Lắng nghe sở thích để chọn nghề

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ai cũng mong muốn có nghề nghiệp tương xứng với năng lực, nhưng chọn ngành nghề như thế nào phù hợp với mong muốn, sở thích của bản thân?

Lắng nghe sở thích để chọn nghề

Để chọn được nguyện vọng mà mình muốn

Tối 31/7, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức livestream trực tiếp với chủ đề “Định hướng chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực và sở thích”. Tại đây, PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tư vấn, định hướng giúp thí sinh cách chọn ngành, nghề phù hợp với khả năng của bản thân.

Chia sẻ về định hướng chọn ngành, nghề phù hợp, PGS.TS Định Thị Kim Thoa cho rằng, khi chọn nghề đúng sẽ giúp giảm bớt lãng phí nguồn nhân lực và chi phí đào tạo. Hướng nghiệp đúng đắn không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Thời điểm này là thời điểm vàng khi thí sinh đã nhận được điểm thi, chọn trường nào, ngành nào cho con đường tiếp theo đây? "Sau tốt nghiệp phổ thông có nhiều hướng đi khác nhau. Không nên quá nặng nề tâm lý nhất định phải học đại học mới thành công. Dù đi học hay đi làm thì cũng là cách để chọn ngành và nghề phù hợp với bản thân mình, chọn lĩnh vực mà chúng ta mong muốn”, TS Thoa nói.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tư vấn, định hướng giúp thí sinh cách chọn ngành nghề.

PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tư vấn, định hướng giúp thí sinh cách chọn ngành nghề.

Căn cứ để chọn ngành, nghề là dựa trên sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp. Nghề nào cũng có giá trị riêng của nó, không thể coi nghề nào được coi trọng hơn nghề nào, chọn nghề nào phụ thuộc vào tố chất của mỗi người. Về xu thế, thường các em thích chọn nghề có nhiều cơ hội việc làm, lương cao, môi trường làm việc tốt… Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là người làm nghề. Vậy chọn nghề theo sở thích, theo năng lực hay chọn nghề xã hội cần? Có người chọn được nghề theo năng lực, nhưng có người chọn ngành mình thích nhưng chưa hẳn đã có năng lực.

Thời điểm này, thí sinh đã có điểm thi, vậy nên chọn trường nào? Mỗi trường có tiêu chuẩn khác nhau, trong các nguyện vọng các em đã định thì phải sắp xếp được trật tự ưu tiên giữa các trường dựa trên năng lực, hứng thú, xu hướng xã hội cần, chọn ngành phù hợp với bản thân và chọn trường mà mình thích. “Nên quan tâm đến ngành đào tạo trước, rồi tìm hiểu các trường có ngành đó, tìm hiểu chương trình học xem có phù hợp với bản thân và gia đình hay không. Không nên chọn trường trước rồi mới chọn ngành”, TS Thoa khuyên.

Trong các ngành, nên chọn ngành có xu hướng xã hội đang cần. Chúng ta phải nhờ các chuyên gia, thầy cô, phụ huynh tiên đoán ở thời điểm 4-5 năm tới, nghề mình định chọn xu hướng sẽ thế nào. Có thể hiện tại, nghề đó đang rất hot, nhưng sau này lại khác. Ngoài ra việc chọn trường rất quan trọng, có người thích trường gần nhà, có người lại chọn trường có học phí vừa phải…

Để chọn được nguyện vọng mình mong muốn, cần nghiên cứu sự thay đổi về điều kiện tuyển sinh của các ngành ở trường mà mình đang có nguyện vọng bởi vì thông tin mà em biết đã có thể thay đổi. Ví dụ chỉ tiêu tuyển sinh của ngành đó đã giảm xuống hoặc có nhích lên trong công bố cuối cùng trước ngày các em đăng ký không. Suy nghĩ kỹ về nguyện vọng 1 của mình để chọn cho phù hợp bởi nguyện vọng 1 mà đạt thì các nguyện vọng còn lại không được xét nữa.

Có thái độ nghiêm túc với lựa chọn của mình

Nếu phải học ngành/trường do “số phận” áp đặt thì làm thế nào? Nhiều người không tìm ra được mình có sở trường hay hứng thú thực sự lâu bền trong một lĩnh vực nào đó liên quan đến nghề nghiệp tương lai. Nhưng rất nhiều em chưa thực sự thể hiện rõ mình có thể làm tốt nhất ngành nghề nào trong tương lai nên các em dễ bị dao động, phải lắng nghe ý kiến những người xung quanh rồi “ghi đại” một trường nào đó và tạm bằng lòng với nó.

Không phải lúc nào chúng ta cũng chọn đúng ngành nghề với năng lực nhưng thái độ là yếu tố giúp chúng ta thành công.

Không phải lúc nào chúng ta cũng chọn đúng ngành nghề với năng lực nhưng thái độ là yếu tố giúp chúng ta thành công.

“Cá nhân tôi là chọn nghề do số phận áp đặt chứ không phải chọn cái mình thích và có năng lực. Ở thời điểm tốt nghiệp phổ thông, tôi cũng chưa hiểu hết bản thân mình để biết mình có năng lực làm nghề gì đó, chỉ biết tôi có thái độ nghiêm túc với học tập. Thế là số phận áp đặt cho tôi nghề giáo viên, dạy tâm lý giáo dục lại càng xa lạ với học sinh phổ thông”, TS Thoa chia sẻ.

Cái giúp mình thành công dù khi chọn nghề không theo sở thích là trong quá trình học, tôi học cách yêu cái mình có và nghiêm túc học tập, ra trường thì làm nghề nghiêm túc. Khi đó tôi sống được bằng nghề, có đời sống tinh thần vui vẻ vì đã làm tốt lựa chọn của mình.

Vì lý do nào đó các em chưa hoàn toàn chọn được nghề mình mong muốn thì học cách yêu nghề đó, chúng ta hoàn toàn có thể thành công với nghề mình chọn. Không phải lúc nào chúng ta cũng chọn đúng ngành nghề với năng lực nhưng thái độ là yếu tố giúp chúng ta thành công.

“Các em còn đang hoang mang mơ hồ, hãy chọn trường phù hợp với khoảng điểm, điều kiện gia đình mình và học tập nghiêm túc thì chúng ta sẽ thành công sau này”, TS Thoa khuyên. Phụ huynh hãy tìm hiểu các ngành con muốn theo học, giúp con phân tích, sàng lọc để chọn ra trường phù hợp nhất. Nên đặt ra nhiều câu hỏi để con tự trả lời thay vì áp đặt. Nhờ đó, con tìm được lối ra cho mình. Các con rất cần sự đồng hành của cha mẹ đặc biệt trong giai đoạn đặc biệt này.

Nếu không chọn được ngành mình thích ở thời điểm này thì vẫn còn rất nhiều con đường khác nhau để lựa chọn, các em hãy giữ vững tinh thần lạc quan, vui vẻ và cố gắng hết mình với lựa chọn đó bởi học tập là suốt đời.

Đặc điểm các nhóm nghề

Nhóm kỹ thuật đòi hỏi sự khéo léo của bàn tay kỹ thuật, đòi hỏi có tư duy tốt, sáng tạo, khéo tay, tỉ mỉ, thị lực tốt, kiên trì, nhạy cảm, trí tưởng tượng không gian tốt. Nhóm nghiên cứu là kiểu người kiên trì, có khả năng làm việc độc lập, tìm ra quy luật, tò mò, quan sát tinh tế, quyết đoán, nhẫn nại không nản. Nhóm nghệ thuật không được nhiều học sinh lựa chọn nhưng nhiều em thích. Để chọn nghệ thuật cần có tư chất nhất định, sự sáng tạo, linh hoạt, tư chất thiên bẩm.

Nhóm nghề xã hội phù hợp với người quảng giao, ngôn ngữ tốt, nhạy cảm, biết lắng nghe, quan tâm, tinh thần phục vụ tốt. Nhóm nghề quản lý đòi hỏi các bạn có sự tỉ mỉ, cẩn thận, điều hành công việc chỉn chu, chi tiết, có sức bền cao, có khả năng tổ chức. Nhóm nghề nghiệp vụ liên quan đến công tác văn phòng, văn thư, tiếp tân, bưu điện đòi hỏi ứng xử, giao tiếp, sự tự tin, kiểm soát cảm xúc, giỏi ngoại ngữ. Mỗi nhóm có rất nhiều nghề khác nhau, chia sẻ từng nhóm để các em dễ dàng lựa chọn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ