Hình thành khuynh hướng và năng lực nghề cho thanh niên
Hoạt động hướng nghiệp và đào tạo nghề là một trong những nội dung quan trọng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhất là đối với thanh niên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế như hiện nay.
Nếu được hướng nghiệp và đào tạo nghề một cách đúng đắn, thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam sẽ tham gia vào hoạt động lao động một cách có định hướng và hiệu quả. Đồng thời, tránh những thời gian nhàn rỗi, làm hao hụt lực lượng lao động xã hội, góp phần làm cho xã hội ngày càng ổn định và phát triển.
Hiện nay, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông được thực hiện thông qua các môn khoa học cơ bản, chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa, môn công nghệ và lao động sản xuất. Bên cạnh đó là tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp.
Song, dù bằng hình thức nào cũng đều hướng tới mục đích chung là hình thành sự hứng thú, khuynh hướng và năng lực nghề cho đoàn viên, thanh niên. Trên cơ sở đó mà thực hiện kế hoạch, định hướng phân luồng đào tạo nghề có thể nói: “hướng nghiệp để phân luồng học sinh sau trung học là chìa khóa quan trọng đưa nước ta ngày càng phát triển vững mạnh”.
Trong những năm qua, hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại Thanh Hoá đã được các Trung tâm Giới thiệu việc làm triển khai rất đa dạng. Các nội dung tư vấn bao gồm Tư vấn hướng nghiệp, tư vấn về nghề nghiệp việc làm, tư vấn chính sách, tư vấn xuất khẩu lao động , tư vấn vay vốn cho học sinh, sinh viên, tư vấn cho thanh niên vay vốn từ quỹ Quốc gia về việc làm để sản xuất, kinh doanh…. Tổ chức các lớp đào tạo nghề như Điện lạnh, may mặc…..
Ngoài ra còn có tổ chức các hoạt động tư vấn cho thanh niên, sinh viên tại các cơ sở Đoàn, trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn với các chủ đề. Cụ thể như thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, đánh giá năng lực bản thân và hoạch định nghề nghiệp trong tương lai, tư vấn định hướng và chọn nghề cho học sinh phổ thông. Cùng với đó là tư vấn kỹ năng tìm việc và trả lời phỏng vấn.
Thông qua hoạt động hướng nghiệp và đào tạo nghề, đoàn viên, thanh niên được giáo dục tinh thần yêu lao động, suy nghĩ về nghề nghiệp một cách chín chắn. Từ đó, hình thành những động cơ, sự hứng thú với những nghề nghiệp ở trong tương lai.
Còn nhiều bất cập
Theo đánh giá chung thì vẫn còn những khó khăn hạn chế về việc thực hiện công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên.
Công tác tuyên truyền vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách về việc thực hiện công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên còn chưa được liên tục. Nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Bên cạnh đó, nhận thức của một số thanh niên, người học nghề còn bất cập như phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt còn lạc hậu nên không chịu tham dự. Nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, việc dịch chuyển lao động từ trong tỉnh ra các khu công nghiệp ngoài tỉnh cũng rất khó khăn nên người học nghề xong có việc làm mới còn ít.
Việc xã hội hóa công tác dạy nghề còn chậm, chưa huy động hết nguồn lực tham gia công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên. Việc đánh giá hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề chủ yếu thực hiện tại cấp xã, huyện nhưng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã được giao phụ trách công tác dạy nghề thường luân chuyển. Hầu hết, họ chưa có nghiệp vụ chuyên môn mà chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm.
Thanh Hóa là tỉnh có 7/63 huyện nghèo của cả nước, vị trí địa lý, địa hình phức tạp. Vì vậy, việc thực hiện chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về hướng nghiệp, đào tạo và dạy nghề có những khó khăn chung và những khó khăn vướng mắc mà tỉnh Thanh Hóa gặp phải như. Đó là Cơ chế chính sách còn một số điểm chưa hoàn thiện và sự yếu kém, khuyết điểm trong quản lý về công tác dạy nghề là điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực trong công tác dạy nghề của tỉnh nhân rộng.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo. Việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất và các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy nghề còn thiếu và phân tán.
Một số chương trình, kế hoạch đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo.
Nguồn lực đầu tư do các Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cơ sở dạy nghề công lập còn thiếu, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, sư phạm kỹ năng nghề nghiệp. Do đó đề án đào tạo nghề cho lao động còn hạn chế.
Các ngành nghề đào tạo chưa phong phú vẫn tập trung ở nhóm lao động phổ thông, hành chính văn phòng, kế toán, cơ khí, hàn, kinh doanh, …, Các nhóm ngành nghề khác như: Xây dựng, xuất nhập khẩu, giáo viên, tài chính, ngân hàng.... hầu như không có. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các Trung tâm khó thu hút được đông đảo người lao động đến với mình.