Các nhà tổ chức Kỳ thi Tay nghề Thế giới hướng tới mục đích thể hiện tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp và của việc liên tục phát triển tay nghề, cũng như phát triển những nghề mới. Một trong những nghề mới được đưa vào kỳ thi năm nay đó là nghề “công nghệ nước”.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Nguyễn Thái Phương là thí sinh đứng thứ nhất trong cuộc thi quốc gia diễn ra vào tháng 11/2018 tại Trường CĐ Kỹ nghệ II TPHCM, đại diện cho Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới trong nghề công nghệ nước. Nguyễn Thái Phương sẽ có mặt tại Kazan (Nga) để trình diễn tay nghề, tranh tài với các thí sinh đến từ những quốc gia khác.
Tại cuộc thi này, các thí sinh quốc tế sẽ thể hiện hết mình kỹ năng, khả năng của họ trong nhiều mảng thuộc nhóm nghề về “công nghệ nước” như: Phân tích nước, công nghệ đo, điều khiển và điều chỉnh, bảo trì thiết bị phụ trợ, điều khiển nhà máy xử lý nước thải. Bên cạnh chuyên môn kỹ thuật, sự khéo léo, tốc độ và khả năng làm việc nhóm cũng đóng một vai trò quan trọng.
Quy trình trong xử lý nước thải được vận hành thông suốt chỉ có thể được bảo đảm khi người công nhân đứng sau quy trình này được đào tạo tốt. Do đó, cần có một chương trình đào tạo hiện đại với cấu trúc tốt.
Trong tháng 11/2018, khóa sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo phối hợp nghề “kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” tại Trường CĐ Kỹ nghệ II. Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề tại Việt Nam hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Hội Cấp thoát nước Việt Nam đã hỗ trợ quá trình xây dựng chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.
Dự án được tài trợ bởi Chính phủ Đức và thực thi bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cùng các đối tác khác từ Đức.
Bức bách nhu cầu nhân lực
Chất lượng của chương trình đào tạo nghề theo “tiêu chuẩn Đức” có thể coi là kiểu mẫu để đào tạo kỹ thuật viên thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam. Đây cũng chính là tiền đề giúp cho các chuyên gia Việt Nam có thể đại diện cho quốc gia trong kỳ thi thế giới. Sắp tới, chương trình đào tạo mới nghề “kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải” sẽ không chỉ được đào tạo ở Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, mà còn tại các trường cao đẳng khác trong cả nước.
Việt Nam hiện có 41 nhà máy nước thải hoạt động với tổng công suất 950.000 m3/ngày đêm và 28 nhà máy đang trong giai đoạn thiết kế, xây dựng. Nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật của ngành thoát nước và xử lý nước thải đang ngày càng trở nên cấp thiết.
Nhu cầu này sẽ trở nên bức bách hơn khi các doanh nghiệp đang thực hiện cổ phần hoá, tái cấu trúc, đầu tư nâng cấp dây chuyền kỹ thuật cũng như áp dụng các công nghệ mới, điều này đòi hỏi lực lượng kỹ thuật của ngành cần phải liên tục được bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ để có thể đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn công việc và doanh nghiệp sử dụng lao động.
TS Juergen Hartwig, Giám đốc Chương trình GIZ Việt Nam cho biết: Việt Nam ngày càng có thêm nhiều cơ sở hiện đại trong việc xử lý nước thải, chính vì vậy ngành này đang cần thêm nhiều kỹ thuật viên chất lượng cao. Các kỹ thuật viên phải có trình độ kỹ năng chất lượng cao tương đương với tiêu chuẩn kỹ năng của Đức.
Nghề xử lý nước thải không chỉ rất cần thiết ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà còn cần thiết ở mọi nơi bởi ý nghĩa quan trọng của nó đối với môi trường.