Kỳ 3: Nhân dân phản đối cấp đất lúa 02 vụ cho doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng

GD&TĐ - Sau 10 năm kể từ ngày được cấp phép, Công ty Thăng Long không triển khai thực hiện dự án khai thác vàng sa khoáng tại khu vực cánh đồng lúa Khắc Kiệm. Khi người dân lên tiếng, chính quyền và doanh nghiệp mới bắt đầu rốt ráo tiến hành hoàn tất thủ tục thu hồi đất và cố biện minh cho những sai phạm của doanh nghiệp trước .

Cánh đồng 02 vụ lúa là nguồn sống chính của trên 60 hộ dân thôn Khắc Kiệm, Xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai
Cánh đồng 02 vụ lúa là nguồn sống chính của trên 60 hộ dân thôn Khắc Kiệm, Xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai

Cánh đồng lúa Khắc Kiệm nằm trong vùng lõi rừng đặc dụng thuộc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng, bốn bề là núi rừng xanh ngắt, muốn vào được thôn Khắc Kiệm chỉ có con đường độc đạo duy nhất là đi qua moong khai thác Mỏ vàng Bản Ná của Công ty Thăng Long hiện đang quản lý, quanh năm bụi bẩn, lầy lội, phá đường của dân để làm vàng.

Con đường vào thôn luôn bị Công ty Thăng Long đào bới để khai thác vàng
 Con đường vào thôn luôn bị Công ty Thăng Long đào bới để khai thác vàng

Ông Lê Văn Đương, 85 tuổi có gần 60 năm tuổi đảng, là người có uy tín nhất trong thôn, bức xúc chia sẻ: Nhân dân chúng tôi bao đời nay sống dựa vào rừng và ruộng lúa. Đến năm 2006, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, giờ rừng đã là rừng đặc dụng, dân không thể tùy tiện sử dụng và khai thác như trước được nữa.

Toàn thôn hiện có trên 60 hộ là đồng bào dân tộc Tày với hàng trăm nhân khẩu đang sống nhờ vào cánh đồng đất 02 vụ lúa, 1 vụ màu này.

Đến năm 2009, Công ty Thăng Long được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác vàng sa khoáng bao trùm lên toàn bộ diện tích cánh đồng lúa Khắc Kiệm. Từ đó cho tới nay, chính quyền bỏ mặc người dân sống trong cảnh lo âu phấp phỏng, chẳng biết bao giờ nhà nước sẽ thu hồi.

Đã vậy, cuộc sống của người dân trong thôn luôn phải gồng mình gáng chịu giữa 02 bên đều là mỏ của Công ty Thăng Long, nước thải từ 8 máng đãi vàng chảy thẳng ra suối, ngấm vào lòng đất, nhân dân không thể lấy nước canh tác và nuôi trồng.

Nhiều lần nhân dân kiến nghị nhưng không được chính quyền trả lời, con cháu trong thôn dần bị “mắc nợ” đành phải thế chấp và bán đất cho Công ty Thăng Long, người được cấy người không được cấy, nhân dân mới vỡ lẽ.

Nhiều năm trôi qua, cánh đồng lúa vẫn nguyên khai, chính quyền không công bố quyết định thu hồi đất, doanh nghiệp không thỏa thuận với người dân, phương án bồi thường GPMB không có nhưng doanh nghiệp đã tự ý san bạt ngọn núi thiêng, xâm phạm đất rừng đặc dụng – cửa ngõ đi vào thôn tại khu vực đập Xuyên Sơn để mở rộng đường cho các phương tiện xe cơ giới hạng nặng lấy đất đãi vàng.

Đội quân bảo vệ mặc quần áo rằn ri luôn nhăm nhe đeo bám người lạ và sẵn sàng bảo vệ đoàn xe lấy đất trong thôn để đưa ra đãi vàng
Đội quân bảo vệ mặc quần áo rằn ri luôn nhăm nhe đeo bám người lạ và sẵn sàng bảo vệ đoàn xe lấy đất trong thôn để đưa ra đãi vàng 

Việc phá ngọn núi thiêng, cửa ngõ đi vào thôn - thêm một lần nữa cho thấy việc bất chấp pháp luật của Công ty Thăng Long là đáng lên án, trong khi dân làng chúng tôi có vi phạm đất rừng đặc dụng thì ngay lập tức bị xử lý nghiêm, nhưng doanh nghiệp vi phạm mua bán, xâm phạm đất rừng đặc dụng hàng chục ha để khai thác vàng, xây dựng các công trình kiên cố trên đất rừng đặc dụng thì không bị xử phạt, tháo dỡ.

Nhân dân chúng tôi rất bất bình, phản đối doanh nghiệp trước những việc làm phi pháp, lập tức doanh nghiệp đã cho người cắt điện sinh hoạt từ nhiều tháng nay, với lý do đường điện là do doanh nghiệp tự bỏ tiền ra kéo, không phải nhà nước đầu tư.

Cực chẳng đã, chúng tôi phải kiến nghị các cơ quan báo đài trung ương phản ánh khách quan, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân, không để doanh nghiệp lợi dụng chính sách để thu hồi đất lúa, đẩy người dân chúng tôi vào cảnh khó khăn.

Là người có uy tín trong thôn, ông Lê Văn Đương rất bất bình trước những việc làm sai trái của Công ty Thăng Long
Là người có uy tín trong thôn, ông Lê Văn Đương rất bất bình trước những việc làm sai trái của Công ty Thăng Long 
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 11/08/2008, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Dự án đầu tư công trình khai thác mỏ vàng sa khoáng lộ thiên Khắc Kiệm do Công ty cổ phần tư vấn khảo sát thiết kế và xây dựng Mỏ - Địa chất (Hà Nội) thực hiện.

Khu vực khai thác vàng sa khoáng có diện tích rộng 42,09 ha, trữ lượng cát quặng nguyên khai 1.312.232,0m3, công suất thiết kế tính theo quặng nguyên khai chưa chế biến là 240.000m3 cát quặng/năm, tính theo sản phẩm đã chế biến tương đương với 55,296kg vàng/năm (99,99% Au).

Tuy nhiên, hết thời hạn khai thác 6,5 năm kể từ ngày ký giấy phép khai thác khoáng sản số 799, Công ty Thăng Long không triển khai thực hiện dự án lại được UBND tỉnh Thái Nguyên “ban thêm cho 1 đặc ân” tại QĐ 2646 điều chỉnh một số nội dung trong giấy phép khai thác khoảng sản 799 theo hướng có lợi cho doanh nghiệp bằng việc giảm trữ lượng cát quặng xuống chỉ còn 254.212m3, thời gian khai thác tăng lên đến 17 năm.

Trước đó, Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản “không cấp phép mới thăm dò, khai thác vàng sa khoáng” nhưng tỉnh Thái Nguyên đã cố tình “lách luật” bằng việc điều chỉnh và ra hạn giấy phép theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là “nhà nước được lợi gì từ việc điều chỉnh giấy phép và cấp phép 03 mỏ vàng cho doanh nghiệp mỗi năm ngân sách thu về được bao nhiêu?”

08 máng đãi vàng tại Mỏ vàng Bản Ná chạy suốt ngày đêm
08 máng đãi vàng tại Mỏ vàng Bản Ná chạy suốt ngày đêm 
Lợi nhuận lớn từ việc khai thác vàng, doanh nghiệp đã mua 02 trụ sở công rồi bỏ đó, Bộ tài chính đã báo cáo Chính phủ
 Lợi nhuận lớn từ việc khai thác vàng, doanh nghiệp đã mua 02 trụ sở công rồi bỏ đó, Bộ tài chính đã báo cáo Chính phủ 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn "ngó lơ"
 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn "ngó lơ"
Biết rõ quy hoạch 03 loại rừng từ năm 2006 nhưng ông Phạm Việt Tiến, phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai vẫn "khéo" ký văn bản xin đưa 9,949 ha đất rừng đặc dụng ra nhằm thoát tội cho doanh nghiệp sau khi có đơn tố cáo
Biết rõ quy hoạch 03 loại rừng từ năm 2006 nhưng ông Phạm Việt Tiến, phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai vẫn "khéo" ký văn bản xin đưa 9,949 ha đất rừng đặc dụng ra nhằm thoát tội cho doanh nghiệp sau khi có đơn tố cáo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ