Làng homestay trên cao nguyên

GD&TĐ - Sinh ra và lớn lên giữa đại ngàn mênh mông, được ru ngủ trong làn điệu của người Mơ Nâm, giờ đây ở tuổi trưởng thành, người con gái ấy đã xây dựng mô hình homestay trong làng vừa kinh doanh vừa để trả ơn bà con từng cưu mang mình một thuở.

Homestay ở làng Kon Pring
Homestay ở làng Kon Pring

Khởi đầu gian khó

Tốt nghiệp Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2010, chị Nguyễn Thị Thùy Trang đã “gom” được nhiều kiến thức về tổ chức sự kiện, du lịch và nhà hàng, khách sạn tại TPHCM nên quyết định về Măng Đen (Kon Tum) thành lập Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn vào năm 2014. Nơi chị chọn đầu tiên để làm du lịch cộng đồng là làng Kon Pring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, Kon Tum. Ngôi làng đẹp nằm giữa thung lũng bạt ngàn thông.

Ngoài cái đẹp đơn sơ, nơi đây còn có ân tình riêng với chị Trang. Năm 1986, cha chị là ông Nguyễn Văn Bằng (55 tuổi) vào đất Măng Đen, xã Măng Cành, huyện Kon Rẫy (Kon Plông bây giờ) làm công nhân trồng thông. Mối tình giữa các công nhân trồng thông sinh ra thế hệ thứ hai là chị Trang. Hơn 30 năm, thông bây giờ đã phủ 4.000ha, mướt xanh miền đất lạnh. Người trồng thông giờ kẻ ở người đi. Duy chỉ những ai nặng tình thì còn ở lại. Khi chị Trang sinh ra hơn nửa tháng, ba mẹ bận đi trồng thông nên gửi chị cho người làng Kon Pring chăm sóc.

Chị Thùy Trang
 Chị Thùy Trang

Bấy nhiêu ân tình đã làm chị Trang có thêm động lực để cùng với chính quyền địa phương khơi dậy làng du lịch nơi này. Thế nhưng khởi đầu ở đây rất khó khăn. Bởi đồng bào Mơ Nâm nhút nhát, tự ti, mỗi bận khách về làng đều rụt rè, không dám trò chuyện và phục vụ. Việc ăn uống, đồng bào lại không biết chế biến thức ăn. Ấy là chưa kể hạ tầng kém, vệ sinh kém, thiếu các nhu cầu thiết yếu. Người dân nơi này cũng chưa ý thức được làm du lịch cộng đồng là nguồn thu khá hơn nhiều so với đi rừng, làm rẫy. Ngoài ra, người làng cũng “quên” mất nghề dệt, nghề rèn, chỉ còn đan lát và làm được rượu cần…

Vậy là chị Trang phải “huấn luyện” từng gia đình, động viên, khuyến khích và hướng dẫn họ tận tình. Những khi có đoàn khách đến, “bà chủ” công ty du lịch phải có mặt từ A đến Z: hướng dẫn khách tham quan, làm đồ ăn, sửa soạn chỗ ngủ, nghỉ ngơi…

Kon Pring vẫy gọi

Mùa xuân, làng Kon Pring khoác chiếc áo đủ màu sắc, khiến ai cũng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tự nhiên nơi đây. Những ngày xuân, du khách đến đây hòa mình trong tiết trời se lạnh, được tìm hiểu các tập tục của người dân địa phương, được nghỉ lại qua đêm, uống rượu cần, đốt lửa trại, xem đánh cồng chiêng, múa xoang, thưởng thức các món ăn đặc trưng của núi rừng... Bà con làng Kon Pring cũng đã quen dần với những đoàn khách về “chơi” với dân làng ngày càng nhiều.

Số tiền thu được, Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn hưởng 40%, chủ hộ gia đình được hưởng lợi 50%, còn lại 10% đóng vào quỹ của Ban Quản lý du lịch cộng đồng làng Kon Pring. Bà con trong làng còn bán được các sản phẩm thủ công truyền thống cho Công ty TNHH MTV Du lịch Măng Đen đại ngàn bao tiêu để phục vụ khách du lịch. Thấy làm du lịch có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống nên ngày càng có nhiều hộ gia đình khác đăng ký làm homestay.

Dân làng Kon Pring chân chất và hiếu khách
Dân làng Kon Pring chân chất và hiếu khách 

Làng Kon Pring bây giờ, 67 nóc nhà với 250 nhân khẩu vẫn chân chất như xưa, dù hàng ngày du khách vẫn đến đây sinh hoạt, trải nghiệm với người làng từ ăn, uống đến tận hưởng thiên nhiên trong ngần. Người hiền, cảnh đẹp là điều níu chân khách đến khách đi. Chị Trang cho biết, đang lên chương trình sinh hoạt cồng chiêng, lửa trại tại nhà rông làng Kon Pring vào thứ 7 hàng tuần. Cách làm này sẽ tạo “thói quen” nhớ về Măng Đen của du khách vào mỗi cuối tuần nghỉ dưỡng.

Ông Quách Văn Điện, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Long, Trưởng Ban quản lý du lịch homestay làng Kon Pring cho biết: Phát triển du lịch cộng đồng ở đây, ngoài việc quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc, người dân còn tạo được nguồn thu nhập trực tiếp từ các dịch vụ cung cấp cho khách, cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Đây là cách làm hữu hiệu giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức, đời sống cho người Mơ Nâm sở tại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ