Đến Tủa Chùa xem hội chọi dê

GD&TĐ - Huyện Tủa Chùa, vùng núi cao phía Bắc tỉnh Điện Biên là vùng đất có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ với những dãy núi đá sừng sững chạy dài theo hướng Bắc - Nam và những cánh đồng đá tai mèo trải dài hàng chục cây số. Đồng bào dân tộc nơi đây còn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán và những sinh hoạt văn hóa độc đáo. Hội chọi dê mùa xuân là một trong những hoạt động vô cùng hấp dẫn của vùng đất này.

Anh Giàng A Dình luôn coi đàn dê của mình như một sản vật quý
Anh Giàng A Dình luôn coi đàn dê của mình như một sản vật quý

Sản vật quý trên cao nguyên đá

Trước lễ hội chọi dê mùa xuân của xã Xá Nhè năm nay, chúng tôi đến bản Sín Sủ gặp anh Giàng A Dình, người có đàn dê đẹp nhất trong xã để tìm hiểu về cách nuôi dê, loại gia súc được coi là sản vật của vùng cao nguyên đá. Anh Dình có đàn dê trên 30 con. Đây là loại dê địa phương, có bộ lông dày dặn, ấm áp, hợp với khí hậu trên vùng núi cao sương lạnh quanh năm.

Anh Dình chia sẻ: “Người Mông ở Tủa Chùa nuôi dê từ xa xưa và coi đây là loại thực phẩm bổ dưỡng. Dê ít bệnh tật, ăn tạp, lại leo trèo rất giỏi, nên có thể leo lên những mỏm đá tai mèo cheo leo để tìm kiếm cỏ, lá trong mùa khô kiệt. Người Mông huyện Tủa Chùa thường nuôi dê theo lối thả rông. Những ngọn núi cao cách biệt làng bản, nương đồi là nơi họ chọn chăn thả loài vật này. Bởi được chăn thả tự nhiên, lớn lên bằng cỏ cây núi đá, uống nước mưa sương, nên dê Tủa Chùa có chất lượng thịt thơm ngon đặc biệt. Dê Tủa Chùa nuôi bao nhiêu cũng có thể bán hết, người miền xuôi cũng tìm lên đây đặt hàng”.

Dựng một lán gỗ nhỏ trên núi để nuôi dê nhưng hai, ba ngày anh Dình mới về đây gọi dê, cho chúng ăn một ít hạt ngô để con vật không quên nhà, quên chủ. Đàn dê của gia đình anh cứ thế mà lớn lên, trở thành tài sản quý. Giá dê thương phẩm ở địa phương hiện nay vào khoảng 120 nghìn đồng/kg. Với đàn dê sinh sản đều đặn hàng năm anh Dình có thể thu từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Mỗi đàn dê thường có một dê đực đầu đàn, khỏe mạnh, sung mãn. Con dê đực đầu đàn được 2 tuổi, nặng gần 30kg ngày mai sẽ được anh Dình đưa xuống núi dự Hội chọi dê.

“Dê đực đầu đàn đang trong độ sung mãn có thể quản lý tới 30 đến 50 con dê cái. Dê đầu đàn cũng luôn phải bảo vệ vị trí của mình trước các dê đực khác, bởi vậy chúng rất hiếu chiến. Nó sử dụng cặp sừng cong vút và móng guốc chắc khỏe để chiến đấu, dê đầu đàn luôn giành chiến thắng trước các đối thủ khác”, anh Dình cho biết thêm.

Các “đấu sĩ” cống hiến nhiều pha tấn công đẹp mắt
  • Các “đấu sĩ” cống hiến nhiều pha tấn công đẹp mắt

Khuyến khích phát triển chăn nuôi

Con dê thực sự là tài sản quý của người Mông vùng cao huyện Tủa Chùa. Để khuyến khích người dân địa phương phát triển đàn dê, chính quyền địa phương đã dùng nhiều cách như tập huấn về chăn nuôi, hỗ trợ dê giống để bà con phát triển. Những năm gần đây, các cụm xã trong huyện còn tổ chức Hội chọi dê thu hút đông đảo bà con nhân dân khắp các xã đến tham dự, cổ vũ. Hội chọi dê được huyện Tủa Chùa tổ chức từ năm 2016 ở cụm các xã phía Bắc. Năm 2019, ngày hội này tiếp tục được phát triển xuống các xã phía Nam. Năm nay xã Xá Nhè tổ chức Hội chọi dê lần đầu tiên.

Từ sáng sớm, trên khu đất rộng ngay bên chợ phiên Xá Nhè, bà con nhân dân ở khắp các xã trong huyện đã đến rất đông vui. Cả hội xuân rực lên một màu đỏ thắm của những bộ váy nhung hoa kiểu cách rất đặc trưng. Anh Giàng A Dình cũng đã dắt những chú dê khỏe mạnh, dũng mãnh của mình về đến đây. Đàn dê đẹp của anh thu hút sự chú ý của nhiều người. Con dê đầu đàn của anh Dình được đeo số 13. Vào cuộc đấu dê đầu đàn đem hết “tài sức”, trổ các đòn hiểm để tấn công đối thủ. Cuộc thi đấu giữa những chú dê thường không phải là các cuộc đấu sinh tử, nhưng những pha ra đòn của các “đấu sĩ” với các thế võ độc đáo như: “Hổ vồ”, khóa sừng, hất bụng… đẹp mắt và ấn tượng, vô cùng thu hút đối với người xem. Hàng nghìn ánh mắt không thể rời được sân đấu cùng với tiếng reo hò vang dội, khiến hội xuân tưng bừng, náo nhiệt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa Hoàng Thị Tuyết Ban cho biết: Con dê gắn liền với lịch sử phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, cũng như thực hiện các chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Để người dân quan tâm hơn đến phát triển đàn gia súc, huyện đưa hình thức chọi dê vào các hoạt động văn hóa dân gian. Năm nay, huyện tổ chức cấp xã ở hai cụm phía Bắc và phía Nam, cuối tháng 9, đầu tháng 10 thì sẽ tổ chức ở cấp huyện. Huyện xác định đây cũng là một điểm nhấn trong phát triển du lịch của địa phương.

Đến với cao nguyên đá Tủa Chùa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những cảnh quan kì thú như thung lũng mây huyền ảo, những cánh đồng đá kì lạ, những hang động diễm lệ, mà còn được tham dự Hội chọi dê vô cùng sôi động. Lễ hội chọi dê đã đem đến vùng cao nguyên đá Tủa Chùa không khí sôi nổi, hào hứng trong những ngày đầu năm. Chính quyền ở đây luôn mong mỏi qua những lễ hội đầy sức thu hút như thế này sẽ góp phần giúp các xã vùng cao Tủa Chùa “đánh thức” tiềm năng du lịch còn tiềm ẩn để vươn lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.