Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư vấn định hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên của tỉnh Yên Bái cũng gặp phải những khó khăn, bất cập nhất định.
Quá trình tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp và đào tạo nghề chất lượng, hiệu quả chưa cao, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề có phần còn hạn chế. Cơ sở vật chất ở các trung tâm dạy nghề phục vụ cho việc học tập và thực hành của thanh niên còn chưa đáp ứng về chất lượng. Nguồn kinh phí dành cho dạy nghề còn hạn chế. Thời gian thực hành nghề tại các cơ sở đào tạo nghề ngắn, nặng về lý thuyết, cơ hội thực tập, trải nghiệp vị trí việc làm trực tiếp tại các doanh nghiệp còn ít...
Chính vì vậy, tỉnh Đoàn Yên Bái đã đưa ra 6 giải pháp, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên.
Một là, kiến nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục ban hành các chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.
Đẩy mạnh việc thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển các lĩnh vực lợi thế của tỉnh như nông, lâm nghiệp, thương mại và du lịch,…việc thu hút các nhà đầu tư đến tỉnh là điều kiện quan trọng và bền vững góp phần tạo ra thị trường lao động, việc làm cho lao động nói chung và lực lượng thanh niên đã qua đào tạo nói riêng.
Hai là, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề một cách cụ thể trong đó nghiên cứu có quy hoạch trường dạy nghề chất lượng cao. Quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, tư vấn hướng nghiệp Xây dựng và thực hiện quy hoạch, đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng.
Nhất là giáo viên dạy nghề trình độ cao có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, tin học và ngoại ngữ áp dụng vào giảng dạy. Đổi mới giáo trình, nội dung, phương pháp giảng dạy đáp ứng việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn hướng nghiệp nghề. Đổi mới công tác tuyển sinh nghề phù hợp với nhu cầu của người học và doanh nghiệp.
Ba là, địa phương cần tiếp tục quan tâm đến biên chế và kinh phí đầu tư cho Trung tâm giới thiệu việc làm. Có các chính sách ưu đãi về đất, hạ tầng, thuế, tín dụng, cho vay vốn học nghề. Tiếp tục quan tâm đến chính sách miễn, giảm học phí trong đào tạo nghề cho thanh niên thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách,…các ngành liên quan có sự phối hợp hiệu quả trong việc cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế, duy trì sản xuất, kinh doanh.
Nhà nước tiếp tục có sự ưu tiên nguồn vốn đối với thanh niên giải quyết việc làm tại chỗ, xuất khẩu lao động. Đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, con người để triển khai thực hiện các chính sách trong dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên.
Bốn là, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin thị trường lao động giúp thanh niên nắm bắt rõ nhu cầu đào tạo, định hướng cho thanh niên theo học những ngành nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu của thị trường, tổ chức các hoạt động khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp đảm bảo sát với tình hình. Trên cơ sở đó tổ chức hoạt động ký kết giao ước, liên kết về đào tạo và tuyển dụng lao động giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng dạy nghề.
Việc tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên phải được thực hiện phù hợp với từng đối tượng ở các địa bàn khác nhau như thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, thanh niên cai nghiện ma tuý...
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, tập hợp các mô hình đào tạo nghề hiệu quả, thanh niên điển hình trong phát triển kinh tế để xây dựng làm cẩm nang đào tạo nghề. Các cơ quan báo chí ở địa phương phổ biến, nhân rộng để thanh niên tham khảo, học tập từ đó góp phần làm thay đổi nhận thức của thanh niên, của xã hội về học nghề, về hiệu quả của hoạt động đào tạo nghề.
Sáu là, kiến nghị các cấp tiếp tục quan tâm đến công tác tư vấn định hướng nghề và giới thiệu việc làm của tuổi trẻ Yên Bái. Bổ sung nguồn kinh phí cho việc tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ đoàn làm công tác tư vấn định hướng nghề và giới thiệu việc làm.
Bên cạnh đó là tạo điều kiện cho việc đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Nâng cao chất lượng các ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp; hội chợ việc làm; các khóa đào tạo kỹ năng bổ trợ để nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm của thanh niên.