Qua đó, giúp học sinh xác định được tốt nhất mô hình lớp học và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Bước đệm bổ ích
Năm học 2022 - 2023, trường THPT Đoàn Thị Điểm dự kiến đón khoảng hơn 500 học sinh khối 10 với 17 lớp, bình quân 30 học sinh/lớp. Thực hiện theo chương trình GDPT 2018, nhà trường chia làm 8 mô hình lớp học cho học sinh lựa chọn.
Cô Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
“Học sinh được chọn môn học nhưng với khả năng của hơn 100 tổ hợp xét tuyển đây sẽ là khó khăn rất lớn cho việc định hướng nghề nghiệp sớm của học sinh, bởi ở bậc học dưới các em chưa được giới thiệu về việc lựa chọn tổ hợp như thế nào?...”, cô Phương Anh bày tỏ.
Học sinh trường THPT Đoàn Thị Điểm được giáo viên tư vấn, hướng nghiệp ngay từ năm lớp 10 (Ảnh tư liệu). |
Để giúp học sinh xác định được môn học phù hợp cũng như có nhận định ban đầu về nghề nghiệp tương lai, trường THPT Đoàn Thị Điểm đã chủ động định hướng việc lựa chọn tổ hợp ngay từ đón học sinh nhập học, lồng ghép hướng nghiệp vào buổi tư vấn nhập học cho cả học sinh và phụ huynh.
“Ngày 1/8 tới đây, Nhà trường tổ chức chương trình tư vấn nhập học với nhiều hoạt động như: giới thiệu truyền thống nhà trường, cho học sinh làm quen với trường lớp... Đặc biệt, tư vấn chuyên sâu về cách chọn tổ hợp môn và cung cấp thông tin về xu hướng ngành nghề cho học sinh. Từ đó, giúp học sinh hiểu được phần nào về ngành nghề tương lai thông qua việc lựa chọn môn học…” cô Phương Anh chia sẻ.
Cô Phương Anh cũng cho biết, trường THPT Đoàn Thị Điểm chỉ hỗ trợ tư vấn, còn việc lựa chọn mô hình học tập hoàn toàn dựa trên ý kiến, nguyện vọng của học sinh. Sau buổi đăng kí môn học ngày nhập học, Nhà trường tạo khoảng thời gian “đệm” cho học sinh có thêm thời gian nghiên cứu, tránh “ngồi nhầm vị trí” trong tương lai.
Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm cũng cho biết, ngay từ 1/8 đến tháng 9, Nhà trường sẽ cho học sinh học tập và trải nghiệm để có thể điều chuyển lựa chọn mô hình lớp học .
“Kết thúc thời gian này, các em tự cảm nhận được bản thân phù hợp với mô hình lớp học nào, đưa ra quyết định chuẩn xác. Với chương trình mới, nếu không được xác định và chuyển đổi sớm, sau này sẽ rất khó khăn vì mỗi mô hình là một tổ hợp môn học khác nhau…”, cô Phương Anh giải thích thêm.
Học sinh có lựa chọn đúng, trúng
Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm – Vũ Thị Phương Anh cũng cho biết, hướng nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Nhà trường. Bởi khi có định hướng rõ ràng về đầu ra thì mới tạo được mục tiêu phấn đấu, mục đích học tập tốt cho học sinh.
Trong đó, trường THPT Đoàn Thị Điểm không chỉ hướng nghiệp cho học sinh mà còn chủ động tư vấn hướng nghiệp cùng phụ huynh nắm bắt năng lực nghề nghiệp của học sinh.
Các trường Đại học tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho học sinh trường THPT Đoàn Thị Điểm (Ảnh tư liệu). |
Hàng năm, vào tháng 3 trường THPT Đoàn Thị Điểm gửi tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh cũng như đưa lên website trường. Trong tư vấn tuyển sinh, bên cạnh tiêu chuẩn xét tuyển vào trường có 1 phần là mô hình lớp gắn với định hướng nghề nghiệp.
Hoạt động hướng nghiệp được nhà trường thực hiện hiệu quả với cả ba khối học (lớp 10, 11 và 12). Trường THPT Đoàn Thị Điểm chủ động mời các diễn giả là giảng viên và phối hợp tổ chức Ngày hội hướng nghiệp với sự tham gia của rất nhiều gian hàng tư vấn đến từ các trường Đại học, Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội để chia sẻ về hướng nghiệp.
Bên cạnh mời giảng viên về tư vấn, nhà trường chủ động đưa học sinh đến trải nghiệm tại các trường Đại học, Học viện như: Đại học BUV, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Y tế Công cộng, Học viện Tài chính, Học viện Báo chí và Tuyên truyền...
Học sinh lớp 12 trường THPT Đoàn Thị Điểm tự tin tại các buổi tư vấn hướng nghiệp sẵn sàng bước vào ngưỡng cửa giảng đường đại học (Ảnh tư liệu). |
Cô Phương Anh cũng chia sẻ, triển khai chương trình GDPT 2018, Nhà trường bước đầu gặp một số khó khăn. Trong đó, quá trình chuẩn bị chương trình mới rơi vào thời điểm 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, mọi công tác bị ngưng trệ.
Khắc phục khó khăn, ngay khi dịch bệnh ổn định trường THPT Đoàn Thị Điểm xây dựng, nghiên cứu chương trình, chọn sách giáo khoa, kế hoạch… theo hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, Nhà trường đã cập nhật, nghiên cứu, triển khai văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để xây dựng lại phương án nhóm môn lựa chọn đối với lớp 10 cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Trường THPT Đoàn Thị Điểm chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống nên chất lượng giáo dục nhà trường luôn duy trì, ổn định dù trải qua thời gian dịch bệnh diễn biến căng thẳng.
Chất lượng của học sinh đạt đúng theo mục tiêu, kế hoạch năm học 2021 -2022. Điểm sáng là thành tích của học sinh đạt được trong các kì thi HSG: Trong kì thi HSG cụm THPT khối 11,12 đạt trên 40 giải; thi HSG cấp quận đạt trên 30 giải; thi HSG cấp thành phố đạt 5 giải (1 giải Nhì, 3 giải Ba, 1 Khuyến khích)..... Ngoài ra chất lượng đào tạo IELTS cũng ngày càng được nâng cao , góp phần tạo ra các định hướng giáo dục mũi nhọn đáp ứng đầu ra phục vụ cho nhiều hình thức xét tuyển kết hợp của các trường Đại học.
Hướng đến ngày kỉ niệm 15 năm ngày thành lập trường (2008-2023), thầy và trò trường THPT Đoàn Thị Điểm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục để tô thắm thêm vào bảng “vàng” thành tích nhà trường.
Về công tác tư vấn hướng nghiệp, ông Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các trường THPT trên địa bàn đều tổ chức buổi tư vấn lựa chọn môn học cho phụ huynh, học sinh lớp 10.
“Sở GD&ĐT Hà Nội luôn đồng hành với nhà trường trong quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, lắng nghe, chia sẻ và kịp thời tháo gỡ khó khăn để việc triển khai đạt hiệu quả cao nhất…”, ông Hà Xuân Nhâm nhấn mạnh.