Trước đó, theo đơn tố cáo ông Ngô Xuân Hải, nguyên Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Thái Nguyên (nay là Bí thư huyện ủy huyện Đồng Hỷ) đã buông lỏng quản lý để Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long (Công ty Thăng Long) xâm phạm đất rừng đặc dụng và khai thác vàng ngoài lộ giới cùng nhiều nội dung sai phạm khác trong công tác quản lý và tổ chức khi ông Ngô Xuân Hải còn là giám đốc.
Đơn tố cáo đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên xác minh, báo cáo. Đã 03 lần UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra, trong đó, Sở NN và PTNT 02 lần thành lập đoàn: Lần thứ nhất, đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm trên 2ha. Lần thứ 2, đích thân ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở NN dẫn đầu đoàn kiểm tra phát hiện sai phạm trên 12ha. Lần thứ 3, đoàn do ông Trần Văn Hậu, Phó Chánh thanh tra tỉnh Thái Nguyên đi kiểm tra, xác minh và báo cáo UBND tỉnh sai phạm trên 20ha.
Qua mỗi lần đoàn kiểm tra, báo cáo, con số sai lệch được tăng lên, thực chất đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm “chưa bị lộ sáng”. Sau một thời gian dài kiểm tra, báo cáo nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn không có biện pháp ngăn chặn, chỉ đạo xử lý sai phạm, doanh nghiệp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, thách thức dư luận và người dân.
Vừa qua, Công ty Thăng Long lại tiếp tục xâm phạm đất rừng đặc dụng, bạt 02 bên sườn núi khu vực đập Xuyên Sơn. Chủ rừng là ông Nguyễn Quang Lịch, Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cho rằng: “do thời tiết mưa lớn nên 02 bên sườn núi bị sạt trượt, tiện đó doanh nghiệp họ mở đường giúp dân đi lại thuận tiện hơn”.
Chủ rừng đổ tại thiên nhiên, mốc lộ giới quản lý không có, cố tình làm ngơ bao che cho doanh nghiệp sai phạm (kết luận số 4615 và 5073 của UBND tỉnh đã chỉ rõ), lại thêm một lần nữa để Công ty Thăng Long tiếp tục xâm phạm đất rừng đặc dụng tại khu vực đập Xuyên Sơn – ngon núi thiêng và là cửa ngõ đi vào thôn Khắc Kiệm.
Người già trong thôn giờ chẳng còn biết tin vào ai, điện sinh hoạt trong thôn nhiều tháng nay bị doanh nghiệp cắt, đất sản xuất thì bị doanh nghiệp cưỡng chế, đành quay lưng để mặc... |
Điều đó cho thấy, việc để Công ty Thăng Long cho máy móc thiết bị bạt Taluy dương 02 bên sườn núi, mở rộng đường to như đại lộ, thuận tiện cho các phương tiện cơ giới hạng nặng tiến vào thôn san lấp mặt bằng, lấy đất của dân là việc làm sai trái, coi thường pháp luật.
Cũng theo phán ảnh, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thôn Khắc Kiệm, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) “bị dụ dỗ mua bán, mắc nợ doanh nghiệp” nên doanh nghiệp đã tổ chức một lực lượng hùng hậu cả trăm người mặc quần áo rằn ri giả quân đội, cùng các phương tiện xe cơ giới "hùng hổ" tiến vào thôn để cưỡng chế lấy đất, chuẩn bị hạ tầng cho một đợt khai thác vàng sa khoáng tại khu vực cánh đồng Khắc Kiệm và Nam thung lũng Khắc Kiệm.
Bị nhân dân trong thôn phản đối quyết liệt, doanh nghiệp đã cho cắt điện sinh hoạt từ nhiều tháng nay. Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, cụ Nguyễn VA.cho rằng: “sống trong vùng lõi rừng đặc dụng, nhân dân chỉ còn biết canh tác trên cánh đồng 02 vụ lúa và 01 màu, giờ cho doanh nghiệp lấy toàn bộ 34 ha đất lúa này, sau đó di dân ra khu vực moong khai thác đang hoàn thổ để tái định cư thì người dân lấy đâu ra đất để sản xuất. Nghề nghiệp chính của đồng bào dân tộc là làm ruộng nương, giờ trở thành phố thì tương lại chúng tôi và con cháu biết sống bằng gì, tiền tiêu rồi sẽ hết, con cháu chúng tôi rồi lại mắc phải cảnh nợ nần cắm bìa đỏ để người ta lấy đất?”
Hiện nay, cánh đồng lúa Khắc Kiệm đang là nguồn sống chính của hàng trăm nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn để cấp phép cho Công ty Thăng Long khai thác vàng sa khoáng không qua đấu giá. Chỉ riêng điều này, doanh nghiệp đã “ung dung” bỏ túi lợi nhuận ước tính mỗi năm cả trăm tỷ đồng.
Theo đó, cùng nằm trong 01 khu vực khoáng sản, vùng lõi của rừng đặc dụng, nhưng bị xé lẻ ra làm 03 điểm mỏ để địa phương dễ dàng cấp phép không qua đấu giá cho doanh nghiệp. Cụ thể:
Năm 2005, Mỏ Bản Ná được cấp phép khai thác với diện tích 37,25ha, thời hạn 7 năm, gần hết thời hạn doanh nghiệp tiếp tục được gian hạn đến năm 2021.
Đến năm 2009, Khu vực Khắc Kiệm được cấp phép khai thác với diện tích là 42,09ha, trong đó 34,09ha là đất lúa 02 vụ, thời hạn khai thác 6,5 năm. Gần hết thời hạn Công ty Thăng Long không tiến hành thực hiện dự án lại tiếp tục được gian hạn thêm 17 năm nữa, tức là đến năm 2032.
Tiếp đến, năm 2010, Mỏ vàng sa khoáng Nam thung lũng Khắc Kiệm được cấp phép với diện tích 10,27 ha, thời hạn 11,75 năm, khai thác lộ thiên nhưng hiện nay doanh nghiệp đang tổ chức khai thác hầm lò.
Dưới đây là một số hình ảnh sai phạm của doanh nghiệp và sự bao che tiếp tay của chính quyền:
Công ty Thăng Long phá đường dân sinh, khai thác vàng ngoài lộ giới |
Công dân có đơn tố cáo, báo chí phản ảnh, Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, xác minh báo cáo. Ấy vậy, Phó Giám đốc Sở TN và chuyên viên đi kiểm tra nhưng không phát hiện ra sai phạm |
Có đơn tố cáo, đích thân Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai vội vàng làm văn bản xin đưa đất rừng đặc dụng ra để hợp thức hóa cho doanh nghiệp |
Một trong những bản hợp đồng thuê đất rừng đặc dụng để đổ thải, chính quyền coi như doanh nghiệp không có tội |
Mua, mượn hàng chục ha đất rừng đặc dụng để đổ thải và xây dựng các công trình Đình, Đền, Chùa chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất |
Doanh nghiệp coi đất rừng đặc dụng là bãi thải, chính quyền cho đó là "gửi thải" |
Hàng triệu m3 đất đá doanh nghiệp "gửi thải" vào rừng đặc dụng đang có nguyên cơ biến mất không dấu vết |
Bất chấp luật pháp, Công ty Thăng Long cho bạt ngọn núi thiêng khu vực đập Xuyên Sơn - cửa ngõ dẫn vào thôn Khắc Kiệm để thuận tiện cho xe tải hạng nặng tẩu tán đất đá thải trước đó đã "gửi thải vào rừng đặc dụng" để san lấp phần diện tích đất vừa cưỡng chế |
Cánh đồng 02 vụ lúa, 01 vụ màu rộng 34 ha hiện đang nuôi sống hàng trăm nhân khẩu tại thôn Khắc Kiệm, xã Thần Sa từ bao đời nay giờ sắp được nhường chỗ cho dự án khai thác vàng sa khoáng với diện tích được cấp phép rộng 42,09 ha bao trùm lên toàn bộ diện tích đất lúa. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chính quyền tỉnh Thái Nguyên đang từng bước, mỗi năm đưa 8ha đất lúa ra để cấp không cho doanh nghiệp, thay vì phải xin ý kiến của các Bộ, ngành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |