Thanh Hoá chú trọng hướng nghiệp để phát triển nguồn nhân lực

GD&TĐ - Tỉnh Đoàn Thanh Hoá chú trọng công tác Hướng nghiệp, đảm bảo nội dung và các giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.

Tỉnh Đoàn Thanh Hoá thường xuyên tổ chức hướng nghiệp, tư vấn chọn nghề cho thanh niên.
Tỉnh Đoàn Thanh Hoá thường xuyên tổ chức hướng nghiệp, tư vấn chọn nghề cho thanh niên.

3 khâu của hướng nghiệp

Theo tỉnh Đoàn Thanh Hoá, tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng Đoàn viên, thanh niên trong công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề bằng các chương trình, phong trào hành động thiết thực, có ý nghĩa. Cùng với đó là trách nhiệm của toàn xã hội trong việc tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên trong thời kỳ mới.

Điều này đã tạo bước chuyển biến về số lượng và chất lượng công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề, tư vấn chọn nghề, chọn trường tạo việc làm. Từ đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ cho địa phương, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên, tạo thu nhập bền vững, ổn định đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của địa phương.

Trong vai trò là “cầu nối” việc làm cho thanh niên, tổ chức Đoàn các cấp đã phân loại ra các nhóm đối tượng đoàn viên, thanh niên có nhu cầu tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm khác nhau để hỗ trợ, giải quyết.

Các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên đảm bảo thực chất, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế và thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.

Dưới góc độ kinh tế xã hội, hướng nghiệp có vai trò rất quan trọng để phát triển nguồn nhân lực và sử dụng nó một cách tối ưu. Bản thân công tác hướng nghiệp cũng phải được định hướng theo tiến trình phát triển của đất nước, theo sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế qua từng thời kỳ, từng vùng và địa phương cụ thể.

Công tác hướng nghiệp gồm 3 khâu gắn bó chặt chẽ với nhau là định hướng nghề, tư vấn nghề và tuyển chọn nghề. Sau đó là học nghề để đi tới việc làm.

Nhưng thực tế nhiều năm gần đây ở nước ta cho thấy đang diễn ra một quy trình ngược. Đó là rất nhiều thanh niên sau khi học xong Trung học cơ sở hoặc Trung học phổ thông, không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Vì vậy, nhiều em dành hết công sức tiền của để thi vào một trường cao đẳng, đại học hoặc cơ sở dạy nghề nào đó mà hầu hết chưa nắm được nội dung đào tạo là như thế nào.

Điều đó, dưới góc độ quốc gia đã dẫn đến tình trạng bất hợp lý về cơ cấu lao động qua đào tạo. Còn dưới góc độ cá nhân dẫn đến tình trạng “vênh” giữa năng lực và nghề nghiệp, không yêu nghề, khó thăng tiến trong nghề nghiệp, chuyển nghề.

Định hướng nghề nghiệp cho thanh niên chịu sự tác động bởi nhiều nhân tố rất phức tạp. Trong đó có 2 nhóm nhân tố tác động mạnh nhất là định hướng giá trị xã hội của thanh niên và định hướng thị trường.

Lưu ý giai đoạn định hướng nghề nghiệp

Giá trị xã hội thanh niên về đạo đức, hành vi, lối sống, về lao động nghề nghiệp, về quan hệ với cộng đồng… tác động đến thanh niên làm cho thanh niên có sự thay đổi định hướng giá trị xã hội phù hợp với định hướng nghề nghiệp trong kinh tế thị trường. Còn thị trường chủ yếu là đặt ra các yêu cầu đối với thanh niên như nâng cao khả năng cạnh tranh, lao động có năng suất và hiệu quả, không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng công việc đòi hỏi...

Kết quả chung của sự tác động vào định hướng nghề nghiệp là thanh niên chọn được nghề phù hợp, có việc làm, có khả năng thích ứng và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Do đó, việc thực hiện công tác Hướng nghiệp đảm bảo về nội dung và các giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.

Giai đoạn Giáo dục hướng nghiệp

Thanh niên trước hết là học sinh phổ thông, trên cơ sở được tư vấn và nhận thông tin để hình thành quan niệm ban đầu về nghề nghiệp. Đồng thời tự đánh giá bản thân để dự định bước đầu về nghề nghiệp. Hơn nữa, cần tự đánh giá bản thân để dự định bước đầu về phương hướng lựa chọn nghề để học hoặc làm việc sau.

Giai đoạn Chọn nghề để học

Trên cơ sở các thông tin cụ thể về ngành nghề, yêu cầu của thị trường lao động, hệ thống giáo dục đào tạo và tự đánh giá hoặc được tư vấn đánh giá đúng khả năng, nguyện vọng cá nhân, thanh niên quyết định nghề để học ở các cấp, bậc học (học nghề, Đại học).

Giai đoạn Chọn nghề để làm

Sau khi đào tạo, thanh niên có năng lực nghề nghiệp nhất định, hiểu rõ nhu cầu của thị trường lao động. Đồng thời căn cứ vào điều kiện của bản thân để lựa chọn vị trí, nơi làm việc phù hợp với trình độ và điều kiện của cá nhân, của gia đình.

Giai đoạn Thích ứng và phát triển nghề nghiệp

Sau khi có việc làm, thanh niên vẫn phải được định hướng để qua thực tiễn họ có thể đảm đương được hay không. Do đó thanh niên luôn phải tiếp tục thích ứng với công việc thông qua tích lũy kinh nghiệm, đào tạo lại, đào tạo nâng cao hoặc bổ sung kiến thức, kỹ năng do công việc đòi hỏi. Bên cạnh đó, thanh niên còn được định hướng để phát triển nghề nghiệp và thăng tiến, đảm đương các công việc phức tạp hơn, các vị trí cao hơn.

Theo báo cáo của tỉnh Đoàn Thanh Hoá, các hoạt động cơ bản định hướng nghề nghiệp cho thanh niên là thông tin về nghề nghiệp mà xã hội và thị trường đang cần, các nghề cần đào tạo và các cơ sở đào tạo. Cùng với đó là thông tin về thị trường lao động và các hình thức giao dịch trên thị trường lao động (cả trong nước và quốc tế).

Giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông; hướng nghiệp cho sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề, cho thanh niên chưa có việc làm và thất nghiệp.

Tư vấn về bản thân thanh niên, về lựa chọn nghề để học, lựa chọn việc làm. Đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên theo các cấp trình độ và các bậc đào tạo. Trong đó có đào tạo liên thông giữa các cấp trình độ và các bậc đào tạo. Dịch vụ tư vấn đào tạo, giới thiệu việc làm …

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ