Kon Tum: Người dân điêu đứng vì khai thác vàng

GD&TĐ - Kể từ khi cơn lốc vàng đi qua, nhiều dòng sông suối tại tỉnh Kon Tum đã bị cày xới nham nhở, dân mất đất sản xuất. Hiệu quả của các dự án vàng chưa thấy đâu, nhưng hệ lụy của nó đang đeo đẳng mỗi gia đình, từng thôn làng.

Sông suối tan hoang sau cơn lốc vàng
Sông suối tan hoang sau cơn lốc vàng

Mất kế sinh nhai vì vàng

Sông Pô Kô chảy qua xã Đắk Ang (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã bị biến dạng do khai thác vàng. Những dấu tích của một công trường khai thác vàng sa khoáng còn khá nguyên vẹn.

Hai bên bờ trước đây là những bãi bồi phù sa phì nhiêu nay đã thành những sa mạc thu nhỏ với diện tích hàng chục nghìn mét vuông. Tình trạng sạt lở hai bên bờ sông cũng đã cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân.

Giữa một bãi đất đá ngổn ngang, chị Y Dôn (thôn Long Dôn, xã Đắk Ang) đang loay hoay đi mót cỏ về cho bò ăn. Khi được hỏi sao đất bỏ hoang nhiều thế này? chị Y Dôn lắc đầu ngao ngán nói:

Trước đây, cả khu vực bãi bồi này rộng khoảng 20.000m2. Đất ở bãi bồi được người dân trong thôn trồng mì, trồng lúa nhưng nay phải bỏ hoang. Nguyên nhân là do đất bị cày xới tung lên để khai thác vàng, giờ chỉ còn trơ đất đá, không có thể trồng được cây gì. Những hộ có đất ở đây giờ họ quay lên rừng để trồng mì kiếm sống.

Những bãi đất hoang do khai thác vàng tạo ra tại thôn Đắk Đóa trước đây là ruộng lúa
Những bãi đất hoang do khai thác vàng tạo ra tại thôn Đắk Đóa trước đây là ruộng lúa

Những diện tích 2 bên bờ sông trước đây chủ yếu là đất bồi, rất phì nhiêu. Sau năm 2015, công ty khai thác vàng rút đi trả lại đất cho bà con trong thôn.

Tuy nhiên, từ đất màu mở công ty đã đào bới lấy vàng, giao lại cho bà con là diện tích đất bạc màu. Hơn 2 năm nay, người dân bỏ hoang vì không thể trồng nổi cây gì trên diện tích đó”, chi Y Dôn cho biết.

Cùng với huyện Ngọc Hồi, Đắk Glei cũng là điểm nóng về khai thác vàng tại Kon Tum. Ngoài các công ty được cấp phép khai thác vàng, thì tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra công khai trong một thời gian dài.

Khi các công ty khai thác vàng hết thời gian khai thác, tình trạng khai thác chui cũng lắng xuống, tuy nhiên hiện trạng trên nhiều con sông suối của huyện đã không còn nguyên vẹn. Hệ quả của các cơn lốc vàng đang hiện rõ từng ngày tại các bản làng.

Bà Y Tun đến nay vẫn chưa biết làm gì kiếm sống khi đất đã bị hoang hóa
Bà Y Tun đến nay vẫn chưa biết làm gì kiếm sống khi đất đã bị hoang hóa

Có mặt tại nhà bà Y Tun (ở thôn Đắk Đoát, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) vào một ngày bình thường, tuy nhiên các thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ.

Thấy khách có vẻ lạ, bà Y Tun chia sẻ: Gia đình hiện không còn đất sản xuất nên ở nhà vậy. Trước đây, gia đình có khoảng 1.500m2 ruộng lúa nằm dọc bờ suối Đắk Mỹ. Nhờ đất tốt nên trồng lúa 2 vụ, năm nào cũng được mùa, không phải lo cái ăn. Tuy nhiên, khi công ty khai thác vàng mua với giá khá cao và hứa sẽ hoàn trả lại đất nên gia đình đồng ý.

“Ban đầu công ty khai thác vàng vào mua lại diện tích đất lúa của gia đình với giá 50.000đồng/m2. Công ty khai thác xong, có san lấp lại mặt bằng nhưng lớp đất màu mỡ bên trên bị trôi đi hết chỉ còn lại sỏi đá ngổn ngang. Mấy năm nay, ruộng đó bỏ hoang nên gia đình lâm vào cảnh khốn khó. Nếu được lựa chọn lại, tôi nhất định không bán đất cho đơn vị khai thác vàng”, bà Y Tun cho biết thêm.

Nguồn thu từ vàng không biết có giúp gì nhiều cho nền kinh tế, nhưng việc dòng sông bị hủy hoại, nguồn cá, nguồn nước bị ô nhiễm, bị hủy diệt là một mất mát không thể bù đắp nổi.

Nói về hệ lụy của cơn lốc vàng vừa đi qua, ông A Mrát - Trưởng thôn Đắk Đoát (xã Đắk Pét) chia sẻ:

Trước đây, khu vực đất đai hai bên của con suối Đắk Blô chảy qua rất phì nhiêu, cá tôm đủ loại, người dân trong thôn không phải lo đến cái ăn. Tuy nhiên, từ khi công ty khai thác vàng đến, người dân cũng ùa theo đi làm vàng. Từ đây, ruộng nương bỏ bê, đất sản xuất bán cho công ty vàng với giá rẻ mạt.

“Người dân trong thôn lỡ bán đất cho công ty khai thác vàng, giờ rất hối hận. Tiền bán đất thì tiêu hết lâu rồi, đất sản xuất công ty trả lại giờ phải bỏ hoang do bạc màu. Trước đây, chỉ cần ra sông là có con cá, con tôm để về cải thiện bữa ăn, giờ thì hết rồi. Nhiều hộ trong thôn rơi vào cảnh thiếu ăn”, trưởng thôn A Mrát nói.

Ngao ngán với các dự án khai thác vàng

Người nông dân bỗng dưng mất sản xuất chỉ vì tin vào lới hứa của các dự án vàng
 Người nông dân bỗng dưng mất sản xuất chỉ vì tin vào lới hứa của các dự án vàng

Về phía đơn vị chức năng cũng thừa nhận việc triển khai dự án khai thác vàng sa khoáng ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng.

Thông tin từ UBND xã Đắk Pét cho hay, Công ty TNHH Kim Sơn Thủy trước khi vào khai thác vàng trên địa bàn xã có hứa thực hiện một số nghĩa vụ về an sinh xã hội, tuy nhiên việc thực hiện không được như đã đưa ra.

Trong quá trình khai thác vàng tại xã Đăk Pét, chính quyền xã đã rất vất vả trong việc duy trì an ninh trật tự. Đặc biệt, người dân thấy công ty được khai thác vàng nên cũng đi làm theo, dẫn đến xã phải bỏ ra nhiều thời gian và tiền bạc để truy quét.

Ông Trịnh Xuân Lộc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei cho biết, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện có 3 đơn vị được cấp phép khai thác vàng gồm: Công ty TNHH Kim Sơn Thủy, Công ty CP Đông Á, Công ty CP Tấn Phát.

Đến nay, đã có 2 đơn vị hết thời hạn khai thác chỉ còn duy nhất Công ty CP Tấn Phát vẫn còn hiệu lực. Đối với dự án còn thời hạn thăm dò khai thác, huyện đã chỉ đạo không cho phép tất cả diện tích đang ổn định sản xuất chuyển nhượng dưới mọi hình thức sang khai thác vàng.

Các chủ doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận vẫn khai thác vàng một cách vô tội vạ kiểu "sống chết mặc bay” và những người dân sống trên mỏ vàng nghèo vẫn hoàn nghèo.

Hệ lụy là vậy, tuy nhiên mới đây, Công ty CP Tấn Phát được cấp giấy phép cho phép khai thác quặng vàng bằng phương pháp lộ thiên và hầm lò tại khu vực Đắk Blô, xã Đắk Blô, huyện Đắk Glei với thời hạn 15,5 năm kể từ ngày ký. Đặc biệt khu vực khai thác đã lấy đi 47,95ha đất rừng tự nhiên (thuộc tiểu khu 9, xã Đắk Blô).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.