong thời gian tới, nếu Đề án tiếp tục được Quốc hội thông qua, khởi động trở lại, Lào Cai cần cân đối các nguồn vốn của Đề án và khối lượng các công trình đã và sẽ triển khai đầu tư xây dựng.

Đồng thời, tỉnh cũng cần xem xét tính khả thi của các nguồn vốn của các nguồn vốn để trở nợ khối lượng đã hoàn thành của các công trình thuộc Đề án. Bên cạnh đó, tỉnh cần bố trí số vốn từ ngân sách địa phương để đối ứng với vốn của Đề án.

Để chuẩn bị cho công tác lập danh mục đề nghị đầu tư của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh Lào Cai cần bám sát mục tiêu của Đề án là xóa, phòng học tạm, nhà ở công vụ tạm của các CSGD ở các vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới để lập danh mục sao cho đúng đối tượng. Mặt khác, tỉnh cần ưu tiên đầu tư xây dựng các trường, điểm trường đặc biệt khó khăn và thực sự cần thiết như trường A Lú và Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng./.

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.