Lan tỏa lửa khởi nghiệp: Khát vọng để thành công

GD&TĐ - Ý tưởng khởi nghiệp không còn là “độc quyền” của anh chị sinh viên trường CĐ, ĐH mà phát triển ở trường THPT, thậm chí THCS.

Nhóm học sinh Trường THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk) đoạt giải Nhất cuộc thi SV Startup 2020.
Nhóm học sinh Trường THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk) đoạt giải Nhất cuộc thi SV Startup 2020.

Điều này cho thấy “lửa” khởi nghiệp đã lan tỏa và được thầy, trò từ thành thị đến nông thôn, miền núi hào hứng đón nhận. Nhiều dự án tuy chưa đem lại kết quả kinh tế trước mắt nhưng đã hình thành những khát vọng, dám nghĩ dám làm, chấp nhận thất bại để chinh phục kiến thức và tự tin tiến về phía trước.

Ước mơ làm giàu từ đặc sản địa phương

Lấy lợi thế của địa phương làm nền tảng để khởi nghiệp luôn là ý tưởng của nhiều học sinh, sinh viên (HSSV). Trịnh Ngọc Vân Anh - SV Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM - trưởng nhóm đoạt giải Nhất cuộc thi SV Startup 2020 cho biết: Sau khi thu hoạch, thân chuối trở thành phế phẩm nông nghiệp, thường được dùng làm thức ăn gia súc. Do đó, nhóm đã hình thành ý tưởng thực hiện dự án tận dụng thân chuối để sản xuất ra sản phẩm giấy sạch, thân thiện môi trường. 

Cũng hình thành ý tưởng khởi nghiệp từ phế phẩm nông nghiệp, nhóm HS Trường THPT Hoàng Việt (Đắk Lắk) đã nghiên cứu chế tạo thành công ống hút từ hạt bơ, có thể ăn được. Màu sắc của sản phẩm được tạo ra từ các loại thực vật như rau ngót, nghệ, lá cẩm. Giá thành của ống hút từ hạt bơ rẻ hơn so với ống hút gạo và ống hút cỏ. 

Chia sẻ về ý tưởng chế tạo ống hút từ hạt bơ, trưởng nhóm Bùi Thị Thanh Mai bày tỏ: Trong khi cả thế giới đang kêu gọi hạn chế rác thải nhựa mà ở địa phương lại sẵn nguồn nguyên liệu tự nhiên có thể chế tạo được ống hút, vật dụng được sử dụng hằng ngày nên chúng em đã cùng nhau nghiên cứu và thử nghiệm với hạt bơ. 

Nhóm nghiên cứu đã thu mua hạt bơ tươi, sau đó sơ chế nhằm loại bỏ vị đắng và phơi khô, xay thành bột. Sau khi pha trộn các nguyên liệu gồm: Bột hạt bơ, bột gạo, màu tự nhiên và nước theo công thức nhất định, hỗn hợp được đưa vào máy ép để định hình ống hút và mang đi hấp qua lồng hấp nhiệt bằng hơi nước nhằm tăng độ kết dính của nguyên liệu và bảo đảm độ bền cho sản phẩm. 

Ống hút sau khi hấp được mang đi sấy khô, đóng gói và bảo quản. Sản phẩm có thể sử dụng trong các loại  nước uống khoảng 2 - 3 giờ và có hạn sử dụng lên tới 12 tháng kể từ ngày sản xuất. Đặc biệt, sau khi sử dụng, ống hút từ hạt bơ có thể ăn được hoặc phân hủy hoàn toàn trong khoảng 2 - 3 tháng nếu loại bỏ ra môi trường. 

Với đặc tính là dùng một lần nên ống hút từ hạt bơ sẽ hạn chế được thời gian và chi phí trong khâu vệ sinh, cọ rửa, làm sạch sản phẩm như ống hút inox, ống hút tre… Đồng thời, dưới sự hỗ trợ của các thầy cô trong trường, sản phẩm của các em được đóng gói trong bao bì phù hợp với nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Nhóm HS nghiên cứu và các thầy cô hướng dẫn Trường THPT chuyên Lào Cai. Ảnh: NTCC
Nhóm HS nghiên cứu và các thầy cô hướng dẫn Trường THPT chuyên Lào Cai. Ảnh: NTCC

Bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0

Cùng với các ý tưởng khởi nghiệp từ  đặc sản địa phương, nhiều HS, SV còn mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào dự án của mình. Nói về đề tài Trường học số 4.0, nhóm SV Khoa Kế toán Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp chia sẻ: Sản phẩm là nền tảng giáo dục trực tuyến hỗ trợ tổ chức, cá nhân một cách chất lượng, đầy đủ, đơn giản trong quá trình quản trị, đào tạo và học tập. 

Sản phẩm được triển khai thử nghiệm tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp thông qua website: http://40.uneti.edu.vn. Sản phẩm của dự án cũng được thử nghiệm tại Trường Đại học Việt Nhật, Khoa ngoại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội... Nền tảng được sử dụng đơn giản, thao tác dễ dàng, bảo mật tuyệt đối.

Cũng áp dụng công nghệ hiện đại vào khởi nghiệp, nhóm SV Trường Đại học FPT Cần Thơ thực hiện dự án cung cấp giải pháp cho người chăn nuôi có thể nhận diện bệnh trên gia cầm bằng trí tuệ nhân tạo, giúp giảm thiểu rủi ro thất thoát do dịch bệnh.

Trình bày về ý tưởng của mình, trưởng nhóm Phạm Quốc Nghị nói: Người dùng có thể dễ dàng tải ứng dụng trên nền tảng Android, iOS hay mã QR khi thiết bị kết nối Internet tại bất cứ nơi nào. 

Với mong muốn hỗ trợ người cao tuổi qua ứng dụng thông minh, nhóm SV Trường Đại học Mở Hà Nội đã hình thành ý tưởng xây dựng app CASO hướng đến giải quyết nhu cầu kết nối, chia sẻ - vấn đề mà người cao tuổi đang gặp phải khi các con cháu ở xa, ít có thời gian quan tâm, chăm sóc.

Theo Nguyễn Ngọc Ánh - trưởng nhóm nghiên cứu, dự án App CASO - Connect and support olders là mô hình tích hợp nhiều tính năng giúp kết nối và hỗ trợ người cao tuổi với mục đích mang lại những điều tốt đẹp nhất, từ chăm sóc sức khỏe đến giải trí, đáp ứng nhu cầu tâm sinh lí người già. App CASO là nền tảng tiện ích hỗ trợ người cao tuổi tiên phong thị trường với quy mô người dùng tiềm năng, không chỉ là người cao tuổi mà còn tạo hệ sinh thái gia đình cùng tải và sử dụng app.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật TPHCM đoạt giải nhất cuộc thi SV Startup 2020.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật TPHCM đoạt giải nhất cuộc thi SV Startup 2020.

Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư

Tại cuộc thi Phát minh và Sáng chế công nghệ E-Nnovate 2020 (Ba Lan tổ chức), nhóm học sinh (HS) Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) đã xuất sắc vượt qua nhiều phát minh đến từ 20 quốc gia để giành Huy chương Vàng với đề tài nghiên cứu hợp chất chiết từ hỗn hợp lá đu đủ và củ tam thất chống ung thư. 

HS Quách Hiền Thương, lớp 11 chuyên Sinh – Trưởng nhóm nghiên cứu đồng thời là người đưa ra ý tưởng cho biết: Chọn lá cây đu đủ và củ tam thất để nghiên cứu và thử nghiệm khả năng chống ung thư trong điều kiện phòng thí nghiệm bởi đầu năm 2020, khi bà của em bị mắc bệnh ung thư gia đình đã đun lá đu đủ để bà uống. Ngoài ra còn dùng thêm củ tam thất để chữa bệnh. 

“Là một HS chuyên Sinh, bản thân em nghĩ chắc chắn trong 2 loại cây, củ đó phải có thành phần có thể chữa được bệnh thì dân gian mới dùng để chữa bệnh bấy lâu nay. Do đó em nghĩ tới việc kết hợp 2 loại đó với nhau để tìm ra liệu pháp chống ung thư từ bài thuốc dân gian và trình bày ý tưởng cùng nhà trường, thầy  Đặng Ngọc Cường và được đồng ý hướng dẫn, lập nhóm cùng nghiên cứu” – em Quách Hiền Thương chia sẻ. 

Thầy Đặng Ngọc Cường cho biết thêm: E-Nnovate Contest Poland 2020 là “sân chơi” được tổ chức thường niên tại Ba Lan để các nhà khoa học và tri thức trẻ giới thiệu ý tưởng phát minh, sáng chế và các sản phẩm theo công nghệ mới. Tuy nhiên, năm 2020 vì dịch Covid-19 bùng phát nên ban tổ chức điều chỉnh thi từ trực tiếp sang trực tuyến với 2 đợt tháng 11 và 12. Ban giám khảo (BGK) là những chuyên gia quốc tế đầu ngành đại diện nhiều lĩnh vực khoa học cùng đánh giá các phát minh, sáng chế gửi tới “tranh tài” dựa trên báo cáo chi tiết nội dung nghiên cứu bằng video và poster. HS tham gia nghiên cứu đề tài trình bày bằng tiếng Anh trong quá trình thi trực tuyến. Quá trình tham dự cuộc thi, thí sinh được cập nhật, trao đổi thông tin thường xuyên với BGK qua công nghệ số của mỗi Virtual Booth (phòng thi ẢO), Zoom hoặc Email.

Dự án app kết nối và hỗ trợ người già CASO của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội.
Dự án app kết nối và hỗ trợ người già CASO của sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội.

Đề tài nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và tổng hợp chất chiết xuất từ hỗn hợp lá đu đủ và củ tam thất được thử nghiệm khả năng chống ung thư trong điều kiện Invitro (phòng thí nghiệm) của nhóm HS Trường THPT chuyên Lào Cai đã được BGK đánh giá cao về mặt ý tưởng, xuất phát từ thực tiễn, bảo vệ môi trường, tính nhân văn và khả năng trình bày bằng tiếng Anh. 

Theo thầy Nguyễn Minh Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai, dự án nghiên cứu thể hiện  mong muốn chia sẻ, quan tâm tới sức khỏe cộng đồng của HS, là cơ hội tốt để HS tập dượt trong nghiên cứu khoa học; giúp các em có thói quen làm việc khoa học; nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh (đặc biệt tiếng Anh chuyên ngành) khi viết và trình bày báo cáo khoa học.

Nói về khó khăn khi tham gia “sân chơi” phát minh và sáng chế công nghệ lớn, thầy Đặng Ngọc Cường cho hay: Do cuộc thi được tổ chức theo hình thức online nên mọi vấn đề, trao đổi chủ yếu qua email hoặc video với ban tổ chức. Những báo cáo khoa học hoàn toàn trên giấy, thuyết trình đọc poster cũng khiến các đội gặp phải những hạn chế nhất định trong thuyết trình ý tưởng. 

Tuy nhiên, HS của Trường THPT chuyên Lào Cai đã luyện tập thuyết trình trước 2 tháng nên kĩ năng nói tốt, tự tin, khắc phục cơ bản sai sót, rụt rè khi giao tiếp. Mặt khác, dù nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa cho nghiên cứu song cơ sở vật chất cho những nghiên cứu sâu còn hạn chế nên nhóm phải tự khắc phục khó khăn theo nhiều cách để hoàn thành đề tài một cách tốt nhất…

Em Quách Hiền Thương chia sẻ: Tham gia vào cuộc thi, chúng em phải cân đối hợp lý thời gian học và nghiên cứu đề tài; tự học và tìm đọc nhiều tài liệu… Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường đều là những thầy cô đam mê với nghiên cứu khoa học đã luôn khuyến khích, động viên, góp ý kịp thời để nhóm nghiên cứu thêm động lực, quyết tâm với đề tài.

Huy chương Vàng mà nhóm HS Trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai đạt được tại cuộc thi Phát minh và Sáng chế công nghệ quốc tế không chỉ ghi nhận nỗ lực nghiên cứu khoa học của HS dưới sự tư vấn, hướng dẫn của các thầy cô giáo, nhà khoa học trong nước. Giải thưởng còn là “cú hích” động viên HS, GV toàn trường với hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh giáo dục STEM – một trong những hướng đi  nhà trường đã và đang triển khai nhằm nâng cao hơn nữa vị thế, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. - Thầy Nguyễn Minh Thuận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ