Bỏ lại được không, những mùa hoa ấy?

GD&TĐ - Sau “cơn sốt”của 3 tập thơ đã ra mắt những năm 2015, 2016, tháng 3/2019, NXB Hội nhà văn tiếp tục biên tập và phát hành tập thơ “Những mùa hoa bỏ lại” của nhà thơ Lan Anh như một món quà đặc biệt dành tặng cho những người phụ nữ nhân dịp ngày 8/3. Tập thơ đánh dấu sự trở lại ngọt ngào của một tác giả từ lâu đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Nhà thơ, nhà giáo Lan Anh
Nhà thơ, nhà giáo Lan Anh

“Những mùa hoa bỏ lại” là tập thơ thứ tư, khá dày dặn của cô giáo Lan Anh và cả tập thơ 60 bài hầu như chỉ viết về tình yêu, những ký ức và giấc mơ tình yêu; thảng thốt nỗi niềm day dứt không nguôi của mất còn, riêng những đa đoan và khát vọng yêu thương… thơ của chị có nhiều hình ảnh phố núi cao nguyên, những mùa hoa luân dã nhưng phảng phất heo may se sắt của mùa phương Bắc.

Thơ Lan Anh buồn như trảng cỏ trên cao nguyên đầy nắng gió. Buồn nhưng đó là nỗi buồn đẹp, nỗi buồn thể hiện độ sâu của cuộc sống nội tâm. Hồn thơ ấy có buồn cũng không bi phẫn mà cất thật sâu, ủ thật kỹ và chị đã chuyển hóa nó vào thơ bằng nghệ thuật hết sức tế nhị và tinh tế qua từng câu chữ của mình.

Biểu tượng ngôn ngữ trong thơ chị đã chạm vào tim người đọc, bởi thơ chính là linh hồn, là sự sống trong cách biểu đạt ngôn ngữ. Thơ cũng chính là cái đẹp, là tình yêu, là khát vọng, là cảm xúc thăng hoa nhất của mỗi con người.

Tập thơ “Những mùa hoa bỏ lại” mới mẻ trong cách thức lựa chọn, với góc độ tiếp cận về cấu tứ, về hình tượng. Thơ chị đã gợi ra cảm xúc cho độc giả bằng sự nhạy cảm của tâm hồn.

  • “Năm tháng
  • chẳng giấu nổi vết buồn
  • Từng giọt thời gian
  • trăn trở
  • Em vẫn đi về
  • chiều hoàng hôn
  • Gió vỡ
  • Đêm nguyện cầu
  • Vấp
  • Sương trắng cao nguyên”.
  • (Trích trong bài Gió vỡ).
  • Bài tập thơ “Những mùa hoa bỏ lại” do NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 3/2019.
     Bài tập thơ “Những mùa hoa bỏ lại” do NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 3/2019.

Phải có những rung động, thăng hoa nhất chị mới nhìn thấy được “gió vỡ” trong tâm hồn. Người ta nhắc đến gió mùa, gió lạnh, gió heo may... mấy ai nhìn thấy được “gió vỡ” trên cánh đồng thảo nguyên mênh mông ấy.

  • “Nỗi nhớ anh dài hơn cả mùa đông
  • Chẳng thể gọi tên, cồn cào trở rét
  • Em về nhé, nơi mùa thu xanh biếc
  • Phía bên kia, hoa rụng trắng lưng đồi”
  • (Gió vỡ)

Những câu thơ thật gợi. Thơ Lan Anh thường mở rộng biên độ không gian, ngữ cảnh và thi ảnh đẹp đến se lòng để se lại niềm nhớ nhung và nỗi buồn, se sẽ thấm vào tâm trạng những ký ức yêu thương, lãng mạn.

Cuối cùng, vẫn là những mơ ước trở về thời gian yêu, vẻ đẹp của quá vãng, của tình yêu đã đi qua trong nuối tiếc đến se lòng, như những mùa hoa đã bỏ lại trên cao nguyên, mùa hoa biểu tượng của cái đẹp một thời đã lùi lại phía sau… mà “Bỗng thấy thương ngày cũ/ Thương hoa vàng bến sông”.

Ngôn ngữ thơ Lan Anh đẹp, có nét riêng miên tình mà sâu lắng của người phố núi trên những câu thơ gợi hình, gợi cảnh, gợi mùa, gợi tâm trạng, những khao khát yêu thương, nhân hậu… nơi thành phố của tình yêu, của những mùa hoa, mùa dã quỳ vàng rực ký ức thanh xuân.

  • “Con Sẻ nào vẫn đợi nỗi nhớ thương
  • Của mùa cũ vương đầy trong tiếng hót
  • Của những năm tháng hồn nhiên yêu mải miết
  • Khát nhớ nhau mà chỉ dám đợi chờ...”

Có rất nhiều bài thơ của chị với những nỗi niềm chất chứa trong lòng về cuộc sống, về con người. Đọc lên ta thấy có điều gì trầm buồn , ám ảnh trong tâm thức, đằm sâu trong triết lý nhân sinh như bài “Có còn trong những cơn mơ”, “Người đàn bà khóc trên vai tôi”, “Lạc”, “Về ngang tháng bảy”, “Đêm khát”, “Gió vỡ”...

Có những năm tháng đi qua cuộc đời nhẹ nhàng và bình yên. Có những năm tháng đi qua cuộc đời để lại nhiều kỷ niệm và dấu ấn thật đậm nét. Đã từng là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đambri và hiện nay Lan Anh chuyển công tác về Sở GD&ĐT Lâm Đồng.

Đi xa là để nhớ về với những vui, buồn, được mất, thành công, thất bại như lời bài hát “hội ngộ rồi chia ly/ cuộc đời vẫn thế...” đó chính là quy luật của cuộc sống. Vẫn biết là vậy mà thật khó nói cho lòng mình. Chị đã trút tâm sự vào thơ và thơ như là người bạn cứu cánh cho những nỗi buồn, niềm vui riêng của chị.

“Những mùa hoa bỏ lại” là tập thơ cuối và chị định không làm thơ nữa, khi chuyển nơi làm việc từ Bảo Lộc lên thành phố Đà Lạt, như những mùa hoa bỏ lại. Nếu đúng như thế thì cũng thật tiếc với một giọng thơ nữ rất đáng chú ý, đáng đọc, đang độ chín và cũng hiếm ở xứ hoa và cao nguyên Đà Lạt vậy.

Đấy lại là câu chuyện của cái duyên và nghiệp. Bởi tự lòng chị đã thảng thốt:

  • Nghe gió vỡ, mùa chia ly, thật rồi...
  • Anh chẳng thể nắm tay em đi mãi
  • Chẳng thể cùng em hôn lên mùa hoa dại
  • Một triền đê tím ngắt dấu môi nào.. .”.

Làm sao đứt đoạn được những mùa hoa lúc nào cũng thổn thức, giấu trong ngực áo nhỉ?

Nhà thơ Lan Anh tên thật là Đinh Thị Lan Anh, sinh năm 1978 tại Hải Dương. Chị nguyên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học ĐamB’ri, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), hiện đang công tác tại Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ