Giải pháp nâng cao chất lượng hướng nghiệp

GD&TĐ - Từ những kinh nghiệm thực tiễn, tỉnh Đoàn Thanh Hoá đã đưa ra 6 giải pháp nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp.

Tỉnh Đoàn Thanh Hoá tổ chức tư vấn, cung cấp thông tin về hướng nghiệp cho thanh niên trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo.
Tỉnh Đoàn Thanh Hoá tổ chức tư vấn, cung cấp thông tin về hướng nghiệp cho thanh niên trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại. Cụ thể là rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về cung - cầu lao động. Đồng thời, kết nối cung - cầu lao động để phù hợp với quy luật của thị trường lao động. Xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm đối tượng đặc thù.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho thanh niên về học nghề, lập nghiệp, chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm. Tổ chức tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường lao động hướng nghiệp cho thanh niên trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo tại Trung tâm hoặc các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp – dạy nghề phù hợp.

Đồng thời, có những chính sách hỗ trợ người học nghề về kinh phí, việc làm sau đào tạo, thủ tục hồ sơ hưởng chính sách học nghề cần đơn giản, thuận tiện nhằm thu hút các đối tượng học nghề.

Thứ ba, phối hợp với Ban Thường vụ Đoàn Thanh niên các huyện, thị, thành đoàn, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề, công ty, doanh nghiệp uy tín tổ chức tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên và mở các lớp sơ cấp đào tạo nghề tại địa phương. Lựa chọn nghề phù hợp với nhu cầu thanh niên, đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực thị trường.

Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề. Tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên dạy nghề được tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động sau khi học nghề được vào làm việc tập trung tại các doanh nghiệp.

Hơn nữa, cần mở rộng việc giới thiệu đưa đi đào tạo nghề bằng nhiều hình thức tại các cơ sở trong và ngoài tỉnh với các nghề phù hợp, có việc làm ổn định và thu nhập khá trở lên.

Thứ tư, xây dựng và cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho thanh niên. Cùng với đó là các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động.

Khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Kiện toàn tổ chức, nhân sự và nâng cao hiệu quả của các công cụ giám sát, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề nghiệp theo tiêu chuẩn quốc gia để người lao động được đánh giá và công nhận, phản ánh đúng năng lực làm việc thực tế.

Thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ số.

Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động.

Thứ năm, thiết kế chương trình hướng nghiệp đa dạng về đối tượng, nội dung và hình thức, linh hoạt địa điểm, đào tạo đội ngũ nhân sự tham gia tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Quy hoạch và phát triển hệ thống giao dịch việc làm phù hợp với thị trường lao động của từng vùng, từng tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển các Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các địa phương là trung tâm của vùng kinh tế xã hội theo hướng vừa là trung tâm của tỉnh, vừa là nơi thực hiện các giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động của vùng và kết nối các vùng với nhau.

Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới trong hoạt động giao dịch việc làm. Xây dựng công cụ (phần mềm, bộ tiêu chí, tiêu chuẩn) quản lý chung, thống nhất hoạt động trên toàn quốc về dịch vụ việc làm.

Thứ sáu, tiếp tục sắp xếp, đổi mới tổ chức và quản lý nhà nước về việc làm và thị trường lao động. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị việc làm và thị trường lao động theo hướng thống nhất, rõ ràng về chức năng nhiệm vụ và cơ chế phối hợp.

Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật lao động, quan hệ lao động và trách nhiệm, lợi ích của các đối tác xã hội trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và các chế độ an sinh xã hội khác cho người lao động. Xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá phát triển thị trường lao động, việc làm và thu nhập theo hướng so sánh trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, đánh giá về chênh lệch trong mức độ phát triển thị trường lao động, khả năng tạo việc làm, thu nhập giữa các tỉnh, các vùng của Việt Nam. Tăng cường học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng chính sách và tổ chức vận hành, quản trị thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ