Cận cảnh trại hè “cai nghiện” điện thoại di động của thanh thiếu niên Hàn Quốc

Khi đó là 4h sáng, Yoo Chae-rin (16 tuổi) chợt nhận ra mình đã sử dụng điện thoại thông minh 13 tiếng đồng hồ liền. Chưa đầy 3 tiếng nữa, nữ sinh trung học này sẽ phải đến trường. Biết mình có vấn đề, Yoo Chae-rin đã đăng ký vào một trại hè dành cho thanh thiếu niên “nghiện” điện thoại. “Ngay cả khi trong đầu tự nhủ là nên ngừng sử dụng điện thoại nhưng em không thể ngừng, vì thế cứ cầm cho đến sáng”, Yoo Chae-rin nói. 

Hiện 30% trẻ em Hàn Quốc từ 10-19 tuổi có dấu hiệu cần “cai nghiện” điện thoại di động (Trong ảnh: Trại hè “cai nghiện” điện thoại di động và Internet giúp trẻ em hướng đến những hoạt động tập thể và tư vấn tâm lý)
Hiện 30% trẻ em Hàn Quốc từ 10-19 tuổi có dấu hiệu cần “cai nghiện” điện thoại di động (Trong ảnh: Trại hè “cai nghiện” điện thoại di động và Internet giúp trẻ em hướng đến những hoạt động tập thể và tư vấn tâm lý)

Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ dân số sở hữu điện thoại thông minh cao nhất trên thế giới. Theo số liệu của chính phủ nước này, hơn 98% thanh thiếu niên Hàn Quốc có điện thoại vào năm 2018 và nhiều người đang có dấu hiệu “nghiện”.

Năm 2019 này, khoảng 30% trẻ em Hàn Quốc từ 10-19 tuổi được xếp vào loại sử dụng điện thoại “quá liều”, theo Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin và Truyền thông (MSIT). Điều đó có nghĩa là số này phải chịu hậu quả nghiêm trọng do thói quen sử dụng điện thoại thông minh, bao gồm sự suy giảm khả năng tự kiểm soát. Những đứa trẻ đó, như Yoo Cha-rin, đủ điều kiện để được “cai nghiện” Internet.

Chương trình tự nguyện và miễn phí

Yoo Cha-rin từng là một học sinh trung bình ở trường cấp II, nhưng đến khi lên cấp III, kết quả học tập của em sụt giảm, tụt xuống cuối lớp. Nữ sinh này thường xuyên thức khuya, lướt Facebook, chơi ứng dụng ảnh Snow và trò chuyện với bạn bè trên dịch vụ nhắn tin KakaoTalk.

Cha cô bé, ông Yoo Jae-ho, ngày càng lo lắng cho con gái mình. “Trong gia đình, con tôi ít trò chuyện với mọi người. Cứ khi nào nói về việc sử dụng điện thoại là sẽ có một cuộc cãi vã”. Người cha này đã đặt giới hạn là 2 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại thông minh, nhưng con gái ông vẫn tìm mọi cách để khắc phục. Nhưng rồi, Yoo Chae-rin chấp nhận tới trại hè để cai nghiện trong vòng 12 ngày.

Các trại hè “cai nghiện” Internet và điện thoại ở Hàn Quốc miễn phí, người tham gia chỉ phải đóng một khoản phí 100.000 Won (84 USD) cho ăn uống. Nam và nữ ở các trại riêng biệt và mỗi đợt đón tiếp khoảng 25 học sinh. Ở trại hè, thanh thiếu niên được khuyến khích tham gia các hoạt động ngoài trời, nghệ thuật, thủ công và tập luyện thể thao. Họ cũng phải tham dự các buổi tư vấn bắt buộc ở cấp độ riêng với chuyên gia, và thảo luận theo nhóm hay gia đình. Trong khoảng 30 phút trước giờ đi ngủ, các trại viên ngồi thiền. 

Nhiều trại hè được tổ chức tại các trung tâm đào tạo trẻ, cách xa thành phố, trong những khung cảnh xanh mướt. Trại của Yoo Chae-rin được tổ chức tại Trung tâm Thanh thiếu niên Quốc gia Hàn Quốc ở thành phố Cheonan, ở đó còn có bể bơi trong nhà và sân thể thao. 

ảnh 2

Sự lựa chọn của những phụ huynh “tuyệt vọng”

Chương trình “cai nghiện” Internet cho giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu hoạt động vào năm 2007 và mở rộng vào năm 2015 đối với đối tượng “nghiện” điện thoại thông minh. Năm nay, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã tổ chức 16 trại hè trên toàn quốc cho khoảng 400 học sinh THCS và THPT.

Đối với một số phụ huynh, đó là phương sách cuối cùng. “Tôi nghĩ rằng các bậc cha mẹ gửi con đến đây vì họ đã tuyệt vọng và mong có được sự giúp đỡ của chuyên gia”, bà Yoo Soon-duk, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phúc lợi Thanh niên Gyeonggi-do, điều hành một trại hè dành cho thanh thiếu niên ở tỉnh Gyeonggi, phía Bắc Hàn Quốc nói.

Giám đốc Yoo Soon-duk cho biết, trong vài ngày đầu tiên, các thiếu niên đều mang “vẻ mặt đau khổ”. “Từ ngày thứ ba, bạn có thể thấy họ thay đổi như thế nào. Họ bắt đầu thích chơi với bạn bè”. 

Trên bức tường ở trại Cheonan, các cha mẹ đã để lại tin nhắn để khích lệ các con. “Chúng ta hy vọng rằng thời gian ở trại sẽ giúp con suy ngẫm về bản thân và yêu chính mình”, một tin nhắn viết. Một dòng nhắn nhủ khác có vẻ đáng ngại hơn: “Hãy gắng lên Yong-joo! Đừng trốn thoát”. Trong khi trại hè này dành cho thanh thiếu niên, có những trại dành riêng cho học sinh tiểu học và cả những chương trình tổ chức trong năm học.

Nguyên nhân và tác hại của “nghiện” Internet sớm

Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh quá mức, đây còn là thực trạng phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, áp lực xã hội đang làm trầm trọng thêm vấn đề. Ở đó, trẻ em phải đối mặt với khối lượng công việc học tập nặng nề và có rất ít sự lựa chọn để thư giãn. 

Vào cuối ngày học, học sinh lại đến các lớp luyện thi, dành ít thời gian cho các hoạt động khác. Trong năm 2015, chỉ có 46,3% học sinh Hàn Quốc 15 tuổi cho biết có tập thể dục hoặc luyện tập thể thao trước hoặc sau giờ học, mức thấp nhất trong tất cả 36 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Lee Woo-rin, nữ sinh 16 tuổi cho biết, em sử dụng điện thoại thông minh để giảm bớt căng thẳng trong học hành. “Điện thoại giúp em tạm thời quên đi sự căng thẳng. Nhưng cứ khi nào ngừng sử dụng, những thứ bực bội trở lại trong tâm trí. Nó giống như một vòng luẩn quẩn”.

Ông Lee Jae-won, một bác sĩ tâm thần điều trị chứng nghiện điện thoại thông minh, lý giải, khi con người căng thẳng, dopamine trong não giảm, khiến họ tìm kiếm các hình thức thỏa mãn khác. Vì thanh thiếu niên không có cách nào khác để giảm căng thẳng, họ sử dụng điện thoại thông minh. “Ban đầu, điện thoại thông minh an ủi họ, nhưng họ lại nghĩ chỉ cần điện thoại đủ khiến họ vui, từ đó dẫn đến bỏ bê học tập”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong thời gian ngắn, nỗi ám ảnh về điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng đến việc học tập ở thanh thiếu niên nhưng quá trình đấu tranh để từ bỏ việc lạm dụng nó có thể mất nhiều thời gian hơn. Khi đó, người nghiện Internet có thể bị cô lập về mặt xã hội và gặp các triệu chứng bao gồm tức giận, căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm. 

Bà Yoo Soon-duk chia sẻ thêm, thanh thiếu niên một thời gian không đối thoại trực tiếp với gia đình và bạn bè sẽ gặp khó trong tương tác xã hội, không phát triển được khả năng giải quyết xung đột cá nhân. Nữ Giám đốc trại hè nhớ lại, một nam sinh từng dọa tự tử nếu không để cho anh chàng rời trại. “Đối với cậu ấy, điện thoại thông minh là cầu nối với xã hội”, bà nói.  

Hiệu quả tùy thuộc bản thân mỗi người

Một tháng sau khi cai nghiện điện thoại, Yoo Cha-rin nói rằng em chỉ sử dụng điện thoại từ 2-3 tiếng mỗi ngày, so với 6-7 tiếng như trước. “Trước đây, ngay cả khi nghĩ trong đầu rằng nên dừng lại, em không thể. Nhưng giờ nếu muốn, em có thể dừng lại ngay lập tức”. 

Tuy nhiên, Yoo Chae-rin không chắc việc cai nghiện có hiệu quả như thế nào đối với những người khác. Em có hai người bạn cùng phòng. Ngay sau khi chương trình kết thúc, một trong số họ thậm chí không kịp nói lời tạm biệt mà chạy ra ngoài để sử dụng điện thoại thông minh. 

Bác sĩ Lee Jae-won cũng nói rằng, lợi ích lâu dài của khóa “cai nghiện” này phụ thuộc vào việc thanh thiếu niên sẵn sàng thay đổi thói quen của họ như thế nào. Những người vẫn không thể kiểm soát nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh của họ sau khóa học ở trại hè có thể phải tìm đến sự trợ giúp về y tế.

Yoo Chae-rin cho biết, những người sẵn sàng đi trại hè đều nhận thấy sự cải thiện trong thói quen sử dụng điện thoại của họ. Tuy nhiên, “đối với những bạn bị cha mẹ ép buộc phải đi, có lẽ trại hè không hiệu quả với họ”, nữ sinh này nhận xét.

Theo An ninh Thủ đô

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.