Theo Tạp chí Military Watch (MW), Trung Quốc đã chứng tỏ những tiến bộ lớn trong hệ thống cảnh báo và kiểm soát trên không (AEW&C) với việc giới thiệu máy bay hạng nặng KJ-3000 thế hệ mới.
Được phát triển trên nền tảng máy bay vận tải Y-20B, trang bị động cơ WS-20, chiếc KJ-3000 trở thành một phần quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa của Không quân Trung Quốc (PLAAF).
Trước đây, xương sống của phi đội AEW&C Trung Quốc bao gồm máy bay KJ-500 được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA) tiên tiến. Những phương tiện này có thể theo dõi đồng thời tới 100 mục tiêu, nhưng nền tảng của chúng dựa trên máy bay vận tải cánh quạt Y-9, có đặc điểm về phạm vi và tải trọng hạn chế.
KJ-3000 mới vượt trội đáng kể so với phiên bản tiền nhiệm về các thông số này, cung cấp cho PLAAF cấu hình cao - thấp độc đáo của các hệ thống AEW&C, không có cơ cấu tương tự ở bất kỳ quân đội nào khác trên thế giới.
Các chuyên gia lưu ý rằng việc tăng kích thước cảm biến trên KJ-3000 có thể mở rộng đáng kể khả năng phát hiện và kiểm soát, điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện vùng trời ngày càng bão hòa với máy bay tàng hình thế hệ thứ năm và thứ sáu.
Radar lớn của KJ-3000 sẽ hoạt động kết hợp với các cảm biến trên mặt đất, trên biển và trên không, cung cấp khả năng xác định và theo dõi các mục tiêu tàng hình ở khoảng cách xa hơn nhiều so với trước đây.
Máy bay vận tải Y-20 - khung gầm của KJ-3000, đã trở thành nền tảng quan trọng cho việc hiện đại hóa các loại hệ thống hàng không của Trung Quốc.
Phương tiện này trước đây được điều chỉnh thành máy bay tiếp dầu trên không YY-20, bắt đầu huấn luyện để sử dụng chiến đấu vào năm 2022, đã nâng cao đáng kể khả năng tiếp nhiên liệu trên không của PLAAF. Tương tự như vậy, KJ-3000 được thiết kế để cách mạng hóa hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm của Trung Quốc.
Việc sử dụng các hệ thống AEW&C đã chứng tỏ giá trị của nó trong nhiều cuộc xung đột hiện đại. Trong cuộc chiến Nga - Ukraine, Moskva đang tích cực sử dụng phi đội A-50U số lượng hạn chế để kiểm soát hỏa lực cho các tên lửa tầm xa như 40N6 và R-37M, cho phép chúng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400 km.
Tương tự, KJ-500 của Trung Quốc cũng hỗ trợ các máy bay chiến đấu của họ, bao gồm cả J-20, cho phép chúng bắn tên lửa tầm xa với độ chính xác cao.
Điều thú vị là Trung Quốc tiếp tục phát triển không chỉ các hệ thống AEW&C mà còn cả sự tương tác của chúng với các thành phần khác của đội bay.
Máy bay chiến đấu J-20 và J-16, vốn là xương sống của PLAAF được trang bị radar có kích thước và khả năng cao hơn đáng kể so với loại được sử dụng trên máy bay phương Tây, bao gồm cả F-16 và F-35.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất phát triển máy bay chiến đấu tàng hình hai chỗ ngồi, cho phép phi công phụ thực hiện nhiệm vụ quản lý chiến đấu mà các mẫu tiêm kích phương Tây không thể thực hiện được.
Những thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực AEW&C đang buộc phương Tây phải xem xét lại cách hiện đại hóa hàng không của họ.
Ví dụ, Hoa Kỳ đã bắt đầu thay thế các hệ thống E-3 Sentry lỗi thời bằng Boeing E-7 Wedgetail hiện đại hơn, mặc dù những máy bay này kém hơn KJ-3000 về kích thước cảm biến và khả năng tổng thể.
Theo một số nhà phân tích quân sự, chiến lược hiện đại hóa AEW&C của Trung Quốc củng cố vị thế của nước này ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho các đối thủ.
Ban lãnh đạo PLAAF tập trung vào nhu cầu chuẩn bị cho các xung đột công nghệ cao trong tương lai, nơi vai trò của những hệ thống AEW&C sẽ càng trở nên quan trọng hơn.
Kết hợp với máy bay chiến đấu tiên tiến và tên lửa tầm xa, KJ-3000 và những hệ thống cảnh báo sớm khác tạo thành nền tảng cho sự cạnh tranh toàn cầu trong ngành hàng không quân sự hiện đại.