Bởi đây là thời điểm mức lương tối thiểu vùng dự kiến sẽ tăng và chính sách cải cách tiền lương ở khu vực Nhà nước chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, đối với lương tối thiểu vùng, Bộ LĐ,TB&XH đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, Bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng. Thời điểm tăng lương từ ngày 1/7, trùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực công.
Với mức đề xuất trên, lương tối thiểu vùng 1 dự kiến tăng lên 4,96 triệu đồng/tháng, các vùng 2, 3 và 4 lần lượt là 4,41 triệu, 3,86 triệu và 3,45 triệu đồng/tháng. Lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%. Vùng 1 nâng lên 23.800 đồng; các vùng 2, 3 và 4 lần lượt là 21.200 đồng, 18.600 đồng và 16.600 đồng.
Theo Bộ LĐ,TB&XH với mức tăng từ 200.000 - 280.000 đồng, tương ứng tỷ lệ bình quân 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành sẽ cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm nay. Đồng thời mức tăng này dự kiến cũng cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025 cho người lao động.
Đối với chính sách cải cách tiền lương ở khu vực Nhà nước, theo Nghị quyết 104/2023/QH15, từ ngày 1/7/2024 sẽ bắt đầu thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Dù đến thời điểm này chưa có văn bản nào quy định cụ thể về mức lương mới của công chức, viên chức từ ngày 1/7 được ban hành nhưng theo dự kiến, tiền lương trung bình của công chức, viên chức có thể tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Về lý thuyết việc người lao động cũng như công chức, viên chức sẽ được tăng lương là rất đáng mừng. Thế nhưng kèm theo đó là nỗi lo giá đuổi lương, lương chưa tăng giá đã tăng, lương tăng ít, giá tăng nhiều làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương, chất lượng cuộc sống của công chức, viên chức và người lao động ít được cải thiện.
Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở bởi theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2024 tăng 3,77%, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 4,03%, lạm phát cơ bản tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2023.
Còn theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, việc quản lý, điều hành giá tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực.
Giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng biến động khó lường. Xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng lương là cần thiết, nhưng việc tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết thực cho người hưởng lương khi giá cả hàng hóa được kiểm soát, cụ thể là chỉ khi hạn chế được tình trạng lương chưa tăng, giá đã tăng.
Bởi vậy, vấn đề là các ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát thị trường để bình ổn giá cả hàng hóa.
Cụ thể, như ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá diễn ra mới đây là các bộ ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá.
Trong đó, kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, thành “thói quen”, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương. Phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, niêm yết giá tại các chợ truyền thống…