Nhu cầu nhân lực có trình độ
Với cơ cấu dân số trẻ, thanh niên là lực lượng lao động quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy muốn kinh tế - xã hội phát triển vững mạnh cần nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ, đúng định hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đối với Tỉnh Yên Bái nói riêng, theo thống kê tính đến hết năm 2021 tổng số thanh niên tỉnh Yên Bái (từ 16-30 tuổi) là 185.347 người chiếm khoảng gần 30% dân số toàn tỉnh. Thanh niên khu vực đô thị: 25.826 người, khu vực nông thôn: 159.521 người.
Trong đó số thanh niên đã được đào tạo nghề (từ sơ cấp trở lên): 23.724 người (thành thị: 8.670, nông thôn: 15.054). Các số liệu trên cho thấy tỉ lệ thanh niên được đào tạo nghề còn thấp, nhất là thanh niên khu vực nông thôn được đào tạo nghề chỉ chiếm 5,4% tổng số thanh niên nông thôn.
Đối với chức năng đào tạo nghề, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1 Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Toàn tỉnh có 1 trường Cao đẳng, 2 trường Trung cấp, 9 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có các Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các huyện, thị, thành phố.
Với nhiệm vụ thực hiện công tác tư vấn định hướng nghề và giới thiệu việc làm, hằng năm Tỉnh đoàn Yên Bái đã phối hợp cùng sở Lao động – Thương binh và Xã hội tư vấn, định hướng nghề cho 20.000 thanh niên, giới thiệu việc làm cho 3000 thanh niên. Đồng thời Tỉnh đoàn chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện đa dạng các hình thức giới thiệu việc làm cho thanh niên trong thực hiện hiệu quả Chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”.
Thực hiện cuộc vận động “Thanh niên Yên Bái giúp nhau làm kinh tế”. Trong năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục triển khai duy trì, xây dựng mới mô hình kinh tế tập thể hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ phát triển kinh tế trong đoàn viên thanh niên.
Hiện nay 9/9 huyện, thị, thành phố đều có mô hình mới hoặc duy trì hiệu quả mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên (với trên 1000 mô hình được thành lập mới). Tỉnh đoàn cũng đã thực hiện việc giúp đỡ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế đạt 116,553 triệu đồng, nâng tổng dư nợ uỷ thác của các cấp bộ Đoàn trên toàn tỉnh đạt 639,406,75 triệu đồng. Tổ chức Đoàn quản lý 406 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 14.750 hộ vay, đã góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên. Quản lý, cho vay nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương đoàn 1.160 triệu đồng, với 16 dự án.
Đa dạng hình thức hướng nghiệp
Theo tỉnh Đoàn Yên Bái, công tác tư vấn định hướng nghề cho thanh thiếu niên tập trung vào đối tượng học sinh Trung học phổ thông, học sinh lớp 9, được triển khai hiệu quả thông qua các hình thức đa dạng như: Ngày hội tư vấn, sinh hoạt ngoại khóa; lồng ghép với các tiết chào cờ đầu tuần tại các trường học, ngày hội việc làm cho thanh niên.
Các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với các đơn vị tuyển dụng, các trường Đại học, trường nghề trong tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên; phối hợp triển khai hiệu quả các “Ngày hội việc làm”, “Ngày hội tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm” …Ngoài ra nhiều hình thức tư vấn khác như tư vấn qua điện thoại, email cũng được triển khai hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư vấn định hướng nghề, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên của tỉnh cũng gặp phải những khó khăn, bất cập nhất định. Đó là đội ngũ cán bộ đoàn làm công tác tư vấn định hướng nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên còn chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng và trình độ chuyên môn về lĩnh vực này còn hạn chế.
Kinh phí cấp cho công tác tư vấn hướng nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên trên địa bàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu việc làm của thanh niên, nhất là thanh niên tại khu vực nông thôn.
Hoạt động phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác chăm lo, giáo dục, tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên chưa được thường xuyên, doanh nghiệp, xã hội chưa thực sự quan tâm đối với lĩnh vực này.