Hợp tác với xưởng sản xuất, cơ sở đại học - lối mở cho hướng nghiệp

GD&TĐ -Theo nội dung chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hướng nghề hướng nghiệp có từ lớp 1, rõ dần khi học sinh lên THPT và có định hướng nghề nghiệp thể hiện qua lựa chọn tổ hợp khi vào lớp 10. Để hoạt động này đạt hiệu quả, ngoài việc cần có tính liên thông giữa các cấp học, còn phải tính đến bồi dưỡng năng lực hướng nghiệp cho giáo viên.

Học sinh Trường THPT Thái Phiên trải nghiệm thực tế tại phòng thí nghiệm Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng
Học sinh Trường THPT Thái Phiên trải nghiệm thực tế tại phòng thí nghiệm Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

Hướng nghiệp là một quá trình

Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vừa tổ chức tư vấn cho học sinh – phụ huynh trước khi lựa chọn nhóm môn tự chọn. Theo nhận xét của cô Trần Thị Kim Vân – Hiệu trưởng nhà trường, ngoài một số học sinh có biểu hiện rõ rệt năng khiếu ở một số môn học nổi trội, hầu hết phụ huynh đều rất băn khoăn khi lựa chọn môn học.

“Phụ huynh đều cho rằng học sinh vừa học xong lớp 9, chưa định hình rõ năng lực bản thân sẽ phù hợp với ngành nghề gì, các sở thích gần như chỉ là cảm tính nên rất khó để lựa chọn. Nhà trường đã tư vấn phụ huynh cùng học sinh trước hết tìm hiểu về một số ngành nghề cơ bản, kết hợp với xác định lại sở thích, năng lực của bản thân, có thể tham khảo thêm các phần mềm trắc nghiệm hướng nghiệp để lựa chọn tổ hợp môn phù hợp” – cô Kim Vân thông tin.

Từ đây, cô Trần Thị Kim Vân, cho rằng, công tác hướng nghiệp phải được tiến hành từ sớm, đặc biệt là ở cấp THCS và là cả một quá trình chứ không đợi đến khi HS hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 mới bắt đầu triển khai. “Làm sao để đến khi HS học xong lớp 9, các em đã biết được một số nghề cơ bản trong xã hội, hình thành được hứng thú nghề nghiệp và có sự hình dung nhất định về con đường đi phía trước của mình” - cô Kim Vân nhấn mạnh.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thực hành làm bánh trong chương trình trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường Cao Đẳng Quốc Tế PEGASUS
Học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thực hành làm bánh trong chương trình trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường Cao Đẳng Quốc Tế PEGASUS

Giáo dục hướng nghiệp là một mảng quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được tiến hành xuyên suốt các cấp học. Ở cấp Tiểu học, giáo dục hướng nghiệp được tích hợp vào nội dung giáo dục của một số môn học, hoạt động giáo dục như Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Tiếng Việt, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm.

Ở cấp THCS, Giáo dục hướng nghiệp tiếp tục được tích hợp vào các môn học, đồng thời được biên soạn thành một số chủ đề ở các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Giáo dục công dân và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong 2 năm cuối cấp học. Ở cấp THPT, giáo dục hướng nghiệp được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục.

Thầy Trương Công Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết: “Ngoài triển khai công tác hướng nghiệp theo chủ đề hàng tháng, nhà trường còn phối hợp với một số trường đào tạo nghề để cung cấp thông tin về một số ngành nghề cơ bản, tạo điều kiện để các trường nghề tham gia một gian hàng trong Ngày hội văn hóa dân gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm”.

Tuy nhiên, theo như nhận xét của thầy Sơn, đây chỉ là những hoạt động điểm nhấn. Trên thực tế, môn học nào cũng đều có khả năng hướng nghiệp của nó. Nếu giáo viên biết kết nối những nội dung giảng dạy với một số nghề cụ thể nào đó, sẽ giúp cho học sinh có cái nhìn tổng quát về nghề, ươm mầm đam mê nghề nghiệp cho học sinh. Từ sự sát sao của giáo viên trong quá trình dạy các môn văn hóa, sẽ phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Đây cũng là cơ sở để giáo viên có thể tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Trải nghiệm để hướng nghiệp

Nằm trong chương trình giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức hoc học sinh khối lớp 6 tham gia buổi học trải nghiệm tại làng nghề nước mắm Nam Ô. Tuy nhiên, thầy Bùi Duy Quốc thừa nhận rằng, chỉ có vài chục em tham gia chương trình trải nghiệm thực tế này. “Các cơ sở sản xuất nước mắm đều có quy mô nhỏ hẹp, rất khó để cho học sinh có đủ không gian quan sát chứ chưa nói đến được tham gia thực hiện một công đoạn nào đó trong quy trình sản xuất nước mắm” – thầy Quốc cho biết.

Đây cũng là khó khăn chung của các trường THCS, THPT khi tiến hành các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. “Nếu Sở và Phòng GD&ĐT hoặc chính quyền địa phương đứng ra kết nối, ký hợp tác với các xí nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất… thì các trường học sẽ rất thuận tiện khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nhất là trong nội dung hướng nghiệp. Hiện nay, các trường học chủ yếu kết nối với các đơn vị sản xuất thông qua các mối quan hệ cá nhân để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh” – thầy Bùi Duy Quốc đề xuất.

Học sinh Trường THPT Thái Phiên tham gia thí nghiệm tại phòng thí nghiệm khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

Học sinh Trường THPT Thái Phiên tham gia thí nghiệm tại phòng thí nghiệm khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

Một hướng khác nữa là các trường học phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để học sinh có những trải nghiệm thực tế. Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) vừa kết hợp với Khoa Hóa (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) tổ chức chương trình “Chemistry Stem Science”.

Các em học sinh phổ thông có cơ hội thực hiện 2 bài thí nghiệm vô cùng thú vị do các giảng viên hướng dẫn thực hiện: phản ứng tráng gương, kiểm tra hoạt lực của men bánh mì. Những trải nghiệm này đã giúp học sinh có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp mình sẽ lựa chọn cùng những yêu cầu, đặc thù cần có; biết mình phù hợp nhất với nghề gì.

Thầy giáo Nguyễn Tự Biên - giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh chia sẻ: “Để tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh thì hầu hết đều phải thực hiện xã hội hóa. Rồi hoạt động trải nghiệm thì học sinh phải được tham gia ở một vài khâu nào đó mới đúng tinh thần trải nghiệm nhưng yếu tố này bị hạn chế do điều kiện cơ sở vật chất”.

Sự thành công của nội dung hướng nghiệp, theo thầy Biên, còn phụ thuộc nhiều vào sự truyền đạt, kỹ năng sống cũng như những thông tin liên quan đến nghề nghiệp mà giáo viên tìm hiểu được. Chẳng hạn như với nội dung hướng nghiệp về nghề giáo, nếu giáo viên chỉ đơn thuần giới thiệu không thôi thì rất nhàm chán. Nhưng nếu thầy cô biết cách tổ chức tiết học bằng cách cho học sinh sưu tập theo chủ đề, thảo luận… thì tiết học sẽ cuốn hút hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.