Điện thoại "lấy đi" gần 9 năm cuộc đời mỗi người
Theo một nghiên cứu do WhistleOut thực hiện, mỗi người dành trung bình gần 9 năm cuộc đời để "dán mắt" vào màn hình điện thoại thông minh.
Cuộc khảo sát tiến hành với 1.000 người ở nhiều quốc gia khác nhau về thời gian sử dụng điện thoại di động. Những người tham gia được chia thành ba nhóm tuổi, sinh từ năm 1946-1964, 1965-1980 và 1981-1996.
WhisleOut tính toán với thời gian sử dụng trung bình là 3,07 giờ một ngày, mọi người sẽ dành 8,74 năm chỉ để dùng smartphone. Không ngạc nhiên, thế hệ trẻ sinh từ năm 1981-1996, dùng nhiều nhất, trung bình 3,7 giờ một ngày.
Tiếp đó là nhóm sinh năm 1965-1980 với ba giờ sử dụng điện thoại hàng ngày. Thế hệ 1946-1964 chỉ dành 2,5 giờ mỗi ngày cho các thiết bị di động thông minh.
Tờ Phone Arena bình luận về kết quả điều tra do WhistleOut công bố: "Những số liệu thống kê này có phần đáng báo động, nhưng cũng không nên nghiêm trọng hoá vấn đề. Trước hết, 9 năm được trích dẫn trong cuộc khảo sát chỉ là một phép ngoại suy từ 1.000 người tham gia điều tra.
Thứ hai, dành nhiều thời gian cho điện thoại không hẳn là điều xấu. Điều này khó đánh giá bởi bạn có thể dành những giờ đó để học một ngôn ngữ mới hoặc chơi trò chơi trên thiết bị di động như cách để giết thời gian".
"Điện thoại là một công cụ tuyệt vời để bạn thưởng thức một video hay ho, học các kỹ năng mới hay xem một chương trình mình yêu thích. Smartphone ngày càng mạnh mẽ, đa năng nên người dùng có thể giải trí, làm việc thay vì sử dụng máy tính để bàn, laptop hay tablet", một ý kiến bình luận.
Liên quan đến thói quen sẻ dụng smartphone, tờ Review42 thống kê người dùng trung bình chạm, vuốt và nhấn vào điện thoại 2.617 lần mỗi ngày.
Trên toàn thế giới, có 2,87 tỷ người dùng điện thoại thông minh năm 2020. Hiện tại khoảng 30% dân số thế giới có smartphone và con số này được dự báo tăng lên 50% trong vài năm tới. 47% người dùng điện thoại thông minh ở Mỹ nói rằng không thể sống thiếu thiết bị của mình. 95% người trưởng thành ở Hàn Quốc sở hữu điện thoại thông minh.