Tăng lương và giá...

GD&TĐ - Về lý thuyết, việc tăng lương nhằm bù trượt giá, bảo đảm mức sống cho người lao động...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 thì trong tháng 5 tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thiện Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và thống nhất khuyến nghị Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1/7/2024 tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng. Như vậy, nếu được Chính phủ đồng ý, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024, cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực công.

Với mức tăng 6%, lương tối thiểu tháng áp dụng từ 1/7 của vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng. Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng. Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng. Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.

Về lý thuyết, việc tăng lương nhằm bù trượt giá, bảo đảm mức sống cho người lao động. Đây cũng là mong mỏi của người lao động bởi theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hồi tháng 4/2023 đối với gần 3.000 người lao động thuộc các ngành và tại các loại hình doanh nghiệp khác nhau cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động bao gồm cả tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp là khoảng hơn 7,8 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập này, hơn 75% người lao động cho rằng, tiền lương và thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng, nhiều người phải vay để trang trải các chi phí.

Cụ thể, có khoảng 17% lao động phải vay tiền; hơn 11% lao động cho biết phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập. Thậm chí, hơn 12% người lao động được khảo sát cho biết phải rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải chi tiêu.

Cho nên vấn đề đặt ra ở đây là cần làm gì để hạn chế tình trạng lương chưa tăng nhưng giá các mặt hàng thiết yếu đã “rục rịch” tăng? Theo ý kiến của một chuyên gia thì giá và lương có mối quan hệ rất chặt chẽ.

Khi lương tăng, giá cả hàng hoá ổn định thì tiền lương tăng mới có giá trị với người lao động. Bởi vậy, vấn đề là phải kiểm soát được lạm phát, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Ý kiến khác thì cho rằng, mức lương được điều chỉnh tăng theo chỉ số tiêu dùng (CPI) nhưng trên thực tế, việc giá cả tăng theo lương đã hạn chế hơn so với những lần điều chỉnh trước.

Trước đây, khi hàng hóa còn khan hiếm thì khi lương cơ sở tăng, giá hàng hóa cũng tăng theo kiểu “té nước theo mưa”. Nhưng hiện nay, khi tăng lương cơ sở, có mặt hàng tăng, mặt hàng giảm.

Thực tế, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã đề ra các giải pháp để kiểm soát lạm phát. Cụ thể, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý và chủ động, bám sát diễn biến thị trường.

Thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Chú trọng xây dựng, tính toán “liều lượng” và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Bảo đảm hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng do sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… được thông suốt.

Tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết. Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có biến động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.