Đào tạo tự động hóa: Dùng công nghệ tiên tiến để nâng chất nhân lực

GD&TĐ - Một trong những thay đổi đột phá trong cách mạng công nghiệp 4.0 là các dây chuyền sản xuất tự động hóa, robot và trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế sức lao động của con người.

Đào tạo tự động hóa tại trường cđ cơ điện hà nội.
Đào tạo tự động hóa tại trường cđ cơ điện hà nội.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, nhiệm vụ đào tạo đến nay không chỉ dừng lại là những công nhân kỹ thuật lành nghề, mà còn phải là những lập trình viên giỏi, có đủ khả năng thiết kế, sáng tạo những sản phẩm, quy trình sản xuất mới cho hệ thống tự động hóa.

Công nghệ đào tạo tiên tiến

Tập trung vào đào tạo lĩnh vực tự động hóa của hai nghề Điện công nghiệp và Cơ điện tử, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội đã được trang bị dây chuyền mô phỏng quy trình tự động hóa trong một nhà máy. Đây là các thiết bị tự động hóa, bao gồm các cấu phần của công nghệ 4.0, bao gồm mạng lưới kết nối Internet với các thiết bị công nghệ in 3D, robot và trí tuệ nhân tạo.

Với thiết bị đào tạo này, sinh viên sẽ được học những kiến thức, kỹ năng để lập trình cho toàn bộ quy trình sản xuất, gia công, lắp ráp. Đây là một dây chuyền công nghệ đào tạo tiên tiến nhất trên thế giới mà nhà trường mới trang bị phục vụ cho công tác đào tạo. Dây chuyền công nghệ tự động hóa này cũng được sử dụng trong các kỳ thi tay nghề thế giới.

 Năm 2019, nhà trường đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyển sinh, sinh viên mới nhập học sẽ được nhận ngay hợp đồng đến với doanh nghiệp. Đã có những doanh nghiệp đặt hàng với nhà trường, sinh viên đang học được bao ăn, ở, thực tập tại doanh nghiệp với lương tối thiểu 5 - 6 triệu đồng/tháng. Đây có thể được xem là mô hình mới với sự cam kết mạnh mẽ hơn đối với người học nghề của nhà trường và doanh nghiệp  
Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.

Quá trình đào tạo, sinh viên sẽ được thực hành lắp đặt phần cơ khí để hình dung được toàn bộ quá trình vận hành của dây chuyền tự động hóa, bắt đầu từ việc đưa nguyên liệu đầu vào là cấp phôi, phân loại, đo kiểm, lắp đặt, đến ra sản phẩm.

Sinh viên được đào tạo sử dụng máy tính để kết nối, lập trình cho dây chuyền sản xuất hoạt động theo ý tưởng được đưa ra. Đây cũng chính là các bài tập trong quá trình đào tạo được thầy giáo giao cho các sinh viên.

Chương trình đào tạo đi sâu vào những kỹ năng thực tế, sinh viên được học bài tập tổng hợp từ khâu cơ khí lắp đặt đến lập trình cho hệ thống hoạt động, hoàn thiện sản phẩm. Dây chuyền kết nối không dây điều khiển đến từng phần tử trong hệ thống. Sinh viên, dù ở bất cứ nơi nào, cũng có thể điều khiển hệ thống sản xuất theo yêu cầu của đơn đặt hàng bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Cam kết tuyển dụng

Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết: Các dây chuyền tự động hóa này được sử dụng nhiều trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, điện thoại di động,… Vì vậy, sinh viên được đào tạo vận hành hệ thống này, khi ra trường đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp với thực tế sản xuất, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Các em học sinh không cần tốt nghiệp THPT loại xuất sắc mà chỉ cần có đủ kiến thức cơ bản là hoàn toàn có thể tiếp cận những kỹ năng tự động hóa này.

Ngay khi đầu tư thiết bị đào tạo này năm 2017, Trường CĐ Cơ điện Hà Nội đã có sinh viên tham dự kỳ thi tay nghề thế giới. Năm 2019, dự kiến sẽ có 2 sinh viên dự thi kỳ thi tay nghề thế giới. Đây là những kết quả đầu tiên khi nhà trường được trang bị thiết bị đào tạo này.

Chia sẻ về nhiệm vụ đào tạo năm 2019, Hiệu trưởng Đồng Văn Ngọc nhận định: Một trong những thách thức lớn nhất vẫn là khâu tuyển sinh. Nhận thức của phụ huynh và học sinh hầu hết vẫn hướng đến học đại học, điều này làm thỏa mãn ước mơ của thế hệ tương lai nhưng cũng là hệ lụy tác động đến thu hút tuyển sinh của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, vì vậy nhà trường thống nhất với giải pháp cam kết việc làm cho sinh viên. Đây cũng là hiệu quả từ việc hợp tác với doanh nghiệp trong tuyển sinh và tuyển dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ